Giáo dục

Tin tức

Thăng hạng, xếp lương giáo viên sắp thay đổi thế nào?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Đại diện Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT) giải đáp một số vấn đề giáo viên băn khoăn về việc thăng hạng, bổ nhiệm và xếp lương, chứng chỉ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp... sắp có hiệu lực thi hành.

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH


Chùm thông tư quy định mã số, chứng chỉ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS, THPT công lập (thông tư số 01, 02, 03, 04) mà Bộ GD-ĐT ban hành có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20.3.2021.

Bộ GD-ĐT cho biết đang triển khai xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện các thông tư trên, trong đó sẽ hướng dẫn cụ thể những vấn đề giáo viên (GV) quan tâm để bảo đảm quyền lợi của GV theo quy định.

Bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học cả trong tuyển dụng, thăng hạng


Vấn đề GV quan tâm hiện nay là các thông tư của Bộ GD-ĐT không quy định GV phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học nhưng trong quy định về tuyển dụng, thăng hạng tại Nghị định số 115 ngày 25.9.2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức thì yêu cầu phải có ngoại ngữ, tin học. Vậy quy định của Bộ GD-ĐT có thống nhất với nghị định này hay không?

Theo đại diện Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, một trong những điểm mới tại các thông tư quy định mã số, bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập là bỏ quy định về trình độ ngoại ngữ, tin học, trình độ ngoại ngữ thứ 2 đối với GV dạy ngoại ngữ, chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số trong tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng. Yêu cầu về năng lực ứng dụng công nghệ thông tin và khả năng sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc được đưa vào tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ của GV các hạng. Như vậy, GV phải có năng lực ứng dụng công nghệ thông tin và khả năng sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc để đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ của GV các hạng.


Các thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS, THPT công lập là căn cứ để thực hiện việc tuyển dụng GV. Như vậy, khi các thông tư này có hiệu lực thi hành, việc tuyển dụng GV phải căn cứ vào các tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp quy định tại các thông tư và sẽ không quy định người đăng ký dự tuyển phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.

Đồng thời, các thông tư này cũng là căn cứ để thực hiện thăng hạng chức danh nghề nghiệp GV. Do đó, khi xây dựng thông tư quy định tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng; nội dung, hình thức và việc xác định người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng GV mầm non, phổ thông công lập, Bộ GD-ĐT sẽ không quy định GV phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự thi và xét thăng hạng để bảo đảm đúng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp GV quy định tại các thông tư nói trên.

Bỏ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp được không?

Hiện nay không ít ý kiến đề nghị bỏ quy định GV phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. Bộ GD-ĐT cho rằng quy định GV phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp thực hiện theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật như: luật Viên chức 2010; Nghị định số 101 ngày 1.9.2017 của Chính phủ quy định về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức quy định chứng chỉ chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức là một trong những điều kiện để viên chức được đăng ký dự thi thăng hạng, xét bổ nhiệm vào hạng và được học chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cao hơn liền kề (điểm a khoản 3 điều 26).

 

 Các giáo viên đang quan tâm về việc thăng hạng, bổ nhiệm và xếp lương, chứng chỉ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp sắp có hiệu lực - ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Các giáo viên đang quan tâm về việc thăng hạng, bổ nhiệm và xếp lương, chứng chỉ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp sắp có hiệu lực - ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH


việc quy định có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp là quy định chung đối với viên chức của tất cả các ngành, lĩnh vực, không riêng gì ngành giáo dục. Do đó, quy định GV mầm non, phổ thông công lập có chứng chỉ bồi dưỡng trong các thông tư số 01, 02, 03, 04 của Bộ GD-ĐT bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp; bảo đảm tính thống nhất trong quy định về quản lý viên chức.

Muốn bỏ quy định về chứng chỉ bồi dưỡng thì cần thiết phải xem xét, sửa các quy định này tại luật Viên chức và Nghị định số 101 của Chính phủ theo hướng mở rộng quy định là có thể sử dụng chứng chỉ của chuyên ngành thay thế.

Như vậy trong trường hợp GV hạng I, hạng II chưa có chứng chỉ bồi dưỡng của hạng tương ứng theo quy định tại các thông tư vừa mới ban hành thì có phải đi học để bổ sung chứng chỉ?

