Kinh tế

Doanh nghiệp

Thành Thành Công Gia Lai: Vượt khó cùng người trồng mía

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Liên tục 3 niên vụ gần đây, ngành sản xuất mía đường ở Gia Lai gặp khó khăn do chịu ảnh hưởng của hiện tượng El Nino và áp lực từ đường nhập khẩu. Trong hoàn cảnh đó, Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai (TTC Gia Lai) đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ người trồng mía vượt qua khó khăn.
Nông dân yên tâm gắn bó với cây mía
Gia đình ông Phạm Văn Thứ (thôn 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) trồng mía đã hơn 20 năm nay với diện tích 5 ha. Niên vụ vừa qua, năng suất mía của gia đình ông đạt trên 70 tấn/ha, lợi nhuận 15 triệu đồng/ha. Là khách hàng gắn bó lâu năm của TTC Gia Lai, ông chưa bao giờ bán mía cho thương lái bên ngoài. Ông Thứ chia sẻ: “Khâu quản lý công, xe, lịch đốn mía của nhà máy ngày càng cải tiến, công bằng. Vụ thu hoạch vừa qua, lệnh đốn mía được thống nhất từ trước khi thu hoạch, niêm yết công khai. Mía chặt đến đâu chở về nhà máy tới đó nên chúng tôi không còn lo việc mía phơi trên đồng. Ngoài ra, nhân viên của Công ty cũng thường xuyên vào nhắc nhở bà con làm cỏ, bón phân, chăm mía”.
Cách đây hơn 1 tháng, TTC Gia Lai tổ chức hội thảo kỹ thuật canh tác, trình diễn bằng cơ giới cải tiến có thể thực hiện 2-3 khâu chăm sóc trong 1 lần giúp giảm chi phí sản xuất. Ông Thứ chỉ đám đất 1 ha vừa mua nằm sát 2 ha mía đang phát triển tươi tốt của gia đình và cho biết thêm: “Năm sau, gia đình tôi sẽ trồng mía luôn trên 1 ha này. Có được 3 ha liền kề, tôi sẽ áp dụng cơ giới hóa các khâu sản xuất. Tôi thấy mấy hộ cày ngầm và để lá sau thu hoạch thì mía phát triển tốt, không có cỏ, giảm được chi phí đầu tư”.
 Ông Phạm Văn Thứ (thôn 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) bên ruộng mía lưu gốc phát triển tốt. Ảnh: N.T
Ông Siu Blunh bên ruộng mía  phát triển tốt. Ảnh: N.T
Cũng là khách hàng gắn bó với TTC Gia Lai, ông Siu Blunh-Trưởng nhóm liên kết trồng mía xã Ia Kdăm (huyện Ia Pa) phấn khởi nói: “Nhóm chúng tôi liên kết trồng 5,9 ha mía, năng suất năm vừa rồi đạt 96 tấn/ha. Tuy giá không cao bằng các năm trước nhưng chúng tôi cũng lãi 25 triệu đồng/ha. Năng suất cao một phần do ruộng mía được cày ngầm nên giữ được nước và khi bón phân không bị bốc hơi. Niên vụ vừa qua, TTC Gia Lai thu mua nhanh gọn nên mía không bị khô héo, tái sinh gốc rất tốt”. 
Liên kết để phát triển bền vững
Sau gần 3 năm đi vào hoạt động, Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Tiến (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa) đã chứng minh việc liên kết trồng mía mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất nhỏ lẻ. Bà Lê Thị Quỳnh Trang-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Tiến-khẳng định: “Mía là một trong rất ít loại cây trồng được bao tiêu sản phẩm, nông dân không phải lo đầu ra. Nhưng để trồng mía có hiệu quả, bà con cần thay đổi tập quán canh tác. Nhiều người chưa hiểu về các lợi ích khi tham gia hợp tác xã, sợ mất đất khi hợp thửa. Trong khi hiện nay, nông dân áp dụng cơ giới hóa sẽ giảm được 30-40% chi phí canh tác và chủ động trong khâu thu hoạch. Một số người nói muốn đốn chặt mía sớm phải “lót tay”, “o bế cán bộ Công ty” nhưng từ khi trồng mía đến nay, tôi chưa gặp chuyện đó bao giờ. Cán bộ nông vụ của TTC Gia Lai cũng thường xuyên đồng hành cùng người trồng mía từ khâu trồng, chăm sóc đến thu hoạch”.
Ông Hoàng Trọng Tịnh-Giám đốc TTC Gia Lai-cho hay: “Trong tất cả các cây trồng ở Gia Lai, chỉ cây mía có thể áp dụng cơ giới trong các khâu từ trồng, chăm sóc đến thu hoạch. Đây là cây trồng bảo đảm cho hộ dân chủ động phương án canh tác trên diện rộng. Nếu áp dụng cơ giới đồng bộ, người trồng mía vẫn bảo đảm được thu nhập. Để làm được việc đó, nông dân cần phối hợp với nhà máy cùng tháo gỡ những vướng mắc. Công ty luôn lắng nghe và điều chỉnh những vấn đề còn tồn đọng để mang lại lợi ích cho bà con nông dân”.
Theo thống kê, niên vụ vừa qua, vùng nguyên liệu mía của TTC Gia Lai có chữ đường cao hơn so với năm trước. TTC Gia Lai vẫn đang nghiên cứu những phương pháp canh tác tiên tiến có thể áp dụng cho bà con để nâng cao hiệu quả kinh tế. Vì vậy, TTC Gia Lai mong muốn nông dân trồng mía thấu hiểu và đồng hành cùng Công ty vượt qua giai đoạn khó khăn của ngành Mía đường Việt Nam như hiện nay. “Công ty đã công bố chính sách đầu tư năm nay với định mức đầu tư cho mía tơ gần 31 triệu đồng/ha, mía gốc gần 18 triệu đồng/ha, hỗ trợ không hoàn lại tối đa mía tơ là 7,3 triệu đồng/ha và mía gốc là 3,3 triệu đồng/ha tùy theo mức độ áp dụng thâm canh”-ông Tịnh cho biết thêm.
Theo dự báo của các chuyên gia, niên vụ 2019-2020, thị trường sẽ thiếu hụt đường. Đây là tín hiệu lạc quan cho ngành Mía đường nước ta, cũng là cơ hội cho người trồng mía phát triển sản xuất, cải thiện thu nhập. 
NGUYỄN TRINH

Có thể bạn quan tâm