(GLO)- Những ngày qua, nhiều tấm hình mang dòng chữ "Nhà có chồng bộ đội vui lòng không hỏi Tết này chồng có về không?" xuất hiện trên mạng xã hội Zalo, Facebook. Chẳng phải ngẫu nhiên mà cộng đồng mạng lại chia sẻ điều đó, bởi đơn giản, khi Tết Nguyên đán cận kề thì dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, những người lính đang phải căng mình thực hiện "nhiệm vụ kép".
1. Đã là 29 Tết nhưng ngôi nhà cấp 4 của gia đình bà Nguyễn Thị Sang (119 Nguyễn Viết Xuân, phường Hội Phú, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) vẫn khá bộn bề. Bà Sang đội chiếc nón lá ra trước sân lật phơi những cây rau cải cay để muối dưa. Xong việc, bà vào nhà phụ cô con dâu Nguyễn Thị Hà Giang lau dọn bàn ghế, sắp xếp đồ đạc cho ngăn nắp, chuẩn bị đón Tết.
Bà Sang chia sẻ, những năm trước, con trai cả của bà là Đại úy Phạm Duy Đông-y sĩ của Bệnh xá Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đều lo liệu việc dọn dẹp nhà cửa đón Tết, rồi gói bánh chưng, chuẩn bị ban thờ thắp nhang cho ông nội, cho bố. Tuy nhiên, Tết năm nay, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, con trai lại trực tiếp đảm nhận công tác chăm sóc sức khỏe cho những người đang thực hiện cách ly y tế tập trung tại Trung tâm Huấn luyện-Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng an ninh (Trung đoàn Bộ binh 991, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) nên không thể phụ giúp.
Biết công việc của con nên bà Sang chưa một lần hờn giận. Thay vào đó, mỗi khi nhận điện thoại của con, bà đều động viên “Con cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ, giữ gìn sức khỏe và chú ý an toàn vì dịch nguy hiểm”.
Tranh thủ những lúc khỏe, bà Sang phụ con dâu dọn dẹp nhà cửa đón Tết. Ảnh: Phương Dung |
Thực tế, sức khỏe bà Sang và chị Giang đều không tốt. Nhưng để Đại úy Đông yên tâm công tác, cả hai đều động viên nhau vượt qua cơn đau mỗi ngày. Bà Sang bị suy thận và hơn 4 năm qua phải duy trì việc chạy thận nhân tạo 3 đợt/tuần. Thời gian trước, bà phải lặn lội vào TP. Hồ Chí Minh để chạy thận. Nhưng hơn 1 năm nay, bà điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai nên cũng đỡ phần đi lại.
“Chạy thận mệt nhưng sau đó vẫn còn có sức chứ như vợ nó bây giờ mới thương, đau suốt thôi”-bà Sang trần tình. Sinh cậu con trai thứ hai chưa lâu thì chị Giang phát hiện mình bị bệnh ung thư cổ tử cung giai đoạn 2. Suốt 4 năm qua, chị trải qua nhiều đợt xạ trị vô cùng tốn kém. Để ngăn tế bào ung thư không phát triển, hàng tháng, chị đi xe đò vào TP. Hồ Chí Minh tái khám và lấy thuốc về uống. Gần 1 năm nay, do tình hình dịch Covid-19 phức tạp, việc đi lại cũng khó khăn nên 3 tháng chị mới tái khám 1 lần và hầu hết đều đơn độc.
“Cũng buồn, cũng tủi nhưng không phải vì anh không muốn mà là không thể. Hơn nữa, bệnh tình phải điều trị lâu dài không thể lần nào cũng bắt anh theo cùng. Dù anh không cùng đi nhưng thường xuyên gọi điện động viên, an ủi”-chị Giang bộc bạch.
Như hiểu được sự thiệt thòi của mẹ, của vợ và các con nên cứ khi nào ngơi việc, anh Đông lại gọi điện thoại dặn dò mọi người trong nhà việc trang trí Tết, sửa soạn mâm cúng, dọn dẹp phần mộ… Đặc biệt, anh vẫn dành thời gian lên thực đơn ăn uống kiêng khem cho mẹ và vợ ở nhà.
Chị Nguyễn Thị Hồng Minh (hẻm 279 Phạm Văn Đồng, phường Thống Nhất, TP. Pleiku) gói bánh chưng đón Tết. Ảnh: Phương Dung
|
2. Nhận điện thoại chồng báo tin Tết Nguyên đán năm nay phải ở lại đơn vị trực không thể về, khuôn mặt chị Nguyễn Thị Hồng Minh (hẻm 279 Phạm Văn Đồng, phường Thống Nhất, TP. Pleiku) thoáng buồn. Cậu con trai lớn đứng bên cạnh như hiểu được phần nào nội dung cuộc trò chuyện liền động viên mẹ: "Dịch bệnh thế này ai cũng phải trực mà mẹ. Bố là bộ đội càng phải trực chứ".
Chồng chị Minh đang công tác tại Lữ đoàn Pháo binh 40 (Quân đoàn 3). Lấy chồng bộ đội gần 20 năm và ngay từ đầu đã xác định bộ đội thường xuyên vắng nhà, vợ phải cáng đáng mọi việc trong ngoài, thậm chí vừa phải làm cha, vừa làm mẹ nhưng thỉnh thoảng chị vẫn chạnh lòng.
“Tết với nhiều nhà là dịp để vợ chồng, con cái sum vầy, nhưng nhà mình thì hiếm hoi lắm. Hoặc có chăng cũng tranh thủ từng giờ, từng phút bên nhau. Những năm trước, đơn vị cũng tạo điều kiện để về 1-2 ngày đi chúc Tết ông bà nội ngoại, người thân, còn năm nay dịch bệnh thế này thì chắc là không rồi”-chị Minh bày tỏ.
Chạnh lòng là thế nhưng khi hỏi có trách giận chồng hay không, chị Minh cười nói: “Mình thiệt thòi, họ cũng thiệt thòi không kém. Ai cũng mong muốn ngày Tết được ở bên gia đình, bên người thân nhưng vì nhiệm vụ chung nên phải gác niềm riêng thôi”.
Hiểu công việc của chồng nên gần Tết, chị Minh chủ động dọn dẹp, sơn sửa nhà cửa, gói bánh chưng, lo toan chuẩn bị Tết… Và niềm vui của chị Minh là Tết năm nay, cậu con trai lớn đã biết phụ mẹ san sẻ việc nhà, hiểu nỗi vất vả của mẹ nên luôn bên cạnh động viên, an ủi.
PHƯƠNG DUNG