Phóng sự - Ký sự

Thanh âm báu vật nghìn năm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Già làng cầm viên đá nhỏ bằng nắm tay gõ vào các thanh đá bỗng phát ra âm thanh trong trẻo như tiếng suối chảy, trầm hùng của núi rừng. Bà con người dân tộc M’nông vẫn thường dừng chân bên suối và kể cho con cháu nghe về huyền thoại của dòng suối cũng như sự xuất hiện của những bộ đàn đá cổ.

Đi tìm huyền thoại

Trước khi đến bon Bu Bir, nơi có con suối Đăk Kar lưu giữ huyền thoại liên quan đến những thanh đàn đá (goong lú) của người dân tộc M’nông, chúng tôi đến nhà triển lãm âm thanh tận thấy 3 thanh đá tìm thấy ở suối Đăk Kar (xã Quảng Tín, huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông) được trưng bày tại đây. Năm 1996, sau khi nghiên cứu, Hội đồng Khoa học nghiên cứu đàn đá Đăk Kar do Bộ Văn hóa Thông tin thành lập đã kết luận, các thanh đàn đá T’ru, T’rơ và Tê được chế tác từ cách đây khoảng hơn 2.500 năm.

3 thanh đá tìm thấy ở suối Đăk Kar được trưng bày tại nhà triển lãm âm thanh tỉnh Đắk Nông.
3 thanh đá tìm thấy ở suối Đăk Kar được trưng bày tại nhà triển lãm âm thanh tỉnh Đắk Nông.

Quyển tài liệu ghi chép tỉ mỉ thông tin quá trình sưu tầm và nghiên cứu nền văn hóa cổ truyền 2 dân tộc Êđê và M’nông của các cán bộ ngành văn hoá thông tin (VHTT). Những trang ghi chép từ từ mở ra điều kỳ thú hấp dẫn. Hơn 3 giờ lội dọc theo dòng suối Đăk Kar, già làng Điểu Bang chợt ngừng lại, nhìn địa thế xung quanh và chợt nhớ ra điểm cất giấu bộ goong lú năm xưa. Tại địa điểm này nước suối cao đến đầu gối. Ông cúi xuống, dùng chân lần mò từng tảng đá bên dưới, rồi lượm lên thanh đá thứ nhất đưa cho già làng Điểu Moi. Ông cúi xuống tiếp và nhấc lên thanh thứ hai ngay sát bên. Riêng thanh thứ ba tìm thấy cách đó 10m. Già làng Điểu Bang nói với anh em trong đoàn: Nó là goong lú!

Già làng Điểu Bang bước xuống giữa dòng suối làm lễ khẩn nguyện và xin các thần cho phép được mang goong lú về bon (buôn). Ông lên bờ và làm tiếp một lễ nữa. Sau đó, mọi người mang 3 thanh đá trở về. Chiều hôm đó, đoàn mời các già làng đến tổ chức đánh goong lú. Các thanh đá được treo lên. Ba già làng, mỗi người sử dụng một thanh và dùng những viên đá nhỏ bằng nắm tay gõ vào theo những bản nhạc goong truyền thống thường diễn tấu.

Tối hôm đó, các già làng bon Bu Bir hay chuyện, cách đây 8 - 9 đời, tổ tiên của họ có lưu truyền những bộ goong lú 3 thanh dùng vào việc cúng thần (Brah) trong các lễ hội lớn của bon làng. Sau đó do cuộc sống du canh, du cư và chiến tranh nên các bộ goong lú bị thất lạc, mất dần, không còn thấy nữa. Đầu những năm chống Pháp, gia đình bà H’Rí làm nhà, đào được một bộ goong lú 3 chiếc. Bà H’Rí đem bộ goong lú giao cho già làng. Đến năm 1973, do chiến tranh ác liệt nên bon Bu Bir dời lên Kiến Đức. Ở đây cả bon bị bom giặc thiêu cháy trụi, bộ goong lú cất trong nhà cũng bị tiêu huỷ.

Những thanh đá kêu được anh Điểu Phương tìm thấy ở suối Đăk Kar.
Những thanh đá kêu được anh Điểu Phương tìm thấy ở suối Đăk Kar.

Vào đầu những năm chống Mỹ, một người ở bon Bu Bir đi bắt cá ở suối Đăk Kar đã nhặt được một bộ goong lú (3 thanh đá) tại chân đá lồng gà dưới thác Liêng Kăng. Người này đưa goong lú về nộp cho già làng để sử dụng vào việc tổ chức các lễ hội trong bon. Không ngờ năm đó trong vùng có lụt lớn, nước dâng lên ngập cả rẫy nương, nhà cửa. Mọi người trong bon cho rằng: Bon làng bị thần phạt vì đã lấy bộ goong lú của thần về đánh. Già làng cử người mang bộ goong lú đưa vào suối Đăk Kar để lại chỗ cũ. Từ đó không ai muốn nhắc đến câu chuyện về các bộ goong lú. Đến năm 1985, ông Điểu Bang cùng người cháu đi bắt cá ở suối Đăk Kar phát hiện ra các thanh đá kêu, sau khi đưa 3 thanh đá về chòi rẫy, đêm hôm ấy ông cùng hai người bạn đánh goong lú. Gần sáng thì trời nổi cơn giông mưa gió dữ dội. Ông Điểu Bang sợ lặp lại câu chuyện năm xưa, ông mang bộ goong lú ra suối Đăk Kar để lại chỗ cũ.

