Như Thanh Niên đã thông tin, hôm 2.2 (mùng 5 tết), Công an H.Hải Lăng (Quảng Trị) bắt giữ 6 người ở xã Hải Sơn (H.Hải Lăng) để điều tra về hành vi trộm cắp tài sản, là 6 con trâu do bà con xã Hải Chánh (H.Hải Lăng) thả rông ở khu vực Dốc Dài (xã Hải Sơn).
6 con trâu trị giá xấp xỉ 120 triệu đồng bị hạ gục bằng súng hoa cải và xẻ thịt ngay tại chỗ. Kẻ gian lấy phần thịt đùi, lưng đem bán cho người dân trong vùng với giá 160.000 đồng/kg (tổng cộng được 40 triệu đồng). Những phần còn lại của con trâu bị để lại hiện trường.
Những người vi phạm pháp luật sẽ bị chế tài, còn với chủ trâu, dù có đau xót cách mấy thì cũng chỉ biết tự trách mình khi chọn cách nuôi trâu bằng phương pháp chăn thả tự do đầy rủi ro.
Sau đó không lâu, vào các ngày 7 và 8.2, chính quyền, ngành chức năng và các chủ trâu khác bất ngờ phát hiện 29 con trâu chết rải rác trong vườn tràm và vườn cao su thuộc khu vực giáp ranh xã Triệu Ái (H.Triệu Phong) và H.Đakrông. Điều trùng hợp là số trâu này cũng được chăn thả rông, có chủ là người dân ở xã Ba Lòng và xã Triệu Nguyên (H.Đakrông).
Lực lượng chức năng xác định số trâu nói trên chết do mắc chứng tụ huyết trùng cấp tính và không được chữa trị kịp thời. Ông Trần Thanh Sơn, Trạm trưởng Trạm chăn nuôi thú y liên huyện Triệu Phong - TX.Quảng Trị, cho hay tụ huyết trùng là bệnh hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng vắc xin được tiêm định kỳ. Nếu tiêm đúng và đủ, số trâu chết sẽ không nhiều như thế. Thậm chí, ngay cả khi mắc bệnh, nếu thay vì được thả rông mà nuôi nhốt trong chuồng trại, được chăm sóc y tế kỹ lưỡng, cơ hội sống của trâu vẫn rất cao.
Ông bà ta có câu "Con trâu là đầu cơ nghiệp". Ấy vậy nên việc đưa "đầu cơ nghiệp" đi... thả rông thì rõ ràng là có vấn đề, kể cả khi cách chăn thả tự phát này đã có từ hàng chục năm trước. Từ những hệ lụy nói trên, từ những rủi ro nhãn tiền, có lẽ đã đến lúc bà con phải thay đổi để tránh thiệt hại cho mình.
Theo Nguyễn Phúc (TNO)