Điểm đến Gia Lai

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nông dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 11-12, UBND tỉnh Gia Lai phối hợp Hội Nông dân và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức hội nghị đối thoại trực tuyến giữa lãnh đạo UBND tỉnh với hội viên nông dân toàn tỉnh. Trong không khí cởi mở, thẳng thắn, lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan đã trao đổi, giải đáp nhiều ý kiến, kiến nghị của hội viên nông dân.

Chủ trì hội nghị có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Mah Tiệp, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Võ Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Phạm Thị Lan. Tham dự hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh có Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trương Văn Đạt; lãnh đạo một số sở, ban, ngành, cơ quan của tỉnh.

Hội nghị được kết nối từ điểm cầu UBND tỉnh đến điểm cầu 17 huyện, thị xã, thành phố với sự tham gia của đại diện lãnh đạo UBND huyện, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, Hội Nông dân huyện và 250 đại biểu đại diện cho các cán bộ, hội viên nông dân trong toàn tỉnh.

Giải đáp nhiều vấn đề nông dân quan tâm

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Mah Tiệp cho biết: Trong năm 2023, bám sát các nghị quyết, chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành nhiều đề án, kế hoạch, văn bản chỉ đạo triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của ngành nông nghiệp và đạt được kết quả khả quan, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển chăn nuôi với quy mô tập trung; triển khai kế hoạch trồng, chăm sóc, quản lý, bảo vệ rừng; bảo đảm an toàn hồ đập, các công trình thủy lợi; thúc đẩy phong trào xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển các sản phẩm OCOP…

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành nông nghiệp cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Hội nghị đối thoại nhằm giúp lãnh đạo tỉnh, huyện trực tiếp lắng nghe, tiếp thu ý kiến, kiến nghị, đề xuất cũng như những tâm tư, nguyện vọng của bà con nông dân. Qua đó kịp thời chỉ đạo, giải quyết những khó khăn cụ thể mà nông dân đang phải đối mặt, khắc phục những thiếu sót trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo.

Đồng thời, hội nghị đối thoại cũng góp phần tăng cường, củng cố mối quan hệ mật thiết giữa chính quyền với nông dân, góp phần thực hiện thành công mục tiêu phát triển nông nghiệp sinh thái, xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Các đồng chí chủ trì hội nghị đối thoại. Ảnh: Đ.T

Các đồng chí chủ trì hội nghị đối thoại. Ảnh: Đ.T

Hội nghị diễn ra với tinh thần thẳng thắn, cởi mở. Liên quan đến vấn đề giống cây trồng, vật nuôi, bà Võ Thị Loan-Phó Chi hội trưởng Chi hội Nông dân tổ dân phố 2 (phường Trà Bá, TP. Pleiku) nêu ý kiến: “Hiện nay, người dân trên địa bàn tỉnh nói chung và TP. Pleiku nói riêng đang tập trung sản xuất một số loại cây trồng chủ lực phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của vùng đất Tây Nguyên như: cà phê, hồ tiêu, chè, cao su… Đề nghị các ngành của tỉnh quan tâm định hướng cho bà con nông dân nên phát triển thêm các loại cây trồng nào để thực hiện hiệu quả công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn tỉnh”.

Đề cập vấn đề phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, bà Phạm Thị Kim Xuyên-Chi hội trưởng Chi hội Nông dân tổ dân dân phố 4 (phường Trà Bá) đề nghị: “Giá cả các loại vật tư nông nghiệp ngày càng tăng cao, trong khi đó, tình trạng sản xuất kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng vẫn còn xảy ra làm ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp. Ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm để tránh tình trạng buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng”.

Giải đáp thắc mắc của 2 đại biểu nêu trên, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Đoàn Ngọc Có cho biết: “Để định hướng sản xuất các loại cây trồng có thế mạnh, tạo ra sản phẩm phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, UBND tỉnh đã ban hành danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Trong đó, tỉnh đã định hướng cụ thể các vùng tập trung sản xuất một số loại cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại các địa phương. Ngoài ra, nhằm nâng cao giá trị sản xuất, đa dạng các sản phẩm trồng trọt, tỉnh đã ban hành một số đề án định hướng người dân chuyển đổi các loại cây trồng kém hiệu quả sang sản xuất loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao hơn như: Đề án phát triển sản xuất rau, hoa và cây ăn quả trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2040; Đề án bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT giải đáp ý kiến, kiến nghị của hội viên nông dân. Ảnh: Đ.T

Ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT giải đáp ý kiến, kiến nghị của hội viên nông dân. Ảnh: Đ.T

Về công tác quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: “Năm 2023, Sở đã tiến hành 2 cuộc thanh tra tại 120 cơ sở, xử phạt nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm. Đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo người dân sử dụng vật tư nông nghiệp có nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo chất lượng và chỉ nên mua tại các cơ sở sản xuất kinh doanh uy tín, được cơ quan có thẩm quyền cấp phép”.

Trả lời ý kiến của ông Hồ Viết Cảm-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Kbang về việc cần có cơ chế, hướng dẫn cụ thể việc phân bổ và trích lập dự toán giao cho hội nông dân cấp huyện, xã thực hiện các chương trình, đề án, dự án của địa phương liên quan đến nông nghiệp, nông dân và nông thôn, Phó Giám đốc Sở Tài chính Trần Thị Huệ nêu rõ: Việc phân bổ và trích lập dự toán giao cho hội nông dân các cấp được thực hiện theo Nghị quyết số 05/2021/NQ-HĐND ngày 10-12-2021 của HĐND tỉnh quy định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương cho thời kỳ 2020-2025 trên địa bàn tỉnh.

Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã cần chủ động phối hợp với Hội Nông dân tỉnh hướng dẫn hội nông dân cấp huyện, xã trực tiếp thực hiện các chương trình, đề án, dự án của địa phương liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo phân cấp hiện hành.

Bà Trần Thị Huệ-Phó Giám đốc Sở Tài chính trả lời kiến nghị của hội viên nông dân. Ảnh: Đ.T

Bà Trần Thị Huệ-Phó Giám đốc Sở Tài chính trả lời kiến nghị của hội viên nông dân. Ảnh: Đ.T

Quan tâm phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân

Tại buổi đối thoại, cán bộ, hội viên nông dân đã có 12 câu hỏi trực tiếp gửi đến lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan, tập trung vào các nhóm vấn đề: giống cây trồng, vật nuôi; chất lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và công tác quản lý nhà nước; cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp; thủ tục hành chính cấp mới, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; công tác giải phóng mặt bằng; vay vốn phục vụ sản xuất nông nghiệp và các khoản phí liên quan…

Các ý kiến, kiến nghị đã được lãnh đạo UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan trực tiếp giải đáp. Những tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, hội viên nông dân cũng được lãnh đạo tỉnh lắng nghe và định hướng phù hợp, thể hiện rõ trách nhiệm và sự chia sẻ với người dân.

Đối với kiến nghị thuộc thẩm quyền của các sở, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện, cấp xã, UBND tỉnh chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các cơ quan chức năng nghiên cứu, giải quyết trong thời gian sớm nhất, đáp ứng yêu cầu của người dân. Lãnh đạo các sở, ngành cũng đã cung cấp nhiều thông tin liên quan đến tình hình kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh của tỉnh năm 2023 và nhiệm vụ công tác năm 2024; các cơ chế chính sách liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh. Ảnh: Đ.T

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh. Ảnh: Đ.T

Phát biểu kết luận hội nghị đối thoại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Mah Tiệp nhấn mạnh: Những ý kiến trao đổi của cán bộ, hội viên nông dân đều rất chính đáng, thiết thực và được lãnh đạo các cơ quan chức năng trực tiếp trả lời. Đề nghị lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương nhanh chóng triển khai thực hiện những nội dung đã thống nhất tại buổi đối thoại để giải quyết kịp thời, hiệu quả những kiến nghị chính đáng của hội viên nông dân.

Để tiếp tục phát huy vai trò của người dân tham gia góp ý xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thời gian tới, thủ trưởng các sở, ban, ngành và chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố cần tăng cường hoạt động đối thoại trực tiếp với người dân nhằm kịp thời có những giải pháp cụ thể nâng cao chất lượng công tác quản lý, điều hành của cơ quan, đơn vị mình.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cấp hội nông dân trong tỉnh chủ động bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, triển khai các hoạt động, phong trào của hội gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh của địa phương. Bên cạnh đó, các cấp hội nông dân cần bám sát cơ sở, nắm chắc tình hình tư tưởng, đời sống của cán bộ, hội viên và người dân để kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo và có giải pháp giải quyết.

Cán bộ, hội viên phải luôn cầu thị, học hỏi nâng cao nhận thức, trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ và năng lực thực tiễn để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh.

Có thể bạn quan tâm