(GLO)- Được sự thống nhất của UBND tỉnh Gia Lai, đoàn công tác của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, trong đó có 8 nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San vừa sang Hàn Quốc tham gia lễ hội “Xuân yêu thương” do Hội Người Việt tỉnh Jeonbuk tổ chức. Chuyến đi đã để lại trong trái tim các thành viên nhiều ấn tượng sâu sắc.
Nồng ấm giữa tuyết trắng
Chúng tôi đến TP. Jeonju (tỉnh Jeonbuk) vào những ngày đầu năm mới 2023. Hàn Quốc mùa này tuyết đã rơi. Rời sân bay, xe bus trực chỉ đường cao tốc từ Incheon về Trường Cao đẳng Jeonju Kijeon-đơn vị mời, bảo lãnh và cùng với Hội Người Việt tỉnh Jeonbuk tài trợ chuyến đi này. Jeonju Kijeon là trường cao đẳng nghề, nơi học tập của 4.500 sinh viên. Trong số đó, hơn 500 sinh viên Việt Nam đang theo học tiếng Hàn và ở 6 khoa, ngành khác. Hơn 200 km cùng với phong cảnh núi đồi bao phủ tuyết trắng nhanh chóng lùi lại phía sau, dành chỗ cho những cái bắt tay nồng ấm.
Nhiều biểu ngữ chào đón đoàn nghệ thuật tỉnh Gia Lai đã được treo ở nơi công cộng. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ |
Chuyến đi Hàn Quốc đến với các nghệ sĩ Gia Lai khá bất ngờ. Đầu tháng 12-2022, có thông tin từ Sở Ngoại vụ; ngay sau đó, thủ tục xuất ngoại được gấp rút thực hiện. Khi gặp nhau bên bữa trưa đầm ấm, chị Ngô Lê Vân-Thư ký Hội Người Việt Jeonbuk-nói với tôi: “Ngay cả em cũng không dám tin anh ạ. Đã có nhiều tác động từ các giáo sư ở trường đến Lãnh sự quán Hàn Quốc để chúng ta được gặp nhau”. Vậy nên, thật dễ hiểu khi các anh chị trong Hội, các giáo sư ở Trường Cao đẳng Jeonju Kijeon đã đối xử với chúng tôi thật chân thành và nồng ấm. Họ đã xem các nghệ sĩ Gia Lai như những người thân yêu, gần gũi từ lâu. Tôi sẽ rất khó quên cảm giác ngại ngùng của bản thân: Sau ngày đầu tiên, buổi sáng hôm sau, tôi gặp lại vị giáo sư người Hàn đã ăn tối và trò chuyện nhiệt tình với mình đêm qua. Tôi chào xã giao và hỏi rằng nhà ngài ở đâu. Ông đáp: Tôi ở bên cạnh phòng ông mà! Hóa ra, bạn đã cho phép chúng tôi sử dụng ký túc xá của trường trong suốt thời gian lưu trú.
Quê hương nghĩa nặng tình sâu
Vừa xa nước vài ngày nhưng khi tham gia chương trình văn nghệ do cộng đồng người Việt tổ chức sáng 8-1, được cùng hơn 200 đồng bào trang nghiêm đứng trước cờ Tổ quốc, tôi thực sự xúc động. Tôi càng hiểu thêm, người Việt chúng ta dù ở bất cứ đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào, vẫn luôn hướng về đất nước. Chị Ứng Diệu Linh-Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Jeonbuk-cho hay: Hội được thành lập từ năm 2015. Năm 2019, Hội được Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc công nhận, hiện có hơn 10 ngàn hội viên trong tổng số 11 ngàn người Việt đang sinh sống và làm ăn tại địa phương có gần 1,8 triệu dân này. Theo chị Linh, Jeonbuk là một vùng đất hấp dẫn đối với nhiều người Việt. Để giúp đỡ đồng hương, Hội Người Việt Nam tại Jeonbuk thành lập nhiều bộ phận theo dõi và hỗ trợ kịp thời những nhu cầu chính đáng của bà con mình.
Các thành viên Hội Người Việt tại Jeonbuk vui mừng đón đọc ấn phẩm Gia Lai Xuân Quý Mão 2023. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ |
Người Việt qua Hàn Quốc nói chung, đến Jeonbuk nói riêng với nhiều lý do, con đường khác nhau. Điều đáng quý là chính quyền đã tạo điều kiện cho bà con mình sống và làm việc hợp pháp. Chị Vũ Thị Hảo, quê Hải Phòng, hiện là chuyên viên trong chính quyền cấp tỉnh của Jeonbuk chia sẻ: Với bản tính cần cù, tôn trọng luật pháp sở tại, nhiều người Việt tại Hàn Quốc đã thành công, được bà con trong và ngoài cộng đồng biết đến. Đối với sinh viên Việt Nam, địa phương cũng đã có chính sách đào tạo, giới thiệu việc làm tại chỗ khá thiết thực. Đặc biệt, sau khi chương trình F2R được phổ biến, cơ hội đã mở ra với nhiều người Việt trẻ muốn đi tìm cuộc sống mới tại vùng đất này.
