Sống trẻ - Sống đẹp

Thanh niên ngành cao su thi đua sáng kiến, cải tiến kỹ thuật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm qua, phong trào “Tuổi trẻ sáng tạo” đã thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) ở 4 công ty cao su thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đứng chân trên địa bàn tỉnh Gia Lai tham gia. Nhiều sáng kiến của ĐVTN đã góp phần cải thiện môi trường làm việc, tiết kiệm nguyên liệu và đáp ứng yêu cầu đổi mới công nghệ sản xuất.

Sau một thời gian mày mò nghiên cứu tìm phương pháp đánh đông mủ skim thay thế cho việc sử dụng axit sunfuric (H2SO4), anh Trần Duy Hùng-đoàn viên Xí nghiệp Chế biến-Vận tải (Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông) đã cho ra đời sáng kiến “Sử dụng nước chua để đánh đông mủ skim trên mương”. Với sáng kiến này, thay vì sử dụng axit sunfuric như trước, mủ skim sau khi bơm lên mương sẽ để đông tự nhiên trong khoảng 7 ngày. Sau khi mủ đông tụ hoàn toàn sẽ kéo ra bãi tập kết, còn lại nước chua ở trên mương để dùng cho việc đánh đông mẻ mủ skim tiếp theo. Lượng dùng là 1.500 lít nước chua đánh đông cho khoảng 400-500 kg mủ skim quy khô. Sau khi bơm mủ skim lên mương đánh đông đã có nước chua thì dùng cào trộn đều mủ và nước chua để quá trình đông tụ diễn ra nhanh hơn. Áp dụng phương pháp này thì mủ skim sau khi đánh đông sẽ mất khoảng 3-4 ngày để đông tụ hoàn toàn.

Anh Trần Duy Hùng (giữa)-đoàn viên Xí nghiệp Chế biến vận tải, Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông giới thiệu sáng kiến “Sử dụng nước chua để đánh đông mủ Skim trên mương”. Ảnh: H.Đ.T

Anh Trần Duy Hùng (giữa)-đoàn viên Xí nghiệp Chế biến vận tải, Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông giới thiệu sáng kiến “Sử dụng nước chua để đánh đông mủ Skim trên mương”. Ảnh: H.Đ.T

Sáng kiến này đã đáp ứng được yêu cầu của VRG là không sử dụng axit trong quá trình đánh đông mủ skim, đảm bảo an toàn cho người lao động khi làm việc. Bên cạnh đó, lượng nước chua được giữ lại giúp giảm áp lực xử lý nước thải cũng như tiết kiệm được hóa chất xử lý nước thải trong việc đánh đông mủ skim. Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Duy Hiển-Giám đốc Xí nghiệp Chế biến-Vận tải-cho biết: Thời gian qua, lực lượng ĐVTN trong đơn vị đã phát huy rất tốt vai trò xung kích trong việc sáng kiến, cải tiến kỹ thuật để áp dụng vào hoạt động sản xuất, đặc biệt là anh Trần Duy Hùng. Sáng kiến của anh Hùng đã giúp tiết kiệm hóa chất đánh đông mủ skim, không ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động. Đây là sáng kiến được Hội đồng Khoa học của Công ty đánh giá rất cao.

Những năm trước, khi bước vào vụ thu hoạch mủ cao su thì công nhân phải đi tra keo lại các máng che mưa. Công việc này thường làm bằng tay nên tốn nhiều thời gian. Sau một thời gian nghiên cứu, anh Nguyễn Hồng Thiện-Bí thư Chi Đoàn Nông trường Cao su xã Gào (Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Păh) đã sáng chế máy tra keo bằng hơi. Ưu điểm của sáng kiến này là không cần dùng tay trực tiếp khi tra keo, thời gian nhanh hơn gấp 5 lần so với làm thủ công nên giảm công lao động và tiết kiệm được vật tư. Anh Thiện cho hay: Việc tra keo trước kia rất tốn công, keo tra không đều, dễ rò rỉ. Vì vậy, tôi đã suy nghĩ và sáng chế ra máy tra keo này. Máy có cấu tạo đơn giản gồm 1 bơm, bộ dây và 2 ống nhựa, chỉ cần nấu keo đổ vào bình bơm nén khí và xả van để điều chỉnh lượng keo ra vào.

Anh Nguyễn Hồng Thiện-Bí thư Chi đoàn Nông trường Cao su xã Gào (Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Păh) sử dụng máy tra keo bằng hơi để tra keo lại máng che mưa. Ảnh: H.Đ.T

Anh Nguyễn Hồng Thiện-Bí thư Chi đoàn Nông trường Cao su xã Gào (Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Păh) sử dụng máy tra keo bằng hơi để tra keo lại máng che mưa. Ảnh: H.Đ.T

Thời gian qua, phong trào “Tuổi trẻ sáng tạo” được Đoàn Thanh niên 4 công ty cao su: Chư Păh, Chư Sê, Chư Prông và Mang Yang tích cực hưởng ứng với nhiều cách làm phù hợp. Trong đó, ĐVTN được xem là chủ thể thực hiện phong trào; tổ chức Đoàn, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam định hướng và đóng vai trò là cầu nối để đưa các ý tưởng, giải pháp, đề xuất của ĐVTN được áp dụng vào thực tiễn sản xuất. Trong 2 năm (2022-2023), tuổi trẻ 4 công ty cao su đã có hơn 100 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được áp dụng vào thực tiễn, làm lợi cho các đơn vị hàng chục tỷ đồng và góp phần tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất kinh doanh.

Trao đổi với chúng tôi, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Đỗ Đức Thanh đánh giá cao phong trào “Tuổi trẻ sáng tạo” trong lực lượng ĐVTN thuộc 4 công ty cao su. “Phong trào đã tạo điều kiện để tuổi trẻ các công ty cao su phát huy sáng kiến, ý tưởng sáng tạo, góp phần tăng năng suất, chất lượng trong sản xuất kinh doanh; đồng thời là môi trường thuận lợi để mỗi cơ sở Đoàn, ĐVTN khẳng định tài năng, trách nhiệm, tinh thần cống hiến vì sự phát triển của đơn vị”-Phó Bí thư Tỉnh Đoàn nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm