Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Thảo luận nhiều vấn đề quan trọng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 5, ngày 5-12, các đại biểu HĐND tỉnh đã chia tổ để thảo luận về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2017 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2018; nghe HĐND, UBND tỉnh báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri.

“Nóng” vấn đề đất sản xuất

Trên cơ sở gợi ý thảo luận của chủ tọa Kỳ họp, các đại biểu thuộc 8 tổ thảo luận đã đi sâu vào đánh giá, phân tích những mặt được, hạn chế trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, tìm nguyên nhân và bàn giải pháp thực hiện nhiệm vụ trong năm 2018.

Sôi nổi phiên thảo luận tổ. Ảnh: Minh Dung
Sôi nổi phiên thảo luận tổ. Ảnh: Minh Dung

Vấn đề thiếu đất sản xuất cho người dân tộc thiểu số được rất nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm. Bàn đến việc triển khai thực hiện chính sách về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho các dân tộc sống vùng kinh tế khó khăn và đặc biệt khó khăn theo Quyết định 755 của Thủ tướng Chính phủ, đại biểu Kpă Đô-Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho rằng: “Quá trình triển khai thực hiện Quyết định 755 gặp không ít trở ngại. Đa phần người dân tộc thiểu số vẫn còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước. Hiện Krông Pa là huyện có nhiều hộ dân người dân tộc thiểu số thiếu đất. Các huyện Kbang, Chư Prông, Chư Pah và thị xã An Khê đã có lộ trình tới năm 2020 sẽ giải quyết cho các hộ dân có đất sản xuất”. Cũng trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thùy Trang-Đại biểu HĐND tỉnh đơn vị huyện Ia Pa cho rằng: “Theo tôi, ngoài việc giải quyết đất sản xuất cho các hộ dân thì chúng ta còn phải nghĩ cách giữ được đất sản xuất cho họ. Nhiều hộ dân có đất sản xuất ở dọc theo khu vực bờ sông rất dễ bị sạt lở trong mùa mưa bão. Huyện Ia Pa còn đến 622 hộ thiếu đất sản xuất và đã được hỗ trợ thay thế bằng cách cấp bò”.

Theo đại biểu Kpă Đô, đa phần người dân tộc thiểu số vẫn còn tư tưởng ỷ lại. Ảnh: Minh Dung
Theo đại biểu Kpă Đô, đa phần người dân tộc thiểu số vẫn còn tư tưởng ỷ lại. Ảnh: Minh Dung

Về vấn đề này, Bí thư tỉnh ủy Dương Văn Trang khẳng định: “Ở Gia Lai mà để người dân thiếu đất sản xuất là điều hết sức vô lý. Sau khi phân loại 3 loại rừng (rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất) chiếm gần 48% so với tổng diện tích của tỉnh. Như vậy, còn lại 52% đất nông nghiệp và đất khác. Tôi nghĩ, nếu trừ các loại đất khác thì chúng ta vẫn còn lại 42% đất nông nghiệp. Vậy, tại sao người dân tộc thiểu số lại thiếu đất sản xuất? Trong khi đó, người dân tộc thiểu số chiếm 44% dân số của tỉnh. Phải tìm ra giải pháp để giải quyết vấn đề này”. Bên cạnh đó, Bí thư Tỉnh ủy cũng đề cập tới vấn đề nước sạch cho người dân tộc thiểu số. “Tôi tin chắc rằng có trên 80 công trình nước sạch trên địa bàn tỉnh đã bị hư hỏng. Nhiều công trình bỏ không, cỏ mọc vào bể, nước không chảy. Nhiều công trình nước sạch ở vùng nông thôn đã bị tê liệt. Chúng ta đầu tư rồi nhưng lại không bảo trì, sửa chữa. Đây là trách nhiệm của các ngành, các cấp”- Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.

Liên quan đến việc điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Gia Lai đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, nhiều đại biểu cho rằng, công tác quản lý và bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh thời gian qua vẫn còn những hạn chế, bất cập; đồng thời việc quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đạt yêu cầu. Về điều này, đại biểu Huỳnh Quang Thái-Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Ia Grai cho biết: “Thực tế việc quy hoạch rừng chưa đúng, chưa sát với thực tế và chưa tính tới tương lai. Đề nghị cơ quan chuyên môn có báo cáo giải trình đối với việc một số diện tích rừng chưa có chủ. Có thể có giải pháp lâu dài là thành lập các ban quản lý ở cấp xã…”.

Thảo luận về dự toán ngân sách năm 2018 của tỉnh, hầu hết các đại biểu đều thống nhất cao dự toán ngân sách địa phương trong năm tới đạt 4.200 tỷ đồng. Nhiều đại biểu cho rằng, với số thu trên thì tỉnh Gia Lai có thể đạt chỉ tiêu đề ra và có thể tăng thêm 40 tỷ đồng trong năm 2018. Điều đó được dựa trên thực tế thu của năm 2017 đã thu vượt.

Đại biểu Nguyễn Thị Thùy Trang nêu ý kiến tại buổi thảo luận. Ảnh: Minh Dung
Đại biểu Nguyễn Thị Thùy Trang nêu ý kiến tại buổi thảo luận. Ảnh: Minh Dung

Tại buổi thảo luận, đại biểu Nguyễn Đình Quang-Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh nhận định về tình trạng tội phạm liên quan đến ma túy hiện nay: “Tội phạm này đang có nhiều diễn biến phức tạp, hơn 180 xã hiện nay đã có đối tượng liên quan đến ma túy. Nghiêm trọng hơn là nạn ma túy đã len lỏi đến các buôn làng, xâm nhập vào các đối tượng là người dân tộc thiểu số, rất khó để ngăn chặn”. Theo đại biểu Quang, đây chính là nguyên nhân dẫn đến các hành vi phạm tội khác như: trộm cắp, cướp giật tài sản, hiếp dâm, giết người. Một lo ngại khác là các đối tượng có án phạt cải tạo không giam giữ hiện nay tại nhiều địa phương không quản lý được, tình hình vi phạm, tái phạm tăng lên...

Ngoài ra, tại buổi thảo luận, những vấn đề về phát triển du lịch, quản lý chất lượng giống cây trồng; chỉ tiêu về phát triển sản xuất công nghiệp; xây dựng Nông thôn mới; phân bổ các dự án của chương trình mục tiêu quốc gia cho các xã làm chủ đầu tư…cũng được các đại biểu tham gia thảo luận.

Giải quyết kiến nghị của cử tri

 Trong ngày làm việc, Thường trực HĐND tỉnh đã báo cáo kết quả giám sát của HĐND tỉnh về “Việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ ba, HĐND tỉnh khóa XI”; và báo cáo giám sát của HĐND tỉnh về “Chất lượng công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh”; nghe đại diện UBND tỉnh báo cáo việc thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-HĐND ngày 13-7-2017 của HĐND tỉnh về giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ Hai-HĐND tỉnh khóa XI, và báo cáo việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ Ba, HĐND tỉnh khóa XI.

Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang nhấn mạnh về vấn đề thiếu đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Minh Dung
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang nhấn mạnh về vấn đề thiếu đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Minh Dung

Tại Kỳ họp thứ ba, HĐND tỉnh khóa XI, Thường trực HĐND tỉnh đã tổng hợp 37 kiến nghị của cử tri chuyển đến UBND tỉnh xem xét, trả lời. Qua ra soát nội dung, UBND tỉnh và các cơ quan chuyên môn đã trả lời 37/37 kiến nghị của cử tri tại kỳ họp. Tuy nhiên, việc giải quyết các kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ ba, HĐND tỉnh vẫn còn những hạn chế, cách giải quyết còn mang tính chung chung. Ông Vũ Tiến Anh-Chánh văn phòng HĐND tỉnh Gia Lai cho biết: “Hiện vẫn còn 7/25 kiến nghị được UBND tỉnh tiếp thu, hứa sẽ chỉ đạo các ngành triển khai giải quyết nhưng chưa được UBND tỉnh báo cáo kết quả giải quyết. Một số kiến nghị trả lời chưa đi vào trọng tâm và sát với nội dung cử tri quan tâm. Thủ trưởng một số cơ quan chuyên môn chưa thực sự quan tâm, chủ động trong việc chỉ đạo tiếp thu và giải quyết kiến nghị của cử tri…”.

Đối với chất lượng đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh từ năm 2013 đến nay, báo cáo giám sát của HĐND tỉnh đã chỉ ra những kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế. Báo cáo tại kỳ họp, bà Ayun H’Bút-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai nhấn mạnh: “Một số công trình giao thông nông thôn hoàn thành sau năm 2013 đưa vào sử dụng mặt đường bị bong rổ, rạn nứt, lún nền. Chính quyền các địa phương chưa quan tâm đúng mức đối với công tác duy tu, bảo dưỡng các công trình giao thông đã hoàn thành đưa vào sử dụng, kể cả những tuyến đường tỉnh lộ trên địa bàn huyện”.

Về việc thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-HĐND ngày 13-7-2017 của HĐND tỉnh về giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ hai-HĐND tỉnh khóa XI, ông Nguyễn Đức Hoàng-Tỉnh ủy viên-Phó chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Trong số 72 kiến nghị thì có 55 kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh và đã được UBND tỉnh trả lời hoặc chỉ đạo các ngành chức năng liên quan xem xét, giải quyết. Đối với 17 kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND các huyện, thị xã, thành phố, tỉnh cũng đã chỉ đạo các địa phương giải quyết. “Tuy nhiên, để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết kiến nghị của cử tri, đáp ứng sự mong đợi của cử tri và nhân dân trong tỉnh trong thời gian tới đề nghị Thường trực HĐND tỉnh khi phân loại nội dung kiến nghị của cử tri chuyển đến UBND tỉnh và các sở, ban, ngành chức năng cần tránh trùng lặp về nội dung và đã trả lời cụ thể bằng văn bản tại các kỳ họp trước”-ông Nguyễn Đức Hoàng nhấn mạnh.

Cũng trong phiên làm việc chiều nay, kỳ họp đã thảo luận chung ở Hội trường về một số vấn đề như các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh trong năm 2018.

Ngày mai (6-12), kỳ họp sẽ bước vào ngày làm việc thứ ba với các nội dung: báo cáo kết quả thảo luận theo tổ; các đại biểu thảo luận chung tại Hội trường và thực hiện chất vấn, trả lời chất vấn.

Gia Lai Điện tử sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc nội dung kỳ họp.

 Minh Dung

Có thể bạn quan tâm