Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Thầy giáo Nguyễn Thanh Phụng: Khơi nguồn sáng tạo STEM-Robotics

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Nhiều năm trở lại đây, giáo dục STEM là phương pháp được nhiều trường học tại Gia Lai áp dụng nhằm tăng tính sáng tạo, chủ động của học sinh, trong đó có STEM-Robotics. Một trong những người tiên phong trong lĩnh vực mới mẻ này là thầy Nguyễn Thanh Phụng-giáo viên Tin học, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) STEM-Robotics Trường THPT Chi Lăng (TP. Pleiku).

Người “truyền lửa”

Với nụ cười hiền, thầy giáo Nguyễn Thanh Phụng gây ấn tượng ở ngay lần gặp đầu tiên bởi sự chân tình. Anh cho hay: Tốt nghiệp chuyên ngành Công nghệ thông tin Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) năm 1999, anh về công tác tại Trường THPT Pleiku được 1 năm thì lần lượt chuyển sang làm việc tại Tổ Tin học Bưu điện tỉnh, VNPT Gia Lai.

Năm 2013, anh quyết định ra ngoài kinh doanh tự do và làm gia sư. Trong khoảng thời gian này, cùng với tiếp tục cập nhật những bước tiến của khoa học công nghệ, anh quyết định đăng ký tham gia các khóa học về STEM, trong đó có STEM-Robotics tại TP. Hồ Chí Minh và các khóa học trực tuyến khác. Khẳng định đây là xu hướng cần đón đầu, anh cũng đồng thời nhận ra những hạn chế cần thay đổi của giáo dục truyền thống.

Thầy Nguyễn Thanh Phụng hướng dẫn học sinh tại Trung tâm Ngoại ngữ, Tin học giáo dục HP trong một buổi học về Robotics. Ảnh L.N

Thầy Nguyễn Thanh Phụng hướng dẫn học sinh tại Trung tâm Ngoại ngữ, Tin học giáo dục HP trong một buổi học về Robotics. Ảnh L.N

Năm 2020, thầy Phụng “đầu quân” về Trường THPT Chi Lăng và đề xuất đưa giáo dục STEM vào chương trình. Được sự ủng hộ của nhà trường, anh đặt những “viên gạch” quan trọng đầu tiên. Tiếp đó, anh được phân công hướng đi chuyên sâu hơn là STEM-Robotics. Câu lạc bộ STEM-Robotics ra đời, đến nay có khoảng 35 thành viên. Không chỉ có học sinh Trường THPT Chi Lăng, CLB còn có sự tham gia của một số học sinh các trường THCS trên địa bàn TP. Pleiku.

“Động lực lớn nhất của tôi chính là hạnh phúc của học sinh khi học tập nội dung này. Tôi cảm nhận rõ điều này từ các em. Cảm hứng và thái độ học tập của nhiều em thay đổi hẳn”-thầy Phụng chia sẻ.

Chúng tôi khá ngạc nhiên khi anh cho hay, không phải thành viên nào của CLB STEM-Robotics cũng xuất sắc. Có em điểm số rất bình thường theo cách đánh giá của giáo dục truyền thống, nhưng nhờ có tư duy thiết kế và tư duy trừu tượng nên phát huy năng lực rất tốt khi tham gia CLB. Điều này giúp học sinh khám phá năng lực bản thân và tự tin vào chính mình. Từ những khối gạch (brick), dưới sự hỗ trợ của thầy, các em đã thiết kế, lập trình để sáng tạo ra những robot linh hoạt, đa chức năng. Nhiều em nhanh nhẹn tham gia các sân chơi Robotics chỉ sau 2 tháng tiếp cận, cho thấy sức hút lớn của một bộ môn đầy sáng tạo cũng như sự đam mê của từng em.

Đến nay, CLB STEM-Robotics của Trường THPT Chi Lăng đã đạt được một số thành tích ấn tượng, trong đó có thể kể đến giải Best Collaboration trong cuộc thi giao hữu vào tháng 9-2022 tại Hà Nội, 3 chiếc cúp tại TP. Hồ Chí Minh và 1 tại Thái Lan. Đặc biệt, tại Giải Vô địch VEX IQ Robotics toàn quốc 2023 diễn ra vào tháng 2, nhà trường có 2 đội chơi lọt top 20 đội xuất sắc giành tấm vé tham gia thi đấu tại Giải VEX Robotics Word Championship 2023 diễn ra ở Mỹ vào tháng 5 vừa qua. Đây là giải đấu robot lớn nhất thế giới được tổ chức thường niên, quy tụ khoảng 800 đội thi. Tại giải này, 2 đội của trường phải dừng chân ở vòng loại song đã học hỏi được nhiều điều quý giá từ một sân chơi quốc tế.

Tham gia hành trình đáng nhớ này cùng các em học sinh trong vai trò huấn luyện viên, thầy Phụng đúc rút: “Bản thân mình học hỏi được về quy mô tổ chức, sự chuyên nghiệp của các đội bạn. Học trò cũng được giao lưu với bạn bè khắp năm châu, tích lũy kiến thức về các loại robot, mô hình robot, các ý tưởng sáng tạo”.

Thầy giáo Nguyễn Thanh Phụng tại giải VEX Robotics Word Championship 2023 diễn ra ở Mỹ (ảnh NVCC).

