Trong các ngày gần đây, trên ứng dụng mạng Zalo xuất hiện các thông tin liên quan đến việc cho vay tín chấp và các sản phẩm tài chính cá nhân dưới tên gọi Zalo Bank dễ gây lầm tưởng mạng xã hội này được phép triển khai các hoạt động liên quan đến cho vay tín chấp. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, các thủ tục xét duyệt khoản vay, cấp hạn mức cho vay, không cần tài sản đảm bảo... một cách dễ dàng sẽ tiềm ẩn rủi ro...
Thực tế kênh Zalo Bank xuất hiện từ tháng 5.2019 và là một kênh khai thác khách hàng của Shinhan Bank. Ảnh: N.VĂN |
Đính logo nhiều thương hiệu ngân hàng
Trong phần giới thiệu, Zalo Bank đính kèm logo của rất nhiều thương hiệu ngân hàng và công ty tài chính như Shinhan Bank, Easy Credit, Shinhan Finance và đặc biệt là Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit) đang liên quan đến vụ việc một khách hàng vay vốn tại đây bị dọa nạt đến mức phải tự tử gây bức xúc dư luận.
Ngoài việc quảng cáo là giới thiệu các khoản vay tín chấp từ ngân hàng và công ty tài chính, Zalo Bank cũng quảng cáo việc cung cấp chức năng so sánh các sản phẩm tài chính cá nhân để “giúp bạn tìm được sản phẩm phù hợp nhất”.
Đáng chú ý trên trang chủ Zalo ở mục “Bank”, người tham gia mạng này có thể tiếp cận các khoản vay tiêu dùng từ ngân hàng - tổ chức tài chính và mở thẻ tín dụng. Sau khi kê khai một số thông tin cá nhân theo yêu cầu của Zalo Bank, với mức kê khai thu nhập 10 triệu đồng/tháng, PV Báo Lao Động được thông báo có đủ điều kiện để đăng ký gói vay tín dụng với số tiền vay 120 triệu đồng và kỳ hạn vay tối đa 60 tháng. Tuy nhiên, mức lãi suất cho vay mà Zalo Bank thông báo rất cao so với mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay khi lên tới 17% - 45%/năm.
Ở bước tiếp theo, sau khi cung cấp thêm một số thông tin cá nhân cũng như số tiền muốn vay là 20 triệu đồng, PV Báo Lao Động được thông báo mức lãi suất phải trả hàng tháng là 21%/năm và đơn vị cung cấp khoản vay là Shinhan Bank. Tuy nhiên cũng với khoản vay nói trên nhưng thời hạn vay rút ngắn còn 6 tháng, khoản vay lại được Zalo Bank chuyển đến Công ty tài chính FE Credit.
Theo tìm hiểu của PV Báo Lao Động, việc tiếp cận các thông tin về các gói vay tín chấp thông qua ứng dụng mang tên gọi Zalo Bank thực tế xuất hiện từ tháng 5.2019 và được quảng bá bởi ngân hàng Shinhan Bank. Vào thời điểm tháng 5.2019, Ngân hàng TNHH MTV Shinhan Việt Nam (Shinhan Bank) công bố chính thức triển khai dịch vụ vay tiêu dùng thông minh trên ứng dụng Zalo và theo đó người dùng Zalo có thể vay tiêu dùng tại ngân hàng này với lãi suất 1,33 - 2,4% mỗi tháng và yêu cầu lương tối thiểu qua tài khoản từ 5 triệu đồng/tháng.
Ngay từ thời điểm này, tên gọi “Zalo Bank” đã xuất hiện và theo thông tin chính thức từ Shinhan Bank, người dùng có thể dễ dàng đăng ký dịch vụ vay tiêu dùng thông minh của ngân hàng Shinhan ngay trên kênh Zalo Bank của ứng dụng Zalo.
Trang Zalo Bank được tích hợp sẵn các dịch vụ tài chính, bao gồm mục Khoản vay (Small loan). Khi có nhu cầu vay, người dùng chỉ cần chọn chức năng Zalo Bank và làm theo hướng dẫn. Sau đó, hệ thống sẽ lập tức tự động đánh giá người dùng có đủ điều kiện nộp hồ sơ đăng ký vay hay không, dựa trên thông tin do chính người dùng cung cấp.
Ông Shin Dong Min - Tổng Giám đốc Ngân hàng Shinhan tại Việt Nam vào thời điểm tháng 5.2019 được dẫn lời cho biết, việc ngân hàng này kết hợp với Zalo thông qua kênh Zalo Bank là nhằm tiếp cận hơn 100 triệu tài khoản người dùng của mạng xã hội này. Như vậy thông qua Zalo Bank, khách hàng có nhu cầu vay tiền có thể đăng ký vay và quy trình sau đó sẽ được hệ thống xử lý tự động và chuyển đến đơn vị cho vay.
Tuy nhiên việc Zalo cung cấp ứng dụng mới gắn kèm chữ “Bank” (nghĩa tiếng Anh là “ngân hàng”) cùng với việc để người dùng kê khai thông tin theo các bước như đang tiến hành vay vốn tại các công ty tài chính dễ gây lầm tưởng Zalo nhảy vào lĩnh vực ngân hàng và được phép cung cấp các sản phẩm liên quan đến cho vay tín chấp...
Ngân hàng Nhà nước không cấp phép vay vốn qua Zalo Bank
Thông tin từ đại diện Ngân hàng Nhà nước khẳng định, Ngân hàng Nhà nước đến nay không cấp phép cho cái gọi là Zalo Bank, nghĩa là ứng dụng này không được cấp phép hoạt động cho vay, huy động vốn, cung cấp dịch vụ tài chính trên nền tảng trực tuyến.
Trong khi đó theo ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, theo quy định tại Nghị định số 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ về thương mại điện tử, Bộ Công Thương chỉ quản lý các sàn giao dịch và ứng dụng thương mại điện tử.
Theo Luật sư Nguyễn Trung (Đoàn luật sư Hà Nội), Zalo là một nền tảng mạng xã hội, kết nối người dùng. Zalo Bank cũng tương tự như các sản phẩm khác của Zalo là trung gian kết nối, quảng cáo có mục đích, hướng đến nhóm người dùng có cùng nhu cầu, cụ thể ở đây là các dịch vụ tài chính, vay vốn...
Tuy nhiên, Luật sư Trung khuyến cáo khách hàng cần đọc và tìm hiểu kỹ thông tin trước cung cấp dữ liệu cá nhân hay click vay vốn để tránh những mâu thuẫn phát sinh ảnh hưởng đến quyền lợi. Tương tự với các website hay ứng dụng tài chính khác, người dùng cũng cần tìm hiểu kỹ để tránh “bẫy” tín dụng đen online hoặc các ứng dụng cho vay ngang hàng (P2P) trái phép.
|
https://laodong.vn/kinh-te/than-trong-khi-vay-tieu-dung-qua-zalo-bank-816870.ldo
Theo Văn Nguyễn (LĐO)