Kinh tế

Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất-kinh doanh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong 3 tháng đầu năm nay, ngành Ngân hàng Gia Lai đã tích cực đưa đồng vốn tín dụng dịch chuyển theo hướng tập trung vào nhóm lĩnh vực, ngành kinh tế ưu tiên; đồng thời đẩy mạnh đầu tư có trọng tâm, trọng điểm dựa trên lợi thế tiềm năng của tỉnh…

Với việc điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, tổ chức thực hiện các giải pháp về hoạt động ngân hàng, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn xây dựng kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tăng trưởng phù hợp gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ gia đình tiếp cận nguồn vốn tín dụng phục vụ phát triển sản xuất-kinh doanh. Cùng với đó, các giải pháp tín dụng cũng được triển khai nhằm tháo gỡ vướng mắc, kịp thời cung ứng vốn cho nền kinh tế.

 

Khách hàng giao dịch tại Sacombank Gia Lai. Ảnh: T.N

Đầu tư tín dụng cho “tam nông” luôn chiếm ưu thế, góp phần làm cho diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc. Dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn (NNNT) hiện chiếm khoảng 50% trong tổng dư nợ toàn ngành. Riêng cho vay theo Nghị định 55 đạt hơn 21.061 tỷ đồng (chiếm hơn 37% tổng dư nợ), với 220.634 khách hàng còn dư nợ. Cùng với cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế vay vốn đầu tư vào lĩnh vực NNNT, tín dụng cho NNNT được nhiều ưu đãi thông qua việc cho vay theo Nghị định 55, chương trình cho vay tái canh cà phê, cho vay giảm tổn thất sau thu hoạch trong sản xuất nông nghiệp, cho vay theo chuỗi liên kết tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm…
 

Tổng dư nợ cho vay trên địa bàn đến trung tuần tháng 3-2016 đã đạt 56.475 tỷ đồng (tăng 28,8% so cùng kỳ năm trước và tăng 1,5% so cuối năm 2015. Dự ước hết quý I-2016, tổng dư nợ cho vay đạt 56.700 tỷ đồng. Mục tiêu 3 quý còn lại của năm, ngành Ngân hàng sẽ tăng trưởng tín dụng cả về quy mô lẫn chất lượng, phấn đấu đưa khoảng 9.000 tỷ đồng vào nền kinh tế.

Cùng với NNNT, tín dụng cho nhóm lĩnh vực, ngành kinh tế ưu tiên, như xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa được chú trọng. 3 tháng đầu năm tốc độ tăng trưởng lĩnh vực này đạt 2,7%. Với nhiều giải pháp, hoạt động của các doanh nghiệp đã có những chuyển biến nhưng vẫn chưa thật sự bứt phá mạnh mẽ trong điều kiện nền kinh tế còn khó khăn như hiện nay. Giá cả một số mặt hàng nông sản, đặc biệt là cao su, cà phê giảm đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất-kinh doanh và khả năng trả nợ của các doanh nghiệp, hộ dân. Các ngân hàng thương mại bên cạnh đẩy mạnh đầu tư tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất-kinh doanh còn thể hiện qua công tác rà soát, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng để có biện pháp cơ cấu lại nợ, giãn nợ, miễn giảm lãi phù hợp. Tính đến cuối tháng 2-2016, các chi nhánh ngân hàng thương mại đã điều chỉnh giảm lãi suất các khoản cho vay cũ cho 62.149 khách hàng (trong đó có 1.725 doanh nghiệp) với dư nợ được điều chỉnh là 21.224 tỷ đồng. Trong cơ cấu dư nợ tín dụng, 99,8% dư nợ có lãi suất từ 13% trở xuống, đặc biệt có đến 40% dư nợ có lãi suất dưới 9%. Lãi suất cho vay thấp đã giúp nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa có cơ hội tiếp cận vốn vay ngân hàng, giảm chi phí đầu vào, từ đó ổn định và phát triển sản xuất-kinh doanh.

Dù có những chương trình giải ngân còn chậm do gặp phải một số vướng mắc nhất định, vài nơi đầu tư tín dụng chưa hiệu quả, người vay sử dụng sai mục đích, song đánh giá chung về hiệu quả và chất lượng vốn vay, ông Nguyễn Văn Cư-Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh Gia Lai cho rằng: Việc cung ứng vốn cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ gia đình phát triển sản xuất-kinh doanh đã góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Vốn đang dịch chuyển đúng hướng, đầu tư đúng trọng tâm theo định hướng phát triển, lợi thế của tỉnh. Trong điều kiện hiện nay, giá nhiều mặt hàng nông sản biến động theo chiều hướng giảm đã ảnh hưởng đến tình hình hoạt động và khả năng trả nợ của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, trong quý I-2016 dù có tăng 1,6% so cùng kỳ năm trước và tăng 7,4% so cuối năm 2015, nhưng nợ xấu vẫn duy trì ở mức 0,55% trên tổng dư nợ.

Ông Cư cho biết thêm, với vai trò quản lý nhà nước, ngoài việc gắn kết các tổ chức tín dụng trên địa bàn, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Gia Lai sẽ tăng cường làm việc với cấp ủy và chính quyền các huyện, thị xã, thành phố kịp thời nắm bắt tình hình, giải quyết khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy mạnh đầu tư tín dụng, hỗ trợ vốn để nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng 6,7% trong năm nay.

Thảo Nguyên

Có thể bạn quan tâm