Âm thanh bên suối Đăk Kar

Tiếng ầm ào của dòng nước lẫn trong tiếng xào xạc của cây cối, thác nước như dải lụa băng qua nương rẫy người dân. Anh Điểu Phương (bon Bu Bir) cho biết, suối Đăk Kar là nguồn sống của bon làng, đi làm về mọi người thường dừng chân bên suối nghỉ mát, tắm gội, con suối này chưa bao giờ cạn nước, người dân vẫn lấy nước suối về dùng.

Tương truyền suối Đăk Kar bắt nguồn từ một cái bàu lớn, suối có rất nhiều cá, nên có tên gọi suối Đăk Kar. Theo ngôn ngữ M’nông: Đăk là nước, Kar là cá. Các già làng buôn Bu Bir kể rằng, vùng núi này xưa kia rất linh thiêng, cây cối rậm rạp cao chọc trời, chim phượng hoàng thường đến làm tổ, nên dân trong vùng gọi là núi Phượng hoàng. Theo quan niệm của đồng bào M’nông thì đây là khu rừng thiêng, nơi trú ngụ của thần linh - Brah, người nào đến khai thác, quấy phá sẽ bị thần làm hại.

Vào mùa khô, người dân bon Bu Bir thường ra suối Đăk Kar tìm đá kêu.
Vào mùa khô, người dân bon Bu Bir thường ra suối Đăk Kar tìm đá kêu.

Dưới dòng suối các loại đá lớn nhỏ khác nhau, trơn trượt và sắc bén. Dòng suối này là nơi anh Điểu Phương tìm được bộ đàn đá cổ xưa, rồi bén duyên với đàn đá. Anh Điểu Phương kể, năm 2001, khi đi chơi cùng bạn ở suối Đăk Kar, anh vô tình dẫm phải thanh đá có hình dáng rất đẹp, gõ kêu, anh mang về hỏi các nghệ nhân lớn tuổi và được xác định là đàn đá. Vào mùa nước cạn anh lại đến suối tìm những thanh đá kêu, được viên nào anh mời nghệ nhân thẩm định và sắp xếp đúng trình tự một dàn hoàn chỉnh. Ngoài việc sưu tầm đàn đá anh còn sưu tầm những chiêng, ché cổ của dân tộc mình để hiểu hơn văn hóa truyền thống. Mặc dù có nhiều nhà sưu tầm từ các tỉnh thành khác đến hỏi mua nhưng anh nhất định không bán.

Anh Điểu Phương chia sẻ về những thanh đá được tìm tại suối.
Anh Điểu Phương chia sẻ về những thanh đá được tìm tại suối.

Ngày nay, bà con nơi đây vẫn thường xuyên dừng chân bên con suối và kể cho con cháu nghe về huyền thoại của dòng suối cũng như sự xuất hiện của những bộ đàn đá cổ. Theo lời các bậc cao niên nơi đây, suối Đăk Kar có từ lâu đời và có nhiều truyền thuyết bao quanh nó. Xưa, có đôi vợ chồng nọ sinh sống bằng nghề đánh bắt cá. Một hôm, trong lúc giăng lưới, người chồng thấy 3 thanh đá lóng lánh liền mang về. Đi được nửa đường bỗng mưa gió, sấm chớp nổi lên. Những phiến đá bên dòng suối bỗng nhiên vỡ tung. Sợ hãi, hai vợ chồng mang trả đá về vị trí cũ. Hôm sau, khi đánh cá tại khu vực này, có 3 thanh đá dính chặt vào lưới. Nghĩ đây là đá thần nên hai vợ chồng bàn bạc với bà con dân làng tổ chức cúng. Sau khi cúng, các thanh đá bỗng phát ra âm thanh trong trẻo, như âm vang trầm hùng của núi rừng, tiếng suối chảy. Từ khi có bộ đàn đá cuộc sống của người dân nơi đây vui vẻ và yên bình hơn nhiều, vùng đất ngày càng trù phú. Mỗi khi bon làng có sự kiện quan trọng bà con lại mang các thanh đá ra đánh để cộng đồng cùng chung vui...

Chia sẻ về 3 thanh đá được tìm thấy ở suối Đăk Kar đang được trưng bày tại nhà triển lãm âm thanh, bà Trần Thị Kiều Vân, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Đắk Nông cho hay, theo kết luận của Hội đồng Khoa học nghiên cứu đàn đá Đắk Kar, có thể khẳng định, đây là những thanh đàn đá của một sưu tập, có thanh âm và được sắp xếp theo thứ tự, tương đồng với bộ chiêng 3 cái của người dân tộc M’nông. Sưu tập đàn đá Đăk Kar chính thức giao cho Bảo tàng tỉnh Đắk Nông quản lý, sử dụng từ năm 2004 (sau khi tỉnh Đắk Nông được tái lập).

Theo Nguyễn Thảo (TPO)

Có thể bạn quan tâm