Văn hóa

Thêm không gian cho cồng chiêng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Dự án phòng trưng bày Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên hoàn thiện và đưa vào sử dụng, ngoài mục tiêu tôn vinh di sản sẽ tạo sức hút đáng kể cho du lịch địa phương.

Hội đồng nhân dân tỉnh vừa ban hành Nghị quyết số 374/NQ-HĐND về điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án phòng trưng bày Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tại Bảo tàng tỉnh với tổng kinh phí 6,7 tỷ đồng. Dự kiến triển khai thực hiện trong năm 2025, dự án có thêm không gian lý tưởng cho cồng chiêng.

Sức sống của di sản chỉ thực sự lan tỏa khi có được sự hiểu biết sâu sắc để trân trọng, chung tay bảo tồn từ cả cộng đồng. Ảnh: Lam Nguyên

Sức sống của di sản chỉ thực sự lan tỏa khi có được sự hiểu biết sâu sắc để trân trọng, chung tay bảo tồn từ cả cộng đồng. Ảnh: Lam Nguyên

Ngày 17-6-2021, tại kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh khóa XI đã thông qua Nghị quyết số 410/NQ-HĐND về chủ trương đầu tư Dự án phòng trưng bày Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tại Bảo tàng tỉnh. Dự án nhằm tôn vinh cũng như bảo tồn các giá trị của di sản này theo Chương trình hành động phục hồi, bảo tồn và phát huy giá trị của kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại, được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch công bố ngày 19-7-2006.

Đây là hành động thiết thực góp phần tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc trong tỉnh giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng; tạo điều kiện thuận lợi để thu hút và phát triển văn hóa, du lịch địa phương.

Cụ thể, dự án có các hạng mục cải tạo, chuyển đổi các phòng chưa sử dụng hết công năng tại tầng 3 của Bảo tàng tỉnh như: kho đồ mộc, dệt, da; phần hành lang và phòng làm việc tại tòa nhà chính của Bảo tàng tỉnh thành không gian riêng trưng bày “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” với diện tích dự kiến 431 m2.

Bên cạnh đó, cải tạo, hoàn thiện một số phòng chức năng khác và hệ thống trang-thiết bị. Tổng mức đầu tư dự kiến là 3,5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh. Dự án này trở thành dự án thành phần của Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Gia Lai giai đoạn 2023-2025”.

Mới đây, Nghị quyết số 374/NQ-HĐND của HĐND tỉnh đã điều chỉnh khoản 2, khoản 4, khoản 5 Điều 1 Nghị quyết số 410/NQ-HĐND của HĐND tỉnh gồm: bổ sung hệ thống phòng cháy chữa cháy tại Bảo tàng tỉnh đảm bảo các quy định của pháp luật; tổng mức đầu tư dự án là 6,7 tỷ đồng.

Sau 18 năm UNESCO công nhận Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại, Gia Lai vẫn thiếu một không gian xứng tầm để tôn vinh di sản. Tại căn phòng nhỏ ở tầng 2 của Bảo tàng tỉnh hiện chỉ có khoảng hơn 100 m2 được dành ra để mô phỏng “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” và trưng bày 2 chủ đề khác thuộc danh mục di sản phi vật thể quốc gia gồm sử thi Bahnar 4 huyện phía Đông tỉnh và lễ cầu mưa của Yang Pơtao Apui.

Do không đủ không gian nên Bảo tàng tỉnh đành trưng bày dàn trải một phần trong số hơn 50 bộ cồng chiêng quý đang lưu giữ. Ngoài bộ chiêng ở tầng 2, đơn vị chỉ giới thiệu thêm được 3 bộ cồng chiêng ở vài khu vực khác. Du khách đến thăm thú miền di sản song lại không có cơ hội tìm hiểu sâu về cồng chiêng của đồng bào Jrai và Bahnar-2 trong số 11 dân tộc được xem là chủ nhân di sản. Trong khi khách phương xa khi đến một vùng đất nào đó thường có nhu cầu tới bảo tàng để tìm hiểu lịch sử-văn hóa địa phương.

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trải dài ở cả 5 tỉnh Tây Nguyên, song UNESCO lại chọn Gia Lai là nơi tổ chức đón bằng công nhận di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Cũng không ngẫu nhiên khi Festival Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trở thành “thương hiệu” của văn hóa-du lịch Gia Lai sau nhiều lần tổ chức thành công.

Sự kiện có tính định kỳ làm nên điểm nhấn đặc sắc riêng có của tỉnh ta, đó là chương trình “Cồng chiêng cuối tuần-Thưởng thức và trải nghiệm” ra mắt từ cuối tháng 4-2022. Vì vậy, khi Dự án phòng trưng bày Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên hoàn thiện và đưa vào sử dụng, ngoài mục tiêu tôn vinh di sản sẽ tạo sức hút đáng kể cho du lịch địa phương.

Tìm hiểu sâu về loại hình, cách thức diễn tấu cho đến chứng kiến nghệ nhân thực hành di sản tại chỗ là trải nghiệm đáng giá dành cho du khách. Một tour chuyên biệt như tour du lịch cồng chiêng là điều cần tính đến. Bởi sức sống của di sản chỉ thực sự lan tỏa khi có được sự hiểu biết sâu sắc để trân trọng, chung tay bảo tồn từ cộng đồng.

Có thể bạn quan tâm