Trạm thông tin

Thế hệ trẻ Gia Lai gìn giữ văn hóa cồng chiêng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Âm thanh đầy mê hoặc của cồng chiêng đã và đang được những thanh thiếu niên người dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh cùng nhau nối tiếp gìn giữ. Ngọn lửa tình yêu với âm nhạc truyền thống đã được truyền vào họ qua những nghệ nhân đầy tâm huyết.

Từ bao đời nay, tiếng cồng chiêng của núi rừng Tây Nguyên đã được các thế hệ trân quý và giữ gìn. Đã có lúc cồng chiêng đứng trước nguy cơ mai một bởi âm nhạc hiện đại có chiều hướng lan rộng trong đời sống hàng ngày. Cùng với đó, một bộ phận người trẻ bị cuốn theo những dòng nhạc mới nổi và dần bỏ quên nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Song ở nhiều buôn làng vẫn có những con người kiên trì tiếp lửa đam mê cồng chiêng cho thanh thiếu niên với mong muốn duy trì và phát triển bản sắc văn hóa của người Jrai.

Anh Kpă Dêl-Bí thư Đoàn xã Đất Bằng (huyện Krông Pa), cũng là người thành lập Câu lạc bộ (CLB) cồng chiêng cho thanh-thiếu niên xã trải lòng: Suốt nhiều năm qua, anh luôn mang nỗi trăn trở khi thấy nhiều bạn trẻ chẳng mấy mặn mà với những nhạc cụ dân tộc.

Anh Kpă Dêl luôn mong muốn thế hệ trẻ giữ gìn và phát huy văn hóa dân tộc. Ảnh: Trân Trân

Anh Kpă Dêl luôn mong muốn thế hệ trẻ giữ gìn và phát huy văn hóa dân tộc.

Ảnh: Trân Trân

Những ngày đầu khi mới thành lập CLB, anh gặp không ít khó khăn vì người trẻ thì không hào hứng tham gia còn người già thì ngần ngại, duy chỉ có gia đình luôn đứng ra động viên và ủng hộ anh. "Đó cũng là niềm động lực to lớn giúp mình càng thêm quyết tâm tạo một môi trường để các em nhỏ trong xã có nơi để tiếp xúc, giao lưu và học hỏi lẫn nhau về cồng chiêng, múa xoang"-anh Del nói.

Anh Dêl cho biết thêm: Nhờ sự kiên trì vận động của anh và biết cách đánh thức niềm đam mê, "lôi kéo" những nghệ nhân già vào cuộc mà CLB cũng dần hình thành. Vượt qua thời điểm khó khăn ban đầu, giờ đây CLB có tổng 36 thanh-thiếu niên trong xã (kể cả những người múa xoang) tham gia tập luyện dưới sự truyền dạy của những nghệ nhân lớn tuổi. Bởi mục tiêu chính của CLB không chỉ phục vụ các chương trình văn hóa, lễ hội tại địa phương mà còn đi biểu diễn, lan tỏa văn hóa của dân tộc tại các chương trình trong và ngoài tỉnh.

“Lần đầu tiên đưa các thành viên trong đội ra ngoài tỉnh là vào tháng 4 năm 2024 trong chuyến đi diễn ở Khu du lịch sinh thái Ako Ea tại Đắk Lắk. Lúc đó, tôi đưa đoàn đi mà vừa mừng vừa lo lắng, nhưng cũng rất tự hào vì các em đã thực hiện được mong muốn bấy lâu của mình. Có lẽ vì thấy được tài năng và triển vọng phát triển của các em, nên khi kết thúc chuyến đi, ông bà chủ khu du lịch sinh thái Ako Ea đã trao tặng 1 bộ cồng chiêng và 20 bộ quần áo truyền thống biểu diễn cho các em nhỏ trong đội. Trong đó, bộ cồng chiêng 33 chiếc có giá trị 50 triệu đồng, quần áo thổ cẩm có giá trị 10 triệu đồng”-anh Dêl phấn khởi.

Câu lạc bộ cồng chiêng thanh-thiếu niên xã Đất Bằng. Ảnh: Trân Trân

Câu lạc bộ cồng chiêng thanh-thiếu niên xã Đất Bằng. Ảnh: Trân Trân

Sự tận tâm, nhiệt huyết của anh Dêl với văn hóa cồng chiêng đã "hâm nóng" tấm lòng có lúc tưởng chừng nguội lạnh của những nghệ nhân già. Bằng sự chân thành của mình anh đã vận động được những người già trong làng đứng ra hỗ trợ, truyền dạy cách đánh chiêng, múa xoang cho các em nhỏ. Ông Rơ Ô Ký (50 tuổi, buôn Ia Rnho, xã Đất Bằng) là một trong những người hỗ trợ nhiệt tình nhất. Khuôn mặt khắc khổ của người đàn ông nơi “chảo lửa” Krông Pa hiện lên sự vui vẻ xen lẫn tự hào khi nhắc đến đội cồng chiêng nhí ở xã.

Ông kể: “Những năm trước đây, thanh-thiếu niên ở làng, xã ít người hứng thú với cồng chiêng nên chúng tôi cũng buồn, lo rằng cồng chiêng sẽ bị mai một. Bây giờ, nhờ có CLB, các cháu trong làng, xã có nơi để học cồng chiêng bài bản, biết yêu quý và giữ gìn bản sắc dân tộc Jrai mình. Nhìn các cháu hăng say tập luyện cồng chiêng, múa xoang, người già ưng cái bụng lắm!”.

