Thời sự - Sự kiện

Thời sự quốc tế

Thế giới Hồi giáo sôi sục vì hành động đốt kinh Koran

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)-Các nhà ngoại giao Iran và UAE cho rằng các vụ đốt kinh Koran ở Thụy Điển và Đan Mạch đã làm tổn thương thế giới Hồi giáo, đồng thời kêu gọi có hành động nghiêm khắc đối với các thủ phạm.
Biểu tình phản đối đốt kinh Koran ở Đan Mạch. Ảnh: AFP/TTXVN

Biểu tình phản đối đốt kinh Koran ở Đan Mạch. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 23/7, Iran và UAE đề nghị triệu tập cuộc họp khẩn cấp ngoại trưởng của Tổ chức hợp tác Hồi giáo ( OIC) để thảo luận vấn đề này, và triển khai ngay các biện pháp nhằm thực thi thỏa thuận song phương.

Trước đó một ngày, nhà lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei nói rằng những người xúc phạm kinh Koran đều phải đối mặt với “sự trừng phạt nghiêm khắc nhất”, và Thụy Điển đã “bước vào cuộc chiến với thế giới Hồi giáo” khi ủng hộ những kẻ xúc phạm kinh Koran.

Biểu tình nổ ra khắp Iran và Iraq trong nhiều ngày qua sau khi Thụy Điển cho phép đốt kinh Koran theo các quy tắc bảo vệ quyền tự do ngôn luận.

Ngày 21/7, đám đông người biểu tình ở Iraq xông vào đốt Đại sứ quán Thụy Điển ở Baghdad, để phản đối việc một người nhập cư Iraq ở Thuỵ Điển được phép đốt cuốn kinh Koran bên ngoài nhà thờ Hồi giáo ở Stockholm tháng trước.

Đáp lại, những người biểu tình ở Thụy Điển ném đá và phá hủy một phần cuốn sách mà họ nói là kinh Koran bên ngoài Đại sứ quán Iraq ở Stockholm hôm 21/7. Các quan chức Thụy Điển lên án hành vi này nhưng cho biết họ không thể ngăn chặn.

Cũng trong ngày 21/7, tại Đan Mạch, một nhóm cực hữu đã đăng video ghi hình người đàn ông đốt một cuốn kinh Koran và có hành vi xúc phạm quốc kỳ Iraq trước Đại sứ quán Iraq ở Copenhagen, gây tức giận cho người Hồi giáo không chỉ ở trong nước.

Với những hành động báng bổ trên, ông Khamenei tuyên bố: "Tất cả các học giả Hồi giáo đều đồng ý rằng những kẻ báng bổ kinh Koran đáng bị trừng phạt nghiêm khắc nhất...". Và nhiệm vụ của Chính phủ Thụy Điển, Đan Mạch là giao thủ phạm cho cơ quan tư pháp của các quốc gia Hồi giáo xem xét, xử lý.

Làn sóng biểu tình lên án hành động đốt kinh Koran trong thế giới Hồi giáo chưa biết khi nào dừng lại. Các quốc gia như Iran, Iraq, UAE, Kuwait ...đã lên án và phản đối mạnh mẽ hành động được cho là "láo xược" đối với Thánh Alah.

Có thể bạn quan tâm