Đó là rủi ro khi phụ thuộc quá nhiều, quá lâu vào một thị trường của hàng hóa xuất khẩu Việt. Nên khi thị trường đó có sự thay đổi chính sách hay xảy ra biến động... thì ngay lập tức, chúng ta gặp rủi ro. Với gạo, nếu như việc Ấn Độ hạn chế xuất khẩu giúp gạo Việt lên ngôi, từng có giá đắt nhất thế giới và đạt lượng xuất khẩu kỷ lục thì ngược lại, việc nước này "mở kho" không tác động quá nhiều đến gạo Việt. Chúng ta chỉ thực sự khó khăn khi Philippines, thị trường xuất khẩu lớn nhất của VN, mạnh tay giảm giá gạo nội địa, thậm chí ban bố tình trạng khẩn cấp về an ninh lương thực hồi đầu tháng 2 khiến gạo Việt trở nên đắt đỏ so với yêu cầu của nước này. Các nhà nhập khẩu khác cũng nhìn nhau, nhìn vụ thu hoạch lúa lớn nhất trong năm... và nhìn giá trượt dần đều để có thể mua được giá rẻ nhất có thể. Cứ thế, giá gạo nội địa rơi. Đáng nói là giá gạo của ta rớt sâu trong bối cảnh nhiều thị trường cao cấp vẫn có nhu cầu cao. Bài toán giảm lượng tăng chất... giống như bao lần trước đó lại được đặt ra, và có lẽ cũng lại xếp vào nếu giá phục hồi trở lại.
Cũng chẳng riêng gì lúa gạo, nhiều ngành hàng của ta cũng rơi vào tình trạng phụ thuộc vào một thị trường. Như sầu riêng, rau quả phụ thuộc vào Trung Quốc, nên mỗi khi nước này "hắt hơi" là xuất khẩu "ốm nặng". Cảnh những xe thanh long ùn ứ tại cửa khẩu, không ít xe cuối cùng phải quay đầu, thậm chí đổ bỏ đã từng xảy ra. Ở thời điểm hiện tại, khi căng thẳng thuế quan từ thị trường Mỹ gia tăng, nhiều lĩnh vực ngành hàng xuất khẩu cũng đang kêu gọi đa dạng hóa đầu ra để tránh rủi ro. Thế nhưng chuyện này cũng không phải muốn là được ngay, mà cần có thời gian và sự chuẩn bị. Câu chuyện này không mới, cứ đến hẹn lại lên, gặp khó khăn lại được đặt ra; nhưng hễ thuận lợi trở lại, có vẻ chúng ta lại quên mất. Tất nhiên, thị trường hút hàng thì ai chẳng muốn dồn vào đó. Nhưng xuất khẩu của cả một ngành hàng không thể giống "buôn chuyến", như Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã nhiều lần nói. Nó cần có chiến lược về thị trường, về thương hiệu để không chỉ giảm thiểu rủi ro và gia tăng giá trị cho hàng Việt. Chứ cứ mất bò mới lo làm chuồng... mãi thì không ổn.
Trở lại với câu chuyện của gạo, tất nhiên giá giảm hiện tại cũng chỉ mang tính thời điểm. Không quá đáng lo bởi nhu cầu gạo trên thế giới nói chung vẫn cao, đặc biệt là với gạo chất lượng cao. Nhưng quan trọng hơn là cả khi thuận lợi và khó khăn, chúng ta cũng không được quên và sao nhãng chiến lược xây dựng chất lượng, thương hiệu cho gạo Việt để chinh phục các thị trường cao cấp, khó tính nhưng giá trị gia tăng vượt trội thay vì chạy theo lượng mãi như hiện nay. Nhìn rộng ra các mặt hàng khác cũng tương tự, không thể mãi xuất thô, xuất dưới dạng mượn thương hiệu và phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường. Đó là những vấn đề cần được tính toán khắc phục.
Thế giới biến động khó lường, nhu cầu cũng thay đổi và chúng ta cũng phải đổi thay để nhập cuộc tự chủ, để tối ưu nhất lợi thế, giá trị của nông sản Việt nói riêng và hàng hóa Việt nói chung.
Theo Nguyên Khanh (TNO)
![](https://cdn.baogialai.com.vn/images/9206662b6373bcdb52b640c7dbc29755288afa24916d8f641a2e0eb4fd9a9ad5e022c10fc9c5de7d6efe97def755bf0d351023ba25fcd0718ea764ee3a93b16195ef338f79f81d401f50f0f665816544a3ff618971971e73340e745486eb8798bd1da26b462b62c28a435d543b223ecf/gia-gao-viet-nam-roi-xuong-muc-thap-nhat-the-gioi-vi-sao-dd.jpg.webp)
Giá gạo Việt Nam rơi xuống mức thấp nhất thế giới, vì sao?
![](https://cdn.baogialai.com.vn/images/62e6784ab839310a7938a6c2f6bc7e85d0a3c576b6da07bc48ce98c02d79a559d2b4eb1154e3e4810a16c85829b29c04dbf8a2731a2649b558b29cc5ec126815/ttxvn-gao-xuat-khau.jpg.webp)