Xã hội

Thế giới đánh giá di sản lớn nhất của thiền sư Thích Nhất Hạnh

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Di sản lớn nhất của thiền sư Thích Nhất Hạnh để lại cho đời là chánh niệm tỉnh thức, tâm từ bi và kiến tạo hoà bình.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Ảnh: Làng Mai
Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Ảnh: Làng Mai


Thiền sư Thích Nhất Hạnh, nhà sư phổ biến chánh niệm ở phương Tây, đã viên tịch tại Tổ đình Từ Hiếu, thành phố Huế, Việt Nam, vào ngày 21.1.2022, thọ 95 tuổi.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh – Sư Ông Làng Mai – là một bậc thầy hướng dẫn tâm linh có ảnh hưởng lớn trên khắp thế giới. Thiền sư đồng thời là một nhà thơ, một nhà hoạt động cho hòa bình và được nhiều người biết đến qua các bài giảng cũng như qua các cuốn sách nổi tiếng về chánh niệm và về hòa bình.

Trong gần 40 năm sống xa quê hương, Thiền sư là một trong những người tiên phong đem đạo Bụt, đặc biệt là pháp môn chánh niệm, đến với xã hội Tây phương và góp phần xây dựng một cộng đồng Phật giáo dấn thân cho thế kỷ XXI.

"Là một học giả về các phương pháp thiền định hiện đại của Phật giáo, tôi đã nghiên cứu những lời dạy đơn giản nhưng sâu sắc của thiền sư Thích Nhất Hạnh, những lời dạy kết hợp chánh niệm cùng với sự thay đổi xã hội và tôi tin rằng sẽ tiếp tục có tác động trên khắp thế giới" - tác giả bài "Thiền sư Thích Nhất Hạnh, người truyền bá thực hành chánh niệm trong nhiều thập kỷ, viên tịch trong chánh niệm" viết trên tờ The Conversation.

 

Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong một buổi cầu nguyện ở Việt Nam năm 2007. Ảnh: AFP
Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong một buổi cầu nguyện ở Việt Nam năm 2007. Ảnh: AFP


Nhà hoạt động vì hòa bình

Vào những năm 1960, thầy Thích Nhất Hạnh đã đóng một vai trò tích cực thúc đẩy hòa bình trong những năm chiến tranh ở Việt Nam. Ông đã thành lập một số tổ chức dựa trên các nguyên tắc bất bạo động và từ bi của Phật giáo. Năm 1965, thầy Thích Nhất Hạnh thành lập Trường Thanh niên phụng sự xã hội và khai giảng khoá đầu tiên. Trường là một tổ chức cứu trợ cơ sở, bao gồm 10.000 tình nguyện viên và nhân viên xã hội cung cấp viện trợ cho các ngôi làng bị chiến tranh tàn phá, xây dựng lại trường học và thành lập các trung tâm y tế.

 

 Thiền sư Thích Nhất Hạnh tổ chức cứu trợ cho đồng bào bị lũ lụt tại miền Trung năm 1964 dưới cảnh bom đạn. Ảnh: Làng Mai
Thiền sư Thích Nhất Hạnh tổ chức cứu trợ cho đồng bào bị lũ lụt tại miền Trung năm 1964 dưới cảnh bom đạn. Ảnh: Làng Mai


Ngài cũng thành lập Dòng tu Tiếp Hiện, một cộng đồng của những người xuất gia và Phật tử tại gia, những người cam kết hành động từ bi và hỗ trợ các nạn nhân chiến tranh. Ngoài ra, ngài còn thành lập một trường đại học Phật giáo, một nhà xuất bản và một tạp chí hoạt động vì hòa bình như những cách để truyền bá thông điệp về lòng từ bi.

Năm 1966, thầy Thích Nhất Hạnh sang Mỹ và Châu Âu để kêu gọi hòa bình ở Việt Nam. Trong các bài thuyết giảng tại nhiều thành phố, thầy đã mô tả một cách thuyết phục sự tàn phá của chiến tranh, nói về ước nguyện hòa bình của người dân Việt Nam.

