(GLO)- Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, nhiều ông chủ trẻ đã thực sự tạo nên luồng sinh khí mới, mở ra hướng đi thực sự hiệu quả, góp sức vào sự phát triển của quê hương Gia Lai.
Từ điểm tựa quê hương
Anh Cao Huyền Tuấn Anh (SN 1983) theo bố mẹ rời quê hương Lệ Thủy (Quảng Bình) vào Pleiku từ lúc chưa đầy 3 tuổi. Sau khi tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin (Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh), anh quay về Gia Lai để khởi nghiệp. Anh thử sức qua nhiều công việc, từ nghề sửa máy tính, kinh doanh đồ chơi trên xe ô tô, mở quán cà phê, quán nhậu cho đến việc thành lập Công ty cổ phần thương mại dịch vụ quảng cáo Vinacolour và đều “thuận buồm xuôi gió”.
Năm 2016, nhận thấy việc kinh doanh có vẻ chững lại, anh quyết định nghỉ 1 năm để định hình mọi thứ. Sau khi lục tìm ý tưởng trên mạng internet, anh quyết tâm săn lùng vị trí đất thích hợp để xây dựng khu homestay làm du lịch.
Đầu tháng 12-2020, khu du lịch homestay Tiên Sơn Pleiku (thôn 3, xã Tân Sơn) đã chính thức khai trương đón khách. Trên diện tích 1,7 ha, anh xây dựng 18 phòng với 60 giường, từ phòng đôi đến phòng gia đình làm điểm lưu trú, kèm theo đó là các dịch vụ tiện ích như: nhà hàng, quán cà phê, khu check-in, xông hơi, spa, phòng giới thiệu sản phẩm OCOP của địa phương, kể cả dịch vụ cho thuê xe máy.
Homestay A Ngưi (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) mang đậm dấu ấn văn hóa Bahnar. Ảnh: Minh Nguyễn |
Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Kbang, anh Đinh A Ngưi (SN 1982, làng Kgiang, xã Kông Lơng Khơng) từ lâu đã nhận thấy tiềm năng du lịch tại địa phương là rất lớn nhưng chưa một ai khai thác hiệu quả. Vì thế, sau khi tốt nghiệp ngành Quản lý văn hóa (Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh) năm 2008, anh A Ngưi mang theo giấc mơ khởi nghiệp du lịch cộng đồng về làng lập nghiệp. Đồng thời, anh còn hướng cả cộng đồng làng Kgiang chung tay làm du lịch để nâng cao thu nhập, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Nhưng mãi đến năm 2018, anh mới có thể biến ước mơ thành hiện thực.
Sau hơn 1 năm đầu tư, homestay A Ngưi mang đậm dấu ấn văn hóa Bahnar ra đời. Trong khuôn viên 1 ha, anh dựng 3 chòi gỗ và một nhà sàn lớn dùng làm nhà sinh hoạt cộng đồng gắn với không gian văn hóa ẩm thực cùng các món ăn dân dã, có đội hòa tấu nhạc cụ dân tộc, đội cồng chiêng phục vụ du khách.
Đến nay, khu du lịch của anh đủ điều kiện tổ chức những sự kiện lớn, đón khách tham gia tour trekking trải nghiệm trên địa bàn như: thác 50, thác Kon Bông, Kon Lôk, Hang Dơi... Anh A Ngưi khoe: “Từ đầu năm 2019 đến nay, homestay của mình đã đón hơn ngàn lượt khách, gần đây nhất là đoàn khách hơn 400 người đến từ TP. Hồ Chí Minh”.
Gắn bó với mảnh đất Ayun Pa đầy nắng từ lúc mới 2 tuổi, anh Thái Hoàng Tú (SN 1977) học hết THPT mới chuyển về TP. Pleiku sinh sống. Năm 2002, tốt nghiệp Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh ngành Công nghệ thông tin, anh không chọn lập nghiệp tại đô thị lớn mà tìm kiếm cơ hội phát triển ngay tại quê hương. Năm 2008, sau 4 năm công tác tại Công ty Điện lực Gia Lai, anh Tú xin nghỉ việc để khởi tạo sự nghiệp riêng.
Mang theo khát khao thành công, anh trở lại nơi mình từng sống trước đây hùn vốn mở cơ sở sản xuất gạch (xã Ia Sao). Ổn định sản xuất chưa lâu, thành công bước đầu không níu chân anh ở yên một chỗ. Năm 2010, với chút kinh nghiệm tích lũy được, anh thành lập Công ty TNHH một thành viên Thái Hoàng Gia Lai, đầu tư nhà máy sản xuất gạch công suất lớn ở xã Chư A Thai (huyện Phú Thiện).
Quyết tâm hiện thực hóa ước mơ
Đến nay, khu du lịch homestay Tiên Sơn Pleiku đã thu hút một lượng lớn du khách, trong đó có nhiều nhóm khách nước ngoài. Sắp đến, anh Tuấn Anh sẽ đầu tư xây dựng thêm 40 phòng để đón khách; xây thêm hồ bơi và khu không gian tiệc cưới ngoài trời.
Anh chia sẻ: “Thông tin về khu homestay này được tương tác rộng rãi trên các diễn đàn du lịch. Một số công ty du lịch lớn trong nước chủ động liên hệ đặt tour, đưa khách đến nghỉ dưỡng. Có được kết quả như hôm nay, tôi phải nỗ lực hơn 1 năm trời. Thậm chí, khi thấy tôi đầu tư khu du lịch nghỉ dưỡng này và tự bỏ tiền túi ra quảng bá về du lịch Gia Lai trên Youtube, nhiều người bảo “bị điên”. Nhưng kết quả hôm nay đã chứng minh điều ngược lại”.
Quang cảnh khu homestay Tiên Sơn Pleiku tại thôn 3, xã Tân Sơn. Ảnh: Minh Nguyễn |
Không khác gì ông chủ homestay Tiên Sơn Pleiku, khi bắt tay vào làm du lịch, ai cũng bảo anh A Ngưi “không bình thường”. Nhưng với quan điểm “muốn nhận những gì chưa từng có thì phải làm những gì chưa từng làm”, anh đã chinh phục được mọi người bằng niềm tin mãnh liệt vào sự thành công, phương án hợp lý, kế hoạch cụ thể cho từng giai đoạn; quan trọng hơn cả là nắm bắt đúng nhu cầu thị trường. “Vận động cộng đồng cùng làm với mình, dân làng cũng có nhiều việc làm hơn để kiếm thêm thu nhập. Còn gì hạnh phúc hơn khi được làm giàu ngay tại nơi mình sinh ra”-anh A Ngưi tự hào nói.
Trong khi đó, ngày đầu chập chững vào nghề, anh Tú cũng bắt đầu từ nhiều cái “không”: không vốn, không kinh nghiệm. Những mẻ gạch đầu tiên thất bại không làm anh nản chí, ngược lại quyết tâm hướng đến thành công càng nhân lên bội phần.
Đến nay, sau hơn 10 năm hoạt động, cơ sở sản xuất của anh đã khẳng định hiệu quả kinh tế và chất lượng sản phẩm. Trung bình mỗi năm, cơ sở sản xuất 7-9 triệu viên gạch. Tuy vậy, anh vẫn rất khiêm tốn khi chia sẻ về doanh thu, lợi nhuận mà chỉ xác nhận cơ sở mình góp phần đã giải quyết cho khoảng 80-90 lao động dân tộc thiểu số tại địa phương với mức thu nhập ổn định 5-6 triệu đồng/tháng.
MINH NGUYỄN