Du lịch

Thăm một "địa chỉ đỏ"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thăm Nhà lao Pleiku sau bao lần lữa, tôi đã ân hận vì không đến đây sớm hơn. Có những câu chuyện cần thời gian để lãng quên, nhưng ở chính nơi này, thời gian lại càng làm chúng thêm lấp lánh.

Rêu xanh đã phủ dày lên những cũ càng còn sót lại ở một nơi được người Pháp xây dựng từ thế kỷ trước, năm 1925. Đây từng là nơi giam giữ thường phạm, tù chính trị trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Các hình thức tra tấn dã man của kẻ thù được mô phỏng sống động trong dãy nhà giam hoặc ở một góc ngoài trời trong khuôn viên nhà lao. Năm 1994, Bộ Văn hóa-Thông tin công nhận Nhà lao Pleiku là Di tích lịch sử-văn hóa quốc gia với hàng ngàn lượt khách tới tham quan mỗi năm.

 

Một góc ngoài trời của Nhà lao Pleiku mô phỏng cuộc sống của những người tù yêu nước. Ảnh: H.N
Một góc ngoài trời của Nhà lao Pleiku mô phỏng cuộc sống của những người tù yêu nước. Ảnh: H.N

Khó hình dung dãy nhà giam kiên cố kia từng là nơi diễn ra những đòn nhục hình, tra tấn thảm khốc đối với những người tù yêu nước. Giờ đây chúng nằm im lìm trong không gian xanh mát, rợp bóng cây; phía sau là hàng cây thẳng tắp như 2 hàng nến thắp. Không chỉ là một địa chỉ đỏ khơi dậy tình yêu nước, lòng tự hào dân tộc trong lòng mỗi người, khung cảnh thơ mộng của Nhà lao Pleiku trở thành điểm dừng chân thú vị của du khách trong hành trình khám phá vùng trầm tích văn hóa và đậm đặc dấu ấn lịch sử này.

Nhà lao Pleiku chỉ cách Bưu điện tỉnh khoảng 300 mét về phía Nam, nằm trên đường Thống Nhất nhưng gần như tách biệt khỏi nhịp đời của phố bởi tọa lạc trên một khu đất cao. Toàn bộ khuôn viên rộng lớn được phủ xanh bởi cổ thụ và nhiều loài cây mới trồng sau này. Vào mùa xuân, cây lá đâm chồi nảy lộc, vươn mình mạnh mẽ như níu ngày xuân dừng lại trên từng phiến lá non. Những bông hoa gạo đỏ ối cuối cùng vừa rụng xuống, những mầm lá non tơ đã kịp trổ ra bừng lên sự khát sống dữ dội trên thân cây già nua. Những chồi non như những mũi kiếm tí hon lao thẳng vào bầu trời xanh trong như một niềm kiêu hãnh. Nhìn cây lại nhớ đến người. Người ta ví những người tù trung kiên như những bông hoa gạo tháng 3, kiêu hãnh cho đến giây phút cuối cùng. Bao chứng nhân của những đòn tra tấn dã man, tàn ác nơi nhà ngục này vẫn còn sống đâu đó trong các ngôi làng mà chúng tôi đã có dịp tiếp xúc, gặp gỡ. Họ là hiện thân sống động cho sự đấu tranh kiên cường làm nên một Tây Nguyên bất khuất trong lòng dân tộc.

Tại nhà trưng bày, nơi lưu giữ nhiều hiện vật, hình ảnh giá trị của một giai đoạn lịch sử, tủ sách ngay lối cửa ra vào gây chú ý đặc biệt với những người mê sách. Có hàng trăm gáy sách cũ mà màu thời gian đã ghi dấu lên chúng một cách thầm lặng. Trong bước chân tha thẩn của kẻ lữ hành, những gáy sách cũ bỗng mang đến cảm xúc vô cùng khó diễn tả. Có thể sẽ chẳng ai trong hành trình của mình đủ thời gian để lật giở xem bên trong chúng viết gì. Nhưng đó hẳn là những câu chuyện mà không một ai, không điều gì có thể làm chúng ta quên lãng...

Hoàng Ngọc

Có thể bạn quan tâm