Theo đại diện của Bộ GD-ĐT, luật Viên chức 2010 quy định “người được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp nào thì phải có đủ tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp đó”. Theo đó, chứng chỉ bồi dưỡng là một trong những tiêu chuẩn để bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp GV ở hạng tương ứng theo từng cấp học. Cũng như công chức muốn nâng ngạch từ chuyên viên lên chuyên viên chính và chuyên viên cao cấp đều phải qua các lớp bồi dưỡng và phải có chứng chỉ thì mới đủ điều kiện dự thi hoặc xét nâng ngạch.

Trước đó, viên chức đã bổ nhiệm vào ngạch GV thì được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp GV (theo quy định tại thông tư liên tịch số 20, 21, 22, 23 của Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ). Khi chuyển từ ngạch GV sang chức danh nghề nghiệp GV, GV phải bổ sung những tiêu chuẩn còn thiếu của hạng chức danh nghề nghiệp GV được bổ nhiệm, trong đó có chứng chỉ bồi dưỡng và cho đến thời điểm này (khi có thông tư mới thay thế), GV đã có hơn 5 năm để hoàn thiện các tiêu chuẩn của hạng chức danh nghề nghiệp được bổ nhiệm (nếu còn thiếu).

Để được bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp theo quy định tại thông tư số 01, 02, 03, 04, GV phải đạt các tiêu chuẩn của hạng bao gồm cả tiêu chuẩn về chứng chỉ bồi dưỡng theo hạng tương ứng.

Còn trong trường hợp GV chưa có chứng chỉ bồi dưỡng của hạng hiện giữ nhưng đã có chứng chỉ bồi dưỡng của hạng cao hơn thì có thể thay thế cho chứng chỉ bồi dưỡng theo hạng thấp hơn?

Theo Bộ GD-ĐT, chương trình bồi dưỡng giúp cung cấp, cập nhật kiến thức và các kỹ năng nghề nghiệp, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ nhằm đáp ứng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp GV theo từng hạng. Do đó, chứng chỉ bồi dưỡng hạng cao hơn không có giá trị thay thế cho chứng chỉ bồi dưỡng hạng thấp hơn…
Xếp lương theo hạng hay theo trình độ đào tạo?

Trong quy định của các thông tư liên tịch cũ và mới đều không có quy định GV xuống hạng mà quy định việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp bảo đảm nguyên tắc đạt hạng nào thì bổ nhiệm hạng đó theo đúng quy định của luật Viên chức 2010. Nếu GV hạng I, II (THCS và THPT) và hạng II (mầm non, tiểu học) chưa đạt hạng tương ứng theo quy định tại các thông tư mới thì tạm thời bổ nhiệm vào hạng thấp hơn nhưng hệ số lương và các quyền lợi khác của GV được đảm bảo theo quy định hiện hành. GV sẽ được bổ nhiệm hạng tương ứng khi đạt đủ các tiêu chuẩn của hạng theo quy định mà không phải thông qua thi, xét thăng hạng.

 


Thay đổi cách xếp lương GV từ mầm non đến THCS

Chùm thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS, công lập. Yêu cầu về chuẩn trình độ đào tạo với GV mầm non, tiểu học, THCS tăng lên theo luật Giáo dục 2019, nên hệ số lương của GV cũng tăng tương ứng. Theo đó, từ 20.3.2021 các thông tư trên sẽ có hiệu lực, cách xếp lương cho GV các cấp theo chức danh nghề nghiệp mới tương ứng như sau: GV mầm non áp dụng hệ số lương từ 2,1 - 6,38 (hiện nay đang áp dụng hệ số lương dao động từ 1,86 - 4,98). GV tiểu học áp dụng hệ số lương dao động từ 2,34 - 6,78 (hiện nay hệ số lương của đối tượng này đang dao động từ 1,86 - 4,98). GV THCS áp dụng hệ số lương dao động từ 2,34 - 6,78 (hiện nay đang hưởng lương theo hệ số lương từ 2,1 - 6,38).



Trình độ đào tạo chỉ là một trong những căn cứ để bổ nhiệm. GV được bổ nhiệm vào hạng nào thì áp dụng hệ số lương của loại viên chức tương ứng với hạng đó và việc xếp lương khi bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 1 mục II Thông tư số 02 (năm 2007) của Bộ Nội vụ hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại công chức, viên chức và theo quy định hiện hành của pháp luật…

Theo TUỆ NGUYỄN (TNO)

Có thể bạn quan tâm