Hào hức cho chúng tôi xem những tấm ảnh, video em đi diễn ở nhiều nơi trong và ngoài tỉnh, em Nay Bá Phương Uyên (10 tuổi, buôn Ia Rnho, xã Đất Bằng) chia sẻ: “Em và tất cả các bạn đều rất vui khi được tham gia CLB. Tại đây, chúng em được gặp gỡ nhiều người, đi nhiều nơi, học những điệu xoang mới, khám phá những nét văn hóa của người dân tộc khác trên hành trình lưu diễn. Chúng em cũng được mọi người truyền dạy về ý thức bảo vệ di sản văn hóa cồng chiêng, để hiểu và thêm yêu những bản sắc văn hóa của dân tộc mình”.

Những thành viên nhí trong đội múa xoang của xã Đất Bằng. Ảnh: Trân Trân

Những thành viên nhí trong đội múa xoang của xã Đất Bằng. Ảnh: Trân Trân

Tương tự, tại làng Nú (xã Ia Kly, huyện Chư Prông), CLB cồng chiêng, múa xoang thanh-thiếu niên đã được thành lập và duy trì mỗi ngày. Yêu chiêng, mê thanh âm đặc trưng của núi rừng từ khi còn là đứa trẻ, chàng thanh niên Rơ Lan Ky (26 tuổi) quyết tâm vận động, kêu gọi những nam thanh nữ tú trong làng tập trung và thành lập đội chiêng. Không chỉ làm tốt vai trò dẫn dắt cả nhóm, anh Ky còn đứng ra nhờ sự trợ giúp của những người già trong làng, đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ về cả vật chất lẫn tinh thần từ xã để đội được duy trì lâu dài.

Trong khuôn viên Nhà văn hóa làng Nú, những thanh-thiếu niên cùng nhau say sưa gõ chiêng tạo nên những giai điệu thật đẹp, vừa hào hùng, vừa sâu lắng.

Anh Ky kể, ngày còn nhỏ hay theo chân bố mẹ đến những ngày hội của làng, được nhìn những nghệ nhân đánh chiêng, lòng anh thích thú vô cùng. Có lẽ cũng từ đấy tình yêu cồng chiêng lớn dần trong anh.

Hiện tại, đội cồng chiêng có 27 thành viên, độ tuổi từ 15 đến 27. Dù ai cũng có những công việc riêng nhưng cứ đều đặn một tuần 3 buổi, mọi người đều cố gắng sắp xếp thời gian để cùng nhau luyện tập, tạo nên bản nhạc với những tiết tấu, hòa âm vô cùng phong phú.

Anh Ky tâm sự: “Tôi biết hành trình bảo tồn và phát triển nhạc cụ dân tộc sẽ còn rất nhiều khó khăn. Vậy nên, tôi luôn động viên các thành viên trong đội cố gắng gìn giữ tình yêu nhạc cụ truyền thống. Chỉ mong có thể cùng nhau góp sức, duy trì và tiếp nối mạch văn hóa cồng chiêng từ bao đời nay. Thời gian tới, tôi sẽ kêu gọi và truyền dạy cồng chiêng, múa xoang cho các em nhỏ dưới 15 tuổi. Hy vọng rằng với sự quan tâm, hỗ trợ từ các cấp, ngành, âm thanh cồng chiêng Tây Nguyên mãi tỏa sáng và trường tồn theo thời gian”.

Đều đặn mỗi tuần 3 buổi, thanh thiếu niên làng Nú (xã Ia Kly, huyện Chư Prông) cùng nhau tập luyện đánh chiêng, múa xoang. Ảnh: Trân Trân

Đều đặn mỗi tuần 3 buổi, thanh thiếu niên làng Nú (xã Ia Kly, huyện Chư Prông) cùng nhau tập luyện đánh chiêng, múa xoang. Ảnh: Trân Trân

Em Rơ Mah Nam (18 tuổi, làng Nú) là một trong những thành viên được Anh Rơ Lan Ky đánh giá khá cao bởi khả năng cảm âm, cảm nhịp rất nhạy, khi dạy bài chiêng mới em đều nhớ khá nhanh. Sau gần một năm tham gia CLB, Nam đã thuộc nhiều bài chiêng khác nhau, có thể chỉ dạy lại cho những bạn nhỏ hơn.

Nam chia sẻ: “Cả đội sẽ dành thời gian để tập 3 buổi/tuần. Tại đây, chúng em vừa có cơ hội tiếp xúc với cồng chiêng, vừa có dịp gặp gỡ, trò chuyện với nhau. Nhờ cố gắng tập luyện mỗi ngày, nên hiện tại chúng em đã có thể tự tin biểu diễn những dịp lễ khác nhau tại địa phương”.

Chị Rơ Lan Blach-Bí thư Đoàn xã Ia Kly (huyện Chư Prông) cho biết: Việc các bạn trẻ có ý thức giữ gìn, bảo tồn văn hóa cồng chiêng, múa xoang là rất đáng trân quý. Để tiếp thêm động lực cho cả đội và trong thời gian tới Đoàn xã sẽ có sự hỗ trợ nhất định để động viên, khuyến khích các bạn.

Âm thanh cồng chiêng và những điệu múa xoang uyển chuyển làm xiêu lòng bất kỳ ai khi đã có dịp thưởng thức. Với sự tiếp lửa của các thế hệ đi trước và ý thức tự giác, sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, văn hoá cồng chiêng sẽ mãi mãi trường tồn với thời gian, tạo nên một dấu ấn đặc biệt cho vùng đất Tây Nguyên đại ngàn như bao đời nay vẫn vậy.

Anh Kpă Dêl chia sẻ về quá trình thành lập đội cồng chiêng thanh-thiếu niên xã Đất Bằng.

Thực hiện: Trân Trân

Có thể bạn quan tâm