Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Tháp cổ Bang Keng: Nguy cơ quên lãng!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nằm trong vùng bán ngập lòng hồ Thủy điện Sông Ba Hạ, Di tích tháp Chăm Bang Keng (còn gọi là Bang Kheng, Bang Kieng) tọa lạc tại buôn Jú (xã Krông Năng, huyện Krông Pa, Gia Lai) đang đối mặt với nguy cơ rơi vào quên lãng. Mùa nước dâng, di tích bị nhấn chìm trong dòng nước hàng tháng trời.
Chìm vào quên lãng         
Tháp Bang Keng nằm ngay tại khu vực ngã ba sông, nơi hợp lưu giữa dòng Krông Năng và sông Ba. Đang là mùa khô hạn, nước sông xuống thấp, Bang Keng thoát khỏi cảnh bị màn nước nhấn chìm, nhưng nền đất xung quanh luôn ẩm thấp bởi hơi nước. Tháp lẩn khuất giữa một lùm cây cao giữa bạt ngàn bờ bãi. Ngay sát mép nước, nhiều viên gạch nằm ngổn ngang.
Ông Ksor Jú-nguyên Chủ tịch UBND xã Krông Năng, hiện là Chủ tịch UBND xã Ia Hdreh (huyện Krông Pa) là người khá am hiểu về di tích này bởi ông sinh ra và lớn lên ngay tại vùng đất Krông Năng. Ông cho hay: Năm 2010, các nhà khảo cổ bắt đầu tiến hành khai quật, khảo sát Di tích tháp Bang Keng. “Bà con nơi đây còn truyền tai nhau nhiều câu chuyện về ngôi tháp này. “Bang” tiếng Jrai nghĩa là hang, còn “Keng” có 2 giả thuyết: một là tên người xây dựng tháp, hai là tên một loài chim thường trú ngụ tại đây. Hàng chục năm nay, tháp chỉ còn một phần nhỏ nhô lên khỏi mặt đất và bị cây cối bao trùm”-ông Jú chia sẻ.
 Đoàn cán bộ văn hóa huyện Krông Pa khảo sát Di tích Bang Keng. Ảnh: L.H
Đoàn cán bộ văn hóa huyện Krông Pa khảo sát Di tích Bang Keng. Ảnh: L.H
Cũng theo ông Jú, nghe nói từng có những nhóm người tìm về Bang Keng đào vàng và săn tìm cổ vật bởi cho rằng nơi đây người Chăm từng cất giữ nhiều tài sản quý. Cũng chính vì vậy mà Bang Keng trở nên hoang phế như hiện nay. “Xưa kia, trẻ con các buôn lân cận đi chăn trâu, thả bò vẫn hay tìm vào khu tháp chơi, nhưng sau này lại có tin đồn rằng tháp từng là nơi chôn cất người chết nên người làng không dám lai vãng đến nữa”-ông Jú kể.         
Đem câu chuyện về tháp Bang Keng trao đổi với ông Phùng Anh Kiểm-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Krông Pa, chúng tôi được biết: Vừa qua, Phòng Văn hóa-Thông tin huyện đã tổ chức khảo sát để đánh giá hiện trạng các điểm có thể đưa vào khai thác, phát triển du lịch, trong đó có tháp Bang Keng. “Tuy nhiên, vì hiện trạng tháp không còn lại gì nhiều, chúng tôi đang xem xét đánh giá xem đây là di tích hay phế tích. Công trình nằm trong vùng bán ngập đã được đền bù của Thủy điện Sông Ba Hạ, có bán kính khoảng 10 m, không có đường đi lối lại. Hiện nay, công trình đã sụp đổ hoàn toàn, chỉ còn lại những dấu tích không rõ ràng, không định hình được kết cấu, kiến trúc nguyên vẹn. Do đó, Phòng đã làm báo cáo trình UBND huyện với quan điểm công trình chỉ còn lại dấu tích hoang phế, khó có thể phát huy giá trị văn hóa-lịch sử, du lịch”-ông Kiểm cho biết.
Bảo tồn là yêu cầu bức thiết
Trái ngược với quan điểm của Phòng Văn hóa-Thông tin huyện, Báo cáo số 84/BC-TT.VH&TT của Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Krông Pa lại đưa ra nhận định khác hẳn. Theo đó, mặc dù đã xuống cấp nhưng tháp Bang Keng vẫn còn giá trị về mặt văn hóa-lịch sử, khẳng định sự tồn tại của người Chăm cổ trên vùng đất Krông Pa. Báo cáo này cũng đề cập đến sự cần thiết của việc khoanh vùng bảo vệ, ghi danh di tích văn hóa Chăm cổ. Để bảo vệ Di tích Bang Keng trước nguy cơ bị người dân canh tác ở các khu vực lân cận xâm lấn cũng như tránh khỏi những tác động tiêu cực khác, Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Krông Pa đã dành một phần kinh phí để làm rào chắn và dựng bia tạm tại đây. Đồng quan điểm, nguyên Chủ tịch UBND xã Krông Năng cũng cho rằng, mặc dù chỉ còn là phế tích nhưng nếu đưa vào khai thác du lịch thì nơi đây có thể trở thành điểm nhấn thu hút du khách. Khi đó, người dân Krông Năng sẽ có thêm nguồn lợi để khai thác.
Di tích tháp Bang Keng được ngành chuyên môn phát hiện từ những năm 2005-2006. Đến tháng 6-2010, công tác khai quật di tích đã được Trung tâm Khảo cổ học-Viện Phát triển bền vững Nam Trung bộ phối hợp cùng Bảo tàng tỉnh tiến hành. Trao đổi về di tích này, TS. Nguyễn Thị Kim Vân-nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh-thông tin: Di tích tháp Bang Keng có niên đại vào khoảng thế kỷ VII-VIII sau Công nguyên, qua đó ghi nhận sự có mặt sớm nhất ở Gia Lai nói riêng, Tây Nguyên nói chung của người Chăm cổ; đặc biệt là sớm hơn rất nhiều so với các di tích của người Chăm được phát hiện dọc theo triền sông Ba cho đến nay (tháp Yang Mum, Dran Glai và phế tích nơi cư trú Kuai Kinh tại Ayun Pa), gần đây nhất là Bia đá Chăm ở thôn Tư Lương (xã Tân An, huyện Đak Pơ) có niên đại vào khoảng thế kỷ XV sau Công nguyên... “Hai bức phù điêu Phật đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia có cùng niên đại với tháp Bang Keng hiện được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai. Nhiều quan điểm cho rằng, có thể 2 bức phù điêu trên có nguồn gốc từ Di tích tháp Bang Keng”-TS. Nguyễn Thị Kim Vân cho hay.
Nói về ý nghĩa Di tích tháp Bang Keng, TS. Nguyễn Thị Kim Vân cho rằng: Di tích là dấu tích vật chất, là “tiếng nói” và chỉ dẫn quan trọng về một giai đoạn lịch sử, khẳng định sự xuất hiện của người Chăm cổ trong quá trình vượt núi phía Tây tỉnh Phú Yên tiến vào thung lũng Phú Túc vốn là địa bàn cư trú của người Jrai. “Hầu hết các di tích Chăm cổ trên địa bàn tỉnh hiện chỉ còn là phế tích. Có mặt sớm nhất nên không khó hiểu khi tháp Bang Keng chỉ còn lại những phần dấu tích mờ nhạt. Tuy nhiên, không thể vì thế mà nhận định công trình không phát huy được giá trị văn hóa-lịch sử. Việc khảo cổ, nghiên cứu vì những nguyên nhân nào đó chưa thể tiếp tục là điều bình thường; khi điều kiện chín muồi thì có thể sẽ tiến hành nghiên cứu, khai quật. Bởi vậy, việc giữ gìn, bảo vệ di tích trước nguy cơ bị xâm hại và các tác động tiêu cực khác là yêu cầu bức thiết”-TS. Nguyễn Thị Kim Vân nêu quan điểm.
LÊ HÒA
 
Ứng dụng Báo Gia Lai đã lên 2 kho :
 - Google Play: http://bit.ly/2PcYBHy
 - App Store: https://apple.co/2W9SmGa

Có thể bạn quan tâm