(GLO)- Với phương châm “Gần dân, lấy dân làm gốc”, những năm qua cùng với nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đường biên giới giáp với tỉnh Rattanakiri (Campuchia), Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai đã không ngừng thắt chặt tình đoàn kết quân-dân, giúp cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh ở cơ sở.
Những năm qua, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên khu vực biên giới của tỉnh Gia Lai vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Các thế lực thù địch vẫn không ngừng chống phá, triệt để lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo nhằm tuyên truyền, kích động quần chúng nhân dân… Mặt khác, các loại tội phạm về trật tự xã hội, như: tội phạm ma túy; mua bán, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ; vi phạm quy chế biên giới; khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép; đánh nhau gây rối trật tự công cộng… cũng gia tăng, đã tác động trực tiếp đến nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. Trước tình hình trên, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tích cực, chủ động triển khai các biện pháp công tác nghiệp vụ, đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua “Dân vận khéo” nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như quần chúng nhân dân trong việc tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, giữ gìn an ninh trật tự thôn, làng.
Cán bộ Đồn Biên phòng Ia Mơr hướng dẫn người dân trồng lúa nước. Ảnh: P.D |
Các đơn vị đã không ngừng đổi mới phương pháp, hình thức tuyên truyền, trong đó tập trung vào các nội dung như: chính sách đối ngoại, chính sách dân tộc, tôn giáo; một số nội dung cơ bản của Luật Biên giới Quốc gia, Luật Cư trú; Pháp lệnh Tín ngưỡng Tôn giáo; Luật Phòng-chống tội phạm ma túy; Hiệp ước phân định biên giới quốc gia năm 1995 và quan điểm trong phân giới cắm mốc giữa Chính phủ hai nước Việt Nam-Campuchia; tuyên truyền phòng-chống vượt biên, xâm nhập… Cụ thể, trong 5 năm (2010-2015), các đơn vị đã tổ chức tuyên truyền, vận động được 5.548 buổi/116.377 lượt người nghe, trong đó có tuyên truyền nhỏ lẻ, tuyên truyền tập trung và tuyên truyền đối ngoại (gồm lực lượng bảo vệ biên giới và nhân dân khu vực biên giới đối diện qua lại trao đổi, thăm thân). Đồng thời, các đồn biên phòng đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các xã biên giới thành lập 50 tổ tuyên truyền, vận động phòng-chống vượt biên, xâm nhập và bạo loạn ở các địa bàn trọng điểm. Đến nay, trên khu vực biên giới đã có 50/50 thôn, làng với 6.208 hộ dân ký cam kết, thành lập được 55 tổ tự quản với 346 thành viên (trong đó có 50 tổ tự quản an ninh trật tự thôn, làng; 2 tổ tự quản trong đồng bào có đạo; 3 tổ tự quản đường biên, cột mốc). Ngoài ra, các đồn biên phòng cũng đã tham gia củng cố 59 chi bộ, 38 đoàn thanh niên, 27 chi hội phụ nữ, vận động được 650 học sinh trở lại trường…
Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tham gia củng cố hệ thống chính trị, các đồn biên phòng còn triển khai xây dựng các mô hình giúp dân và đến nay nhiều mô hình đã, đang phát huy hiệu quả như: tự quản an ninh trật tự trong đồng bào có đạo (Đồn Biên phòng Ia Pnôn); trồng lúa nước (Đồn Biên phòng Ia Púch, Đồn Biên phòng Ia Mơr); trồng tiêu và “bếp ăn tình thương” (Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh)… Từ khi triển khai mô hình tự quản an ninh trật tự trong đồng bào có đạo ở xã Ia Pnôn (huyện Đức Cơ), tình hình an ninh chính trị ở các làng có đạo được giữ vững, các quy định và chủ trương của địa phương đối với giáo dân trên địa bàn được thực hiện tốt hơn; từng hộ, từng điểm nhóm tôn giáo trên địa bàn đã phối hợp chặt chẽ với bộ đội biên phòng, với cấp ủy, chính quyền địa phương tích cực tham gia phát hiện phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm và tệ nạn xã hội.
Riêng với mô hình giáo dục, cảm hóa các đối tượng “Tin lành Đê-ga” tại xã Ia Chía (huyện Ia Grai), Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã giao nhiệm vụ cụ thể cho Đồn Biên phòng Ia Chía, Đội công tác địa bàn trong quản lý địa bàn, đối tượng; chủ động phát hiện và đấu tranh có hiệu quả với các đối tượng có dấu hiệu liên quan đến hoạt động của FULRO, “Tin lành Đê-ga” và tuyên truyền đạo trái pháp luật trên địa bàn... Các mô hình giúp dân khác cũng đã thực sự tạo niềm tin và có hiệu ứng tích cực trong xây dựng thế trận lòng dân tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.
Ngoài ra, được sự quan tâm, ủng hộ của các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh, trong 5 năm (2010-2015), Bộ đội Biên phòng tỉnh đã xây dựng và bàn giao 172 ngôi nhà “Đại đoàn kết”, 5 công trình dân sinh trên địa bàn 7 xã biên giới với trị giá trên 5,5 tỷ đồng; triển khai xây dựng 20 “Mái ấm chiến sĩ nơi biên giới” trị giá 1,2 tỷ đồng… Đội ngũ cán bộ tăng cường xã cũng đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội trên địa bàn. Đội ngũ cán bộ tăng cường xã thật sự trở thành cầu nối giữa Bộ đội Biên phòng với cấp ủy, chính quyền địa phương.
Thời gian tới, Bộ đội Biên phòng tỉnh tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nội dung của phong trào thi đua “Dân vận khéo”, trong đó, tập trung hướng vào các nhiệm vụ như: đẩy mạnh sản xuất, phát triển du lịch, đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội, xây dựng nông thôn mới…
Đại tá Lê Thuần Huy
Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai