(GLO)- “Ước mơ không phải là cái gì sẵn có, cũng không phải cái gì không thể có. Ước mơ giống như một con đường chưa có, nhưng con người sẽ khai phá và vượt qua”-câu nói rất chí lý ấy của nhà văn Lỗ Tấn đã được em Nguyễn Thị Ngọc Thúy (lớp 12A1, Trường THPT Lương Thế Vinh, huyện Kbang, Gia Lai) trình bày trong bài hùng biện của mình tại hội thi “Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Gia Lai” do Tỉnh Đoàn, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp tổ chức ngày 8-1.
Nhiều lần theo bố mẹ ra vườn làm cỏ, tỉa cành, Thúy thấu hiểu những khó khăn, vất vả của người lao động, nhất là những năm cà phê được mùa thì mất giá và ngược lại. Trăn trở về việc phải làm thế nào để cuộc sống của người nông dân được ổn định hơn, Thúy đã “ươm mầm” mơ ước trở thành một kỹ sư nông nghiệp để tìm tòi, nghiên cứu đưa sản phẩm của Việt Nam nói chung và Gia Lai nói riêng vươn ra thị trường thế giới. Để thử sức, Thúy đã lên internet tìm kiếm thông tin về các loại cây trồng mới, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của Gia Lai và lựa chọn cây mắc ca-được xem là “nữ hoàng quả khô”-để gia đình trồng xen trong vườn cà phê. Tiếp đó, bằng sự nhanh nhạy của mình, Thúy đã cho ra mắt sản phẩm “Mắc ca vui vẻ” được nhiều người dân huyện Kbang yêu thích.
Em Nguyễn Thị Ngọc Thúy (ở giữa) giới thiệu sản phẩm “Mắc ca vui vẻ” cho các bạn cùng trường. Ảnh: Trần Khương |
Để có những bước đệm vững chắc cho tương lai, Thúy cho biết em đang cố gắng học tốt các môn học ở trường, nghiên cứu sách về nông nghiệp, đồng thời nâng cao khả năng học tiếng Anh để cố gắng xin được học bổng tại một trường đại học chuyên về nông nghiệp của Mỹ-nơi đã đào tạo nhiều kỹ sư nông nghiệp nổi tiếng. “Để thực hiện được ước mơ, em xác định chặng đường phía trước còn nhiều khó khăn, không phải ngày một ngày hai là thực hiện được. Chính vì thế, em phải vạch ra cho mình mục tiêu, kế hoạch cụ thể. Khi đã có ước mơ, có quyết tâm, em tin mình sẽ đạt được mục đích”-Thúy chia sẻ.
Anh Đỗ Duy Nam-Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Trưởng ban tổ chức hội thi: “Đây là lần thứ 2 hội thi “Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Gia Lai” được tổ chức nhằm mục đích khơi gợi, giúp học sinh có cơ hội tìm hiểu về ngành nghề, nhận thức đúng đắn việc chọn ngành nghề của bản thân trong tương lai. Ở vòng sơ khảo, Ban tổ chức đã nhận được 37 bài dự thi của các trường và chọn ra 10 bài xuất sắc nhất vào tham gia hùng biện ở vòng chung khảo”. |
Thể hiện xuất sắc phần thi hùng biện, tự tin trong chia sẻ ước mơ, cách lên kế hoạch, mục tiêu rõ ràng, Thúy đã để lại ấn tượng sâu sắc với mọi người. Vì vậy, không có gì bất ngờ khi phần thi của Thúy xuất sắc giành giải nhất hội thi.
“Ai cũng có ước mơ và chính ước mơ sẽ định hướng, tạo quyết tâm cho bản thân”-đó là chia sẻ của em Nguyễn Thị Thoan (lớp 12A4, Trường THPT Trường Chinh, huyện Chư Sê) khi nói về mong muốn trở thành bác sĩ dinh dưỡng. Thoan sinh ra và lớn lên ở làng Pang (xã Ia Glai, huyện Chư Sê), nơi đa số là người dân tộc Jrai có cuộc sống nghèo khó nên những đứa trẻ thường chậm phát triển, còi xương, suy dinh dưỡng... Để giúp các gia đình hiểu rõ tầm quan trọng của việc bổ sung chất dinh dưỡng, ngoài thời gian học tập, Thoan thường đến nhà hàng xóm tìm hiểu chế độ dinh dưỡng của các em nhỏ và hướng dẫn họ cách chế biến một số thực phẩm giàu chất dinh dưỡng cho con em. Bên cạnh đó, Thoan cũng nghiên cứu thói quen và nhu cầu sử dụng sữa công thức thay cho sữa mẹ của người dân, sau đó cùng cán bộ Hội Phụ nữ phát tờ rơi để truyền thông về sữa mẹ cho phụ nữ ở thị trấn Chư Sê. Với phần hùng biện khá thuyết phục bằng chất giọng ấm, truyền cảm và nội dung đầy nhân văn, Thoan đã được trao giải nhì tại hội thi. “Em ước mơ trở thành bác sĩ dinh dưỡng với mong muốn chăm sóc sức khỏe cho mọi người qua mỗi bữa ăn. Hiện tại, em đang tích cực ôn luyện để đạt kết quả cao trong kỳ thi THPT Quốc gia sắp tới. Đây chính là bước đệm quan trọng giúp em hiện thực hóa ước mơ của mình”-Thoan vui vẻ cho biết.
Dù chỉ đạt giải khuyến khích của hội thi nhưng câu chuyện cảm động về ước mơ của cô nữ sinh Đào Thị Ly (lớp 10A1, Trường THPT Trần Cao Vân, huyện Chư Sê) khiến nhiều người phải rơi nước mắt. Ly chia sẻ về một biến cố của gia đình cách đây nhiều năm: Mẹ em không may bị tai nạn giao thông nên không đi lại được, mọi sinh hoạt đều phải nhờ cậy vào người thân, nhiều lúc mẹ còn không nhớ ra chị em Ly là ai. Từ hoàn cảnh ấy, Ly luôn nhắc mình phải cố gắng học thật giỏi để trở thành bác sĩ với hy vọng chữa bệnh cho mẹ và cho nhiều người khác. Ly bộc bạch: “Với em, người sống không có ước mơ, hoài bão là người thất bại. Ước mơ của em hình thành sau những biến cố, chính vì thế, em càng có thêm động lực để biến ước mơ thành sự thật”.
Đã có 10 ước mơ đẹp được chia sẻ tại hội thi. Sau mỗi ước mơ là một câu chuyện về cuộc sống, gia đình, bản thân và nỗ lực hiện thực hóa ước mơ. Phần thi của mỗi thí sinh đều để lại ấn tượng và cảm xúc riêng cho Ban giám khảo và các học sinh dự khán. Đó có thể là mơ ước trở thành một giáo viên “truyền lửa” cho học sinh, một cán bộ Đoàn nhiệt huyết, một chiến sĩ Công an bảo vệ bình yên cho mọi người, một chuyên viên tâm lý học đường… Tất cả đều được các em lên kế hoạch chi tiết, vạch ra từng mục tiêu phấn đấu cụ thể để hiện thực hóa trong tương lai. Hơn thế, các thí sinh cũng đã truyền cảm hứng và tiếp lửa cho nhiều học sinh vượt qua những cản ngại để chạm đến ước mơ của chính mình.
Phan Lài