Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Thanh khoản biệt thự, nhà phố lao dốc

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Quý I, nhà liền thổ xây sẵn chỉ bán được 200 sản phẩm, giảm 69% so với quý trước, sức mua chậm do giá các tài sản quá cao.
Báo cáo thị trường nhà phố, biệt thự TP HCM quý I/2021 của Savills Việt Nam cho biết, thanh khoản của dòng sản phẩm nhà liền thổ xây sẵn đang giảm mạnh. Hàng tồn kho nhà phố, biệt thự xây sẵn có giá quá cao, tạo rào cản tiêu thụ nhóm tài sản đắt đỏ này trong những tháng đầu năm chịu ảnh hưởng bởi đợt dịch Covid-19 lần ba và kỳ nghỉ Tết dài.
Trong 3 tháng qua, tổng lượng giao dịch nhà phố, biệt thự xây sẵn chỉ ghi nhận 200 căn bán được, thanh khoản giảm 69% theo quý và giảm 65% theo năm. Sức tiêu thụ của thị trường ghi nhận 42% giao dịch đến từ các dự án mới, nhà phố chiếm đến 67% tổng giao dịch. Tỷ lệ hấp thụ theo quý đạt 43%, giảm 25 điểm phần trăm theo quý.
Thị trường nhà liền thổ xây sẵn TP HCM trầm lắng trong quý I năm nay do khan hiếm nguồn cung mới và sự gia tăng tỷ trọng các sản phẩm tồn kho khó bán. Đó là trường hợp nhiều căn nhà phố, biệt thự đã mở bán lâu nhưng chưa có chủ, hoặc rơi vào nhóm các căn có giá bán cao trên 2 triệu USD khá kén khách.
 
Thị trường nhà liền thổ phía Đông TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần.
Thị trường nhà liền thổ phía Đông TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần.
Nguồn cung sơ cấp nhà phố và biệt thự tại TP HCM 3 tháng qua chỉ ghi nhận hơn 470 căn, thấp nhất trong 5 năm qua, giảm 50% theo quý và giảm 59% theo năm. Trong đó, rổ hàng chỉ có 180 căn từ các dự án mở bán mới, còn lại 63% nguồn cung sơ cấp đến từ hàng tồn kho.
Tuy thanh khoản sụt giảm mạnh, thị trường nhà liền thổ TP HCM được đánh giá sẽ dần cải thiện sức mua trong những quý còn lại của năm do nhu cầu đầu tư của người dân ở phân khúc này vẫn còn nhiều, tiềm năng tăng giá lớn. Mặt khác, sự khan hiếm nguồn cung kéo dài có thể khiến thị trường đủ thời gian "tiêu hóa dần" rổ hàng tồn kho, đặc biệt nhắm đến tầng lớp khách hàng thuộc giới nhà giàu.
Savills dự báo, nguồn cung nhà liền thổ dự kiến sẽ tiếp tục khan hiếm khi quy hoạch nhà ở TP HCM đến 2030 vì định hướng phát triển nhà ở tại đô thị này sẽ chỉ ưu tiên phát triển nhà ở cao tầng. Trong một thập niên qua, phân khúc nhà thấp tầng chiếm chưa đến 10% nhà ở mới, tỷ lệ này được dự báo tiếp tục sụt giảm trong các năm tới.
Theo dữ liệu thống kê của đơn vị này, khu vực ngoại thành Sài Gòn sẽ là thủ phủ của nhà phố, nhà liền kề, biệt thự xây sẵn. Đến 2023, gần 9.200 nguồn cung mới sẽ mở bán, trong đó huyện Bình Chánh chiếm 25%, tiếp theo là quận 9 với 18% và quận 2 chiếm 17%.
Các dự án nhà phố, biệt thự trong tương lai tập trung tại các quận 7, 9, 12, Thủ Đức, Bình Tân và các huyện ngoại thành Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn. Đây là các quận có quỹ đất lớn, phù hợp để phát triển các dự án bất động sản và đồng bộ với việc nâng cấp, cải thiện cơ sở hạ tầng.
Tuy nhiên, theo khảo sát của VnExpress, thanh khoản nhà phố, biệt thự tại TP HCM lao dốc còn do vấp phải sự cạnh tranh về giá so với nhà phố, biệt thự ở các tỉnh giáp ranh (thường có giá rẻ hơn một nửa).
Cụ thể, ở nhóm hàng tồn kho nhà phố, biệt thự xây sẵn tại TP HCM hiện nay đa phần đều rơi vào vùng giá 10 tỷ đồng đến triệu USD một căn. Trong khi đó, nhà phố, biệt thự xây sẵn tại Đồng Nai, Long An, Bình Dương và cả Bà Rịa - Vũng Tàu từ vùng giá 3,5 - 6 tỷ đồng đã có khá nhiều sự lựa chọn.
Thêm vào đó, nguồn cung nhà phố, biệt thự xây sẵn tại các tỉnh vệ tinh TP HCM khá dồi dào trong vòng 2 năm trở lại đây. Với rổ hàng vùng ven đa dạng chủng loại sản phẩm trong bối cảnh hạ tầng liên vùng được đầu tư mạnh đã góp phần đẩy thanh khoản nhà liền thổ tại Sài Gòn lao dốc và bị "hụt hơi" so với các đối thủ tỉnh lẻ.
Theo Trung Tín (vnexpress.net/NLĐO)

Có thể bạn quan tâm