Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Tết xưa hấp dẫn, lạ lùng qua góc nhìn của các học giả Pháp-Việt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Qua những bài viết đặc sắc, cuốn sách “Tết Việt Nam xưa” đã đưa độc giả bước vào hành trình Tết của người Việt qua những nghi lễ, phong tục, thú chơi thấm đẫm “tâm hồn Việt Nam”.

Cuốn sách tập hợp những bài viết của các học giả Việt Nam và Pháp từng đăng trên Tạp chí Đông Dương. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Cuốn sách tập hợp những bài viết của các học giả Việt Nam và Pháp từng đăng trên Tạp chí Đông Dương. (Ảnh: PV/Vietnam+)


Cuốn sách mới “Tết Việt Nam xưa” tập hợp bài viết của các học giả Việt Nam và Pháp từng đăng trên Tạp chí Đông Dương do MaiHaBooks cùng Nhà xuất bản Thế giới tuyển dịch.

Đối với giới nghiên cứu văn hóa Việt Nam cận đại, Tạp chí Đông Dương là cái tên mang nhiều ý nghĩa bởi ở đó có sự xuất hiện nhiều cây bút tầm cỡ Việt Nam và Pháp. Đây là một tài liệu quý cho nghiên cứu lịch sử và văn hóa Việt Nam.

Tết Việt Nam xưa sống động và tinh tế nhưng cũng rất… lạ lùng

Gói trong gần 200 trang, sách “Tết Việt Nam xưa” được chia thành 3 phần chính: Nghi lễ Tết, Phong tục Tết và Thú chơi Tết. Đặc biệt, các bài viết được minh họa bằng hơn 50 bức tranh Tết ngộ nghĩnh, sống động.

Phần Nghi lễ Tết là những bài viết về các chủ đề: Tết và thờ cúng gia tiên; Ông Tam Đa; Lễ nghinh xuân ở Huế; Đại lễ Nam Giao; Lễ tế Đất Trời tại kinh đô Huế; Lịch của người An Nam; Tâm lý ngày Tết.

Phong tục Tết hiện lên đầy màu sắc trong phần 2 với: Lá thư đêm giao thừa; Tết ở làng quê qua góc nhìn của nhà văn Pháp Jean Marquet; Tết qua cái nhìn của một người An Nam; Tết qua câu chuyện của những du khách và nhà truyền giáo người Âu (thế kỷ XVII và XVIII); Tết Việt Nam trong mắt sử gia Georges Pisier.

Phần 3 xoay quanh thú chơi tao nhã của người Việt trong dịp Tết như: Hoa thủy tiên trong ngày Tết; Đối liễn; Phúc và Thọ; Nguồn gốc và ý nghĩa của tranh dân gian ngày Tết; Hội Lim…

Ở ngay phần mở đầu cuốn sách là góc nhìn tổng quan, sâu sắc về Tết cổ truyền Việt Nam của học giả Nguyễn Văn Huyên. Ông khẳng định, Tết theo lịch âm ở châu Á là một ngày lễ được người An Nam tổ chức long trọng nhất năm. Qua lối viết hấp dẫn, học giả Nguyễn Văn Huyên đã đem đến những mô tả rõ ràng, chi tiết và sinh động về Tết Nguyên đán.

Thời điểm đón Tết, ý nghĩa thiêng liêng của Tết với từng cá nhân, với dân tộc, chuẩn bị cho ngày Tết, lễ cúng thần ông Táo ngày 23 tháng Chạp, đón Tết, vui Tết, suy nghĩ của người dân về Tết… được nhà văn hoá Nguyễn Văn Huyên kể lại vô cùng chi tiết và thi vị. Cũng bởi ý nghĩa thiêng liêng của Tết, ông cho rằng Tết vẫn tồn tại mãi mãi với chúng ta, bất chấp sự khắc nghiệt của thời đại và sự đóng góp ít nhiều rời rạc của những quan niệm mới về đạo đức hay về những phản xạ tâm lý mới.

Nhà văn hóa Phạm Quỳnh có bài viết thú vị “Tâm lý ngày Tết” lý giải ý nghĩa diệu kỳ, thiêng liêng của Tết. Theo đó, ông cho rằng, Tết là sự náo nức vô cùng của những người dân An Nam.

