(GLO)- Nhiều năm qua, Đoàn xã Ayun (huyện Chư Sê) đã tìm được lối đi riêng để giải quyết vấn đề kinh phí, qua đó từng bước đẩy mạnh hoạt động Đoàn tại địa phương.
Ayun là xã đặc biệt khó khăn của huyện Chư Sê. Xã có hơn 95% thanh niên là người dân tộc thiểu số nên việc nâng cao chất lượng hoạt động phong trào Đoàn gặp rất nhiều trở ngại. Tuy nhiên, nhiều năm qua, Đoàn xã Ayun được đánh giá là đơn vị có nhiều thành tích xuất sắc trong việc nâng cao chất lượng hoạt động phong trào ở huyện Chư Sê.
Đoàn viên thanh niên xã Ayun, huyện Chư Sê trồng bắp để gây quỹ hoạt động. Ảnh: H.Đ.T |
Có được kết quả này phải nói đến cách gây quỹ để tổ chức cho các hoạt động Đoàn của Đoàn Thanh niên xã. Anh Đinh Nrối-Bí thư Đoàn xã Ayun, cho biết: Việc gây quỹ của Đoàn xã Ayun được bắt đầu cách đây gần 5 năm. Là địa phương có phong trào văn hóa, thể thao phát triển nhưng quỹ Đoàn thiếu đến nỗi không có tiền mua bóng cho thanh niên tập, sân bóng xuống cấp cũng không có kinh phí sửa chữa.
Vì thế, Đoàn xã đã đưa ra nhiều cách thức để gây quỹ như tổ chức cho thanh niên đi làm thuê theo thời vụ với các công việc như: hái cà phê, làm cỏ mì, phụ hồ… Nguồn quỹ này một phần được Đoàn xã phân cho các chi đoàn sử dụng để mua cồng chiêng. Đến nay, các chi đoàn trong xã đều có một bộ cồng chiêng để đoàn viên thanh niên thường xuyên tập luyện, giao lưu, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc. Cũng từ nguồn quỹ này, các chi đoàn đã đầu tư làm sân bóng đá, bóng chuyền và mua lưới, bóng. Đến nay, các chi đoàn đã làm được 3 sân bóng chuyền và 2 sân bóng đá tại các làng với tổng kinh phí 50 triệu đồng.
Những năm gần đây, mô hình gây quỹ từ rẫy mì có diện tích 1 ha của chi đoàn làng Kpaih được cho là hiệu quả nhất. Số tiền thu được từ rẫy mì, chi đoàn dùng tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao cho đoàn viên thanh niên. Không dừng lại ở đó, để sinh lợi thêm từ nguồn quỹ của mình, chi đoàn làng Kpaih đã mua một bộ karaoke lưu động để phục vụ thanh niên trong làng và cho các làng lân cận thuê với giá rẻ hơn rất nhiều so với thị trường. Cách làm trên của chi đoàn làng Kpaih đã nhận được sự ủng hộ tích cực của đoàn viên thanh niên trong làng. Đây cũng là động lực để hầu hết đoàn viên thanh niên tại đây hăng hái, nhiệt tình tham gia vào các hoạt động do chi đoàn phát động và tổ chức. Nhờ vậy, nhiều năm nay, chất lượng hoạt động của chi đoàn làng Kpaih cũng như Đoàn xã Ayun được nâng cao rõ rệt.
Cũng là mô hình mượn đất để sản xuất gây quỹ như chi đoàn làng Kpaih nhưng cách làm ở mỗi nơi lại mang một đặc trưng riêng. Đối với làng Hrung Rang 2, chi đoàn đã mượn 1 ha đất của xã để trồng đậu phộng. Hàng năm, diện tích đậu phộng này cho thu nhập 25-40 triệu đồng. Còn chi đoàn làng Hvăc mượn 1 ha đất của dân để trồng bắp, hàng năm cho thu nhập hơn 20 triệu đồng. Trong khi đó, chi đoàn làng Trưng đã khai hoang 1,5 ha đất của làng để trồng mì cao sản, mỗi năm cho thu nhập hơn 50 triệu đồng.
Có được nguồn quỹ, các chi đoàn dùng một phần để giúp đỡ đoàn viên thanh niên có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, nguồn quỹ này còn làm kinh phí cho nhiều hoạt động chung tại địa phương như tổ chức các lễ hội, các hoạt động văn hóa… Đặc biệt, nguồn quỹ này còn được dùng để mua cồng chiêng, từ đó đã góp phần bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Hiện nay, trên địa bàn xã Ayun có nhiều mô hình gây quỹ của Đoàn Thanh niên rất hiệu quả. Tùy vào đặc điểm của từng vùng mà mô hình gây quỹ được xây dựng một cách phù hợp. Đây là những cách làm sáng tạo, phần nào thể hiện được tính tích cực, chủ động của thanh niên trong việc tìm hướng đi để nâng cao chất lượng hoạt động Đoàn, qua đó góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.
Hà Đức Thành