Thầy giáo Nguyễn Thanh Phụng tại giải VEX Robotics Word Championship 2023 diễn ra ở Mỹ (ảnh NVCC).

Thầy Đỗ Viết Huy-Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chi Lăng-cho biết: “Thầy Nguyễn Thanh Phụng là một trong những người đầu tiên đưa giáo dục STEM-Robotics vào trường học. Thầy đầu tư thiết kế những dự án giúp học sinh khắc sâu kiến thức một cách chủ động, nâng cao hiệu quả học tập. Thông qua các dự án, thầy Phụng còn giúp các em hình thành phong cách học tập sáng tạo với nhiều kỹ năng của một công dân toàn cầu như: giao tiếp, hợp tác, quản lý, điều hành, ra quyết định; đặt học sinh vào vai trò của một nhà phát minh để hiểu bản chất của kiến thức, từ đó việc tiếp nhận kiến thức sẽ không còn gò bó, ép buộc mà trở nên sinh động và thú vị hơn rất nhiều. Để lan tỏa phương pháp này, thầy Phụng cũng chia sẻ các dự án đến đồng nghiệp ở nhiều trường trong tỉnh và nhận được phản hồi tích cực từ giáo viên và học sinh”.

Lan tỏa tình yêu STEM-Robotics

Với mong muốn lan tỏa tình yêu STEM-Robotics đến nhiều học sinh hơn nữa, mới đây, thầy Phụng đứng ra thành lập Trung tâm Ngoại ngữ, Tin học giáo dục HP (27A Nguyễn Trường Tộ, TP. Pleiku). Đây là trung tâm đầu tiên tại Gia Lai chuyên về lập trình Scratch (tin học trẻ em), STEM-Robotics và luyện thi tin học trẻ.

Tham gia một buổi học tại đây mới thấy hết sự ham thích của các em nhỏ trước lĩnh vực mới mẻ này, nhất là trong dịp hè. Các em được tiếp cận, giải đáp nhiều câu hỏi hay về robotics như: Robot đầu tiên nào trên thế giới được cấp quyền công dân? Hiện nay, con người tạo ra và điều khiển robot, nhưng có khi nào robot quay trở lại điều khiển con người như trong các phim giả tưởng? Từ đây, có em đã đặt ra cho thầy giáo những câu hỏi rất thời sự như: “Robot làm được nhiều việc như thế, có khi nào con người… thất nghiệp?”.

2 thành viên CLB STEM-Robotics Trường THPT Chi Lăng (bìa phải) giao lưu cùng bạn bè quốc tế tại giải VEX Robotics Word Championship 2023 diễn ra ở Mỹ vào tháng 5 vừa qua. Ảnh: Nguyễn Thanh Phụng

2 thành viên CLB STEM-Robotics Trường THPT Chi Lăng (bìa phải) giao lưu cùng bạn bè quốc tế tại giải VEX Robotics Word Championship 2023 diễn ra ở Mỹ vào tháng 5 vừa qua. Ảnh: Nguyễn Thanh Phụng

Cũng từ lớp học này, các em biết cách lắp ráp, lập trình, điều khiển robot theo ý thích. Em Nguyễn Gia Bảo (Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, TP. Pleiku) bày tỏ: “Em thích lắp ráp lego, chế tạo robot. Bây giờ đã có các loại robot hút bụi, lau nhà, rửa chén, em muốn tạo ra nhiều robot khác để giúp mẹ việc nhà”.

Còn em Dương Ngọc Mai Phương (Trường THCS Nguyễn Huệ, TP. Pleiku) thì cho hay: “Em thấy môn này rất thú vị. Em tìm hiểu cách lắp ráp robot, có thêm những kiến thức mới về lập trình, giúp bổ trợ cho việc học ở trường”.

Nói về vai trò của người thầy trước yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay, thầy Phụng chia sẻ những điều tâm huyết: “Người thầy phải “truyền lửa” cho học trò, truyền cảm hứng sáng tạo chứ không chỉ truyền kiến thức. Tôi thường giải thích để học sinh hiểu rằng các em sẽ tạo ra những robot phục vụ cho cuộc sống sau này như thế nào, từ đó khơi gợi trong suy nghĩ của các em về mơ ước tương lai”.

Thầy Phụng cho biết thêm, anh mong muốn kết hợp với các trường học khác trên địa bàn lan tỏa phương pháp giáo dục STEM, đồng thời thành lập Cộng đồng giáo viên STEM Gia Lai để cùng chung tay góp sức vào mục tiêu đổi mới giáo dục.

STEM là chương trình giảng dạy được thiết kế để trang bị cho người học kiến thức và kỹ năng liên quan đến lĩnh vực khoa học (Science), công nghệ (Technology), kỹ thuật (Engineer), toán học (Math). Thuật ngữ STEM ra đời do ghép 4 chữ cái đầu tiên theo tên tiếng Anh của các chuyên ngành trên. Nhóm ngành STEM ra đời không hướng đến mục tiêu đào tạo để học sinh trở thành những nhà toán học, nhà khoa học, kỹ sư hay kỹ thuật viên mà chủ yếu là trang bị cho các em kiến thức, kỹ năng để làm việc và phát triển trong thế giới công nghệ hiện đại ngày nay.

Có thể bạn quan tâm