(GLO)- Những năm qua, Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai (TTC Gia Lai) đã chủ động triển khai nhiều giải pháp mang tính bền vững trong việc đầu tư, thu mua nguyên liệu mía ở 4 huyện, thị xã phía Đông Nam của tỉnh.
Cuối năm 2016, việc đầu tư máy móc, trang-thiết bị hiện đại, hoàn chỉnh công suất ép 6.000 tấn mía cây/ngày và đồng bộ hóa dây chuyền sản xuất, thực hiện các biện pháp tiết kiệm chi phí sản xuất đã giúp TTC Gia Lai nâng cao hiệu suất tổng thu hồi và chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, mới đây, TTC Gia Lai tiếp tục đầu tư lắp đặt mới tua bin máy phát 22,6 MW để chủ động phục vụ sản xuất và hòa vào lưới điện quốc gia.
Công suất ép của TTC Gia Lai đạt 6.000 tấn mía cây/ngày. Ảnh: N.D |
Bên cạnh đó, TTC Gia Lai đã và đang triển khai xây dựng xưởng sản xuất phân vi sinh tận dụng bã bùn trong quá trình sản xuất tại huyện Ia Pa với công suất dự kiến đạt 9.000 tấn sản phẩm/năm. Khi xưởng sản xuất phân vi sinh đi vào hoạt động, TTC Gia Lai sẽ cung cấp cho nông dân sản phẩm phân bón hữu cơ chất lượng, chi phí thấp, hiệu quả tốt, góp phần hỗ trợ người trồng mía trong điều kiện khó khăn như hiện nay.
Bên cạnh việc áp dụng công nghệ mới trên dây chuyền sản xuất, một trong những giải pháp quan trọng mà TTC Gia Lai ưu tiên hàng đầu hiện nay là tăng năng suất, chất lượng cây mía, xây dựng vùng nguyên liệu bền vững. Công tác tuyên truyền, vận động nông dân dồn điền đổi thửa, liên kết góp đất sản xuất mía theo cánh đồng lớn tại những vùng trọng điểm, cự ly gần của TTC Gia Lai đã đạt những kết quả đáng mừng. Hiện tại, TTC Gia Lai đã xây dựng được 30 cánh đồng mía lớn với diện tích gần 300 ha tại các huyện: Phú Thiện, Ia Pa và Krông Pa.
Khi có cánh đồng mía lớn, TTC Gia Lai chủ động đầu tư cơ giới hóa từ khâu trồng, chăm sóc cho đến thu hoạch. Trong đó, tập trung triển khai cày ngầm, tưới hữu hiệu, áp dụng kỹ thuật canh tác hiện đại để tăng năng suất mía… Nhờ đó, năng suất mía trong vụ ép năm nay dự kiến đạt bình quân 72 tấn/ha. Trong niên vụ 2016-2017, nhiều nông dân tham gia cánh đồng mía lớn có lợi nhuận thấp nhất là 16 triệu đồng/ha, cao nhất đạt hơn 40 triệu đồng/ha, cao gấp đôi so với trồng cây lúa cạn và cây mì.
Ngày 13-11-2017, sau khi ký kết với Cục Kinh tế Hợp tác và PTNT (Bộ Nông nghiệp và PTNT) thỏa thuận hợp tác về phát triển mô hình chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản, thực phẩm an toàn giữa doanh nghiệp-hợp tác xã-các chủ thể có liên quan, TTC Gia Lai đã phối hợp với UBND huyện Ia Pa thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Tiến. Người trồng mía khi tham gia vào hợp tác xã sẽ được bao tiêu sản phẩm đầu ra ổn định, hưởng nhiều chính sách ưu đãi của Nhà nước. Ngoài ra, các hộ còn được đào tạo, cập nhật kỹ thuật canh tác mía tiến bộ và các dịch vụ cơ giới hóa từ lúc trồng cho đến thu hoạch, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... với chi phí ưu đãi nhất. Tất cả những việc này đều được TTC Gia Lai chú trọng và hướng vào lợi ích của người dân, góp phần giải quyết những khó khăn của người trồng mía.
Ngoài ra, TTC Gia Lai đặc biệt chú trọng việc chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật như đầu tư máy xử lý hom giống bằng nước nóng với Công ty cổ phần Nghiên cứu Ứng dụng Mía đường Thành Thành Công (SRDC). Theo đó, 2 đơn vị tiến hành các khảo nghiệm về phân bón, giống để tìm ra những loại giống, phân bón phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng từng vùng; tuyên truyền, hướng dẫn nông dân các kỹ thuật canh tác, thu hoạch, phòng-chống cháy mía… để tăng năng suất, chất lượng cây mía một cách tốt nhất.
Với những định hướng và hỗ trợ kịp thời của Tập đoàn TTC, cùng sự hợp tác của hơn 4.000 nông dân và hơn 900 đối tác, khách hàng, TTC Gia Lai đang nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ trong vụ ép 2017-2018, dự kiến sẽ sản xuất được hơn 60.000 tấn đường cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước. Đồng thời, Công ty cũng đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng trong thời kỳ hội nhập của ngành mía đường hiện nay.
H’muan