Một trong những điểm thú vị của Tết Việt Nam xưa là những bài viết về những nghi lễ Tết gần như không còn nữa hoặc mới được phục dựng. Chẳng hạn, Lễ nghinh xuân ở Huế hay đúng hơn là lễ cầu khấn các thần nông nghiệp để xin họ bảo vệ đất đai trồng trọt, mang lại sự phì nhiêu và vụ mùa bội thu. Hay, Đại lễ Nam Giao qua lời kể của nhà văn hóa Phạm Quỳnh là buổi lễ gây ấn tượng mạnh, thu hút sự tò mò chú ý của người dân nhưng ít người biết đến ý nghĩa sâu xa của nó. Lễ tế đất trời tại Kinh đô Huế qua góc nhìn của giáo sư, nhà nghiên cứu người Pháp Paul Boudet cũng rất chi tiết về những ý nghĩa và từng nghi thức.


 

 Tiến sỹ Nguyễn Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện nghiên cứu Việt Nam học. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Tiến sỹ Nguyễn Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện nghiên cứu Việt Nam học. (Ảnh: PV/Vietnam+)



Thú vị nhất có lẽ là phần Phong tục Tết bởi ở đó có những bài viết về Tết qua góc nhìn của nhà văn, du khách, học giả người Pháp và quốc tế. Họ có cái nhìn mới mẻ, lạ lẫm, đôi khi là sai lầm, giống như sự tưởng tượng xa lạ về Tết Việt.

Sống và làm việc nhiều năm ở Đông Dương, nhà văn Jean Marquet có bài viết thú vị Tết ở làng quê. “Thật ngọt ngào biết bao khi thấy trước được những bữa tiệc linh đình, những cuộc nhậu nhẹt, những ván bài, những trận chọi gà, là những lời chúc thân tình mà những ngày Tết sẽ lan tỏa trên các gia đình ở phương nam thái bình,” nhà văn Pháp mở đầu ấn tượng như thế, rồi tiếp tục kể câu chuyện về nhân vật Minh và những người xung quanh đã chuẩn bị cho Tết, đón Tết và chơi Tết thế nào.

Sách về Tết Việt không bao giờ cũ hay nhàm chán

Chia sẻ thêm về cuốn sách, tiến sỹ Trần Đoàn Lâm, Giám đốc Nhà xuất bản Thế giới cho hay: “Dung lượng cuốn sách không quá lớn, thích hợp cho bạn đọc phổ thông. Dù ngắn gọn nhưng những bài viết chứa hàm lượng nội dung lớn vì cách biết súc tích, gói ghém nhiều tư liệu, phục vụ công tác nghiên cứu về Tết cổ truyền Việt Nam với những nghi lễ, phong tục, thú chơi… Toàn bộ cuốn sách Tết Việt Nam xưa nổi bật là phần phong tục Tết của đồng bằng Bắc Bộ và Huế. Còn lại, phần Tết của miền Nam hy vọng chúng tôi có dịp nghiên cứu và chia sẻ đầy đủ hơn trong một ấn phẩm khác”.

 

 Tiến sỹ Trần Đoàn Lâm, Giám đốc Nhà xuất bản Thế giới. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Tiến sỹ Trần Đoàn Lâm, Giám đốc Nhà xuất bản Thế giới. (Ảnh: PV/Vietnam+)


Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện nghiên cứu Việt Nam học là người sưu tầm và lưu giữ nhiều ấn phẩm Tạp chí Đông Dương. Ông cho rằng cuốn sách rất đáng đọc để thấy rằng phương Tây họ đã ngưỡng mộ về Tết truyền thống của ta ra sao, họ đã ngắm nhìn những điều đặc sắc của chúng ta như thế nào.

Các học giả cho biết dù có nhiều ấn phẩm được xuất bản mừng Xuân nhưng Tết là chủ đề không bao giờ nhàm chán trong văn chương. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên có một cuốn sách tập hợp những góc nhìn rất cá nhân về Tết Việt của các học giả nước ngoài.

Theo Minh Thu (Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm