(GLO)- Sau 2 năm khởi nghiệp, sản phẩm cà phê nguyên chất do anh Thái Nguyễn Trung Thành (SN 1988, ở 213 Hùng Vương, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) sản xuất đã được nhiều khách hàng tin tưởng lựa chọn. Từ thành công bước đầu, anh Thành đang hướng đến việc xây dựng một thương hiệu cà phê của riêng mình.
Tại buổi ra mắt Câu lạc bộ Khởi nghiệp nông nghiệp Gia Lai mới đây, tôi khá ấn tượng trước sự nhanh nhẹn, hoạt bát của Thái Nguyễn Trung Thành, người được bầu làm Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ. Vì vậy, sau đó, tôi đã hẹn gặp anh. Trò chuyện với tôi, Thành chia sẻ, anh sinh ra và lớn lên tại huyện Ia Grai. Năm 2007, sau khi tốt nghiệp THPT, Thành nộp đơn thi vào Khoa Địa chất-Dầu khí (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP. Hồ Chí Minh). Ra trường, anh xin vào làm việc tại Công ty Liên doanh điều hành dầu khí Cửu Long (Cửu Long JOC) tại TP. Hồ Chí Minh.
Anh Thái Nguyễn Trung Thành. Ảnh: H.Đ.T |
Vốn đam mê kinh doanh từ nhỏ nên vừa làm cho Cửu Long JOC, Thành vừa cùng bạn mở một quán cà phê ở quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh. Được một thời gian, thấy việc kinh doanh cà phê thuận lợi, Thành quyết định xin nghỉ việc ở Cửu Long JOC. “Lúc tôi xin nghỉ làm để chuyển qua kinh doanh cà phê, ba mẹ tôi rất buồn. Tôi phải thuyết phục mãi thì ba mẹ mới đồng ý với quyết định này”-Thành chia sẻ.
Sau một thời gian vừa mở quán bán cà phê, vừa rang xay, chế biến cà phê bột tại TP. Hồ Chí Minh, năm 2016, Thành nghĩ đến việc trở về Gia Lai để khởi nghiệp. Lúc này, anh đã biết được ít nhiều kỹ thuật rang xay, chế biến cà phê. Vậy nhưng, khi bắt tay vào làm, anh mới thấy được hết những khó khăn mà mình phải đối mặt, từ vốn đầu tư, kỹ thuật chế biến đến thị trường tiêu thụ. Do kinh nghiệm còn hạn chế nên những mẻ cà phê đầu tiên Thành rang đều bị cháy. Không nản lòng, anh tiếp tục mày mò nghiên cứu, tìm hiểu kỹ thuật rang xay cà phê qua sách báo, mạng internet... với quyết tâm thực hiện mơ ước của mình. Đồng thời, anh vay tiền của người thân để đầu tư máy móc, nhà xưởng sản xuất.
Thời điểm Thành bắt tay khởi nghiệp, sản phẩm cà phê trộn vẫn đang chiếm lĩnh thị trường. Tuy nhiên, anh suy nghĩ, mình cần tìm một lối đi riêng là sản xuất cà phê nguyên chất. Lúc đầu, anh thử nghiệm sản xuất từng ít một rồi trực tiếp đến các quán cà phê thuyết phục chủ quán dùng thử. Đồng thời, anh thuê mặt bằng mở một quán cà phê để giới thiệu sản phẩm của mình đến khách hàng. Nhờ biết lắng nghe góp ý của khách hàng, sản phẩm cà phê nguyên chất do anh sản xuất dần có chỗ đứng trên thị trường. Hiện nay, ngoài việc tiêu thụ trong tỉnh, cà phê của anh còn có mặt tại thị trường Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh lân cận. Vì vậy, từ chỗ mỗi tháng chỉ tiêu thụ được vài chục ký cà phê, đến nay, cơ sở của anh bán ra thị trường từ 300 kg đến 500 kg/tháng. Mỗi tháng, anh thu được khoảng 70 triệu đồng từ bán cà phê. Trừ chi phí, anh còn lãi khoảng 20-30 triệu đồng. Từ thành công bước đầu đó, Thành nghĩ đến việc tạo dựng một thương hiệu cà phê của riêng mình. Khi có thương hiệu, anh sẽ nâng cấp cơ sở sản xuất lên thành công ty để tiện giao dịch.
Kinh nghiệm khởi nghiệp của THÁI NGUYỄN TRUNG THÀNH: * Biết tận dụng những cơ hội và tiềm năng sẵn có. * Làm việc một cách chăm chỉ và khoa học. * Đam mê với hướng đi mà mình đã lựa chọn. |
Chia sẻ về kinh nghiệm khởi nghiệp của bản thân, Thành tâm sự: “Điều đầu tiên là phải biết mình là ai, khả năng đến đâu và có đam mê thực sự hay không. Trước khi khởi nghiệp, tôi có thời gian làm việc khá lâu ở lĩnh vực này nên khi bước chân vào thương trường, nỗi lo sợ cũng giảm đi rất nhiều. Tôi nghĩ, khởi nghiệp trong bối cảnh hiện nay phải thực sự yêu quý khách hàng, mong muốn đem lại điều tốt nhất cho họ thì mới có khả năng thành công”.
Hà Đức Thành