Trong những năm ở Mỹ, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã gặp mục sư Martin Luther King Jr., nhà hoạt động dân quyền người Mỹ. Mục sư Martin Luther King Jr. từng gọi thiền sư là “một tông đồ của hòa bình và bất bạo động” khi đề cử Người cho giải Nobel Hòa bình vào năm 1967.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh ở nước ngoài từ sau khi Hiệp định Paris được ký kết năm 1973, cư ngụ chủ yếu tại Tu viện Làng Mai, vùng Dordogne, miền nam nước Pháp.

Năm 2014, thiền sư Thích Nhất Hạnh bị đột quỵ. Kể từ đó ông không thể nói hoặc tiếp tục công việc giảng dạy của mình. Vào tháng 10.2018, thiền sư Thích Nhất Hạnh bày tỏ mong muốn trở lại ngôi chùa ở Việt Nam, nơi ông xuất gia. Những người sùng đạo từ nhiều nơi trên thế giới đã tiếp tục đến thăm ông tại đây.

 

 Thiền sư Thích Nhất Hạnh ngồi xe lăn ở chùa Từ Hiếu, thành phố Huế, năm 2018. Ảnh: AFP
Thiền sư Thích Nhất Hạnh ngồi xe lăn ở chùa Từ Hiếu, thành phố Huế, năm 2018. Ảnh: AFP


Sống tỉnh thức

Tuần báo Time của Mỹ trong một bài viết năm 2019 từng nhận xét, thiền sư Thích Nhất Hạnh là vị sư dạy thế giới về sống tỉnh thức. Thầy được nhiều người phương Tây gọi là cha đẻ của sống tỉnh thức (mindfulness - chánh niệm). Ông dạy rằng ai cũng có thể là những vị bồ tát, bằng cách sống hạnh phúc trong những công việc tầm thường, như khi gọt một trái cam hay nhấp một hớp trà, một cách tỉnh thức.

Rất nhiều người góp phần làm cho chánh niệm trở thành một phong trào, nhưng có lẽ thiền sư Thích Nhất Hạnh góp phần nhiều nhất. Thiền sư Thích Nhất Hạnh bắt đầu thuyết giảng về chánh niệm vào giữa những năm 1970. Phương tiện chính cho những bài giảng ban đầu chính là những cuốn sách của ông. Chẳng hạn trong cuốn “Điều kỳ diệu của chánh niệm”, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã đưa ra những hướng dẫn đơn giản về cách áp dụng chánh niệm vào cuộc sống hàng ngày.

Chánh niệm là biết rõ những gì đang có mặt, đang xảy ra. Trong cuốn sách “Bạn đang ở đây”, ông khuyến khích mọi người chú ý đến những gì họ đang trải qua trong cơ thể và tâm trí của họ tại bất kỳ thời điểm nào, chứ không phải quá khứ hay nghĩ về tương lai. Sự nhấn mạnh của ông là nhận thức về hơi thở. Thầy dạy độc giả của mình nói nội tâm: “Tôi đang thở vào; đây là hơi thở vào. Tôi đang thở ra; đây là hơi thở ra”.

Những người quan tâm đến thực hành thiền định không cần phải dành nhiều ngày tại một khóa tu thiền. Những lời dạy của thầy nhấn mạnh rằng chánh niệm có thể được thực hành bất cứ lúc nào, ngay cả khi làm những công việc thường ngày như nấu ăn. Thầy nói hòa bình, hạnh phúc, niềm vui và tình yêu đích thực chỉ có thể được tìm thấy trong thời điểm hiện tại.

 

 Mục sư Martin Luther King Jr. nói thầy Nhất Hạnh là một tông đồ của hòa bình và bất bạo động. Ảnh: Làng Mai
Mục sư Martin Luther King Jr. nói thầy Nhất Hạnh là một tông đồ của hòa bình và bất bạo động. Ảnh: Làng Mai


Chánh niệm ở Mỹ

Những thực hành chánh niệm của thiền sư Thích Nhất Hạnh không chủ trương xa rời thế gian. Thay vào đó, theo quan điểm của thầy, việc thực hành chánh niệm có thể dẫn người ta đến “hành động từ bi”, giống như thực hành cởi mở với quan điểm của người khác và chia sẻ tài nguyên vật chất với những người cần.

Jeff Wilson, một học giả về Phật giáo Mỹ, lập luận trong cuốn sách “Mindful America” của mình rằng, thực hành chánh niệm hàng ngày của thiền sư Thích Nhất Hạnh đã góp phần tạo nên những sợi dây sớm nhất của phong trào chánh niệm. Phong trào này cuối cùng đã trở thành cái mà tạp chí Time vào năm 2014 gọi là “cuộc cách mạng về tỉnh thức”. Tờ báo cho rằng sức mạnh của chánh niệm nằm ở tính phổ biến của nó, vì phương pháp này đã đi vào các công ty, văn phòng chính trị, hướng dẫn nuôi dạy con cái và kế hoạch ăn kiêng.

Tuy nhiên, đối với thiền sư Thích Nhất Hạnh, chánh niệm không phải là một phương tiện để có một ngày làm việc hiệu quả hơn mà là một cách hiểu về “sự tương hợp”, sự kết nối và phụ thuộc của mọi người và mọi thứ. Trong bộ phim tài liệu, “Walk With Me”, thiền sư đã minh họa sự giao thoa như sau:

Một cô gái trẻ hỏi thầy làm thế nào để vượt qua nỗi đau buồn khi con chó của cô vừa chết. Thầy bảo cô gái nhìn lên bầu trời và xem một đám mây biến mất. Đám mây không chết nhưng đã trở thành mưa và thành trà trong tách trà. Giống như đám mây sống trong một hình thức mới, con chó cũng vậy. Thực hành chính niệm sẽ giúp ta tiếp xúc với những gì tốt đẹp trong ta để có thể chuyển đổi tình trạng. Thầy tin rằng thực hành điều này có thể dẫn đến hòa bình hơn trên thế giới.

 

Thiền sư Thích Nhất Hạnh viết thư pháp năm 2013. Ảnh: Làng Mai
Thiền sư Thích Nhất Hạnh viết thư pháp năm 2013. Ảnh: Làng Mai


Di sản để đời của thiền sư Thích Nhất Hạnh

Thiền sư Thích Nhất Hạnh sẽ có ảnh hưởng lâu dài thông qua di sản của giáo lý của mình trong hơn 100 cuốn sách, 11 trung tâm thực hành toàn cầu, hơn 1.000 cộng đồng cư sĩ toàn cầu và hàng chục nhóm cộng đồng trực tuyến. Những đệ tử thân cận nhất với thiền sư - 600 tăng ni xuất gia theo truyền thống Làng Mai, cùng với các giáo thọ cư sĩ - đã và đang có kế hoạch tiếp nối di sản của người thầy.

Họ đã viết sách, truyền giáo lý trong vài thập kỷ qua. Vào tháng 3 năm 2020, Quỹ Thích Nhất Hạnh, cùng với Lion’s Roar, đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tuyến mang tên “Theo bước chân của Thích Nhất Hạnh” để các đệ tử nhận thức về lời dạy của thiền sư.

Mặc dù thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch sẽ làm thay đổi cộng đồng, nhưng thực hành chánh niệm để thức tỉnh trong hiện tại và kiến ​​tạo hòa bình vẫn sẽ sống mãi.

 

https://laodong.vn/tu-lieu/the-gioi-danh-gia-di-san-lon-nhat-cua-thien-su-thich-nhat-hanh-997809.ldo

Theo SONG MINH (LĐO)

Có thể bạn quan tâm