Tôi đã gặp bạn Nguyễn Thị Thu Hiền (SN 2003, quê ở Nghệ An). Hiền vừa nhận suất học bổng 1 triệu won (khoảng 19 triệu đồng) của Hội. Hiền sang đây mới được 4 tháng, vừa mới phát hiện bị ung thư xương. Các bác sĩ cho biết, bệnh có thể chữa được nhưng kinh phí điều trị lại thực sự là vấn đề đối với một gia đình nông dân nghèo ở miền Trung. Khoản tiền vừa được nhận sẽ giúp em có thêm hy vọng trước thềm xuân mới.
Lời hẹn cao nguyên
Có một điều khiến tôi ngạc nhiên là một số giáo sư dạy ở Trường Cao đẳng Jeonju Kijeon đã từng đến Pleiku cách đây mấy năm. Trong sự so sánh với các thành phố khác, họ đã nói không hề xã giao rằng, Pleiku nói chung và Gia Lai là nơi mà họ yêu thích. Pleiku trong mắt họ là một thành phố sạch, nhiều cây và nhiều… bánh mì. Giáo sư Bae kể cho tôi nghe những kỷ niệm đẹp tại Pleiku và hẹn rằng, nhất định trong năm 2023 này, ông và một số đồng nghiệp, bạn bè sẽ trở lại nơi đã khiến mình nhớ nhiều nhất khi nghĩ về Việt Nam. Tôi thông tin cho ông, đối với người Gia Lai hiện nay, không chỉ có ngài Park Hang-seo là “anh hùng quốc dân” mà văn hóa ẩm thực xứ Hàn cũng đã hiện hữu ở Pleiku. Ông cười, nói mình đã biết những thông tin này và mong rằng các món ăn Việt như phở hai tô của Pleiku cũng sẽ sớm có mặt tại nơi này.
Bữa trưa ấm áp và vui vẻ tại sự kiện lễ hội của các diễn viên Nhà hát ca múa nhạc tổng hợp Đam San. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ |
Cũng như phần lớn đồng nghiệp của mình tại Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San, đây là lần đầu tiên, Kpă Y Thép được ra nước ngoài biểu diễn. Cảm nhận của người lần đầu ra nước ngoài luôn là những ấn tượng rất mạnh. Và điều đó càng trở nên đặc biệt hơn đối với một thanh niên Jrai. Kpă Y Thép nói với tôi: Đó là một cảm giác khó tả với không chỉ em mà với cả các thành viên khác trong đoàn. Chắc chắn, các anh chị tham gia chuyến lưu diễn này như Phi Líp, Y Blin, Bích Mận, Hồng Vân, Xa Hồng Sơn, Đào Từ Thiện, Bùi Minh Hùng đều không giấu được niềm xúc động khi trình diễn các tiết mục về quê hương, đất nước mình, nhất là hát trước hàng trăm bà con đang ở xa Tổ quốc.
Thực lòng trước đó, trong nhiều câu chuyện giữa những người có trách nhiệm tại cuộc gặp mặt đầu năm này, tôi đã nghe thoáng qua về một số ý định đầu tư của người Hàn tại mảnh đất cao nguyên hoặc về những chuyến thăm qua lại giữa lãnh đạo các địa phương gần Gia Lai tới Jeonbuk. Tôi cũng như nhiều người Việt có mặt tại lễ hội lần này, đều mong Gia Lai sớm trở thành một điểm đến của các nhà đầu tư và khách du lịch. Khi đó, lời hẹn gặp nhau ở Pleiku của những người mới quen mà tôi vừa nhắc ở trên sẽ chắc chắn trở thành hiện thực.
Bài hát “Đôi mắt Pleiku” từng gây xao động bao trái tim người nghe đã khép lại chương trình văn nghệ của đoàn Gia Lai. Từ Pleiku, Gia Lai đến Jeonju, Jeonbuk có xa không? Xa, thậm chí, rất xa nhưng cũng sẽ gần thôi, nếu chúng ta cùng nhau đi từ nhiều phía.
NGUYỄN QUANG TUỆ