Điểm đến Gia Lai

Thêm một "địa chỉ đỏ" để tri ân và giáo dục truyền thống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đúng dịp kỷ niệm 46 năm Ngày giải phóng tỉnh Gia Lai (17-3), Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã long trọng tổ chức Lễ Khánh thành Bia di tích lịch sử Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh Gia Lai (giai đoạn 1961-1975) tại làng Tăng Lăng (xã Krong, huyện Kbang).

Các đồng chí Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Hồ Văn Điềm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cắt băng khánh thành Bia. Ảnh: Anh Huy
Các đồng chí Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Hồ Văn Điềm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cắt băng khánh thành Bia. Ảnh: Anh Huy

Dự lễ khánh thành có các đồng chí: Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Hồ Văn Điềm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Võ Thanh Hùng-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy; Ayun H’Bút-Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Kpă Thuyên-Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh qua các thời kỳ; đại diện lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố…

Bia di tích lịch sử Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh nằm trong khuôn viên đất bằng phẳng, rộng 3.000 m2. Phía dưới là sông Ba nước chảy êm đềm, cách đó không xa là những ô ruộng bậc thang của người dân quanh vùng đang canh tác. Công trình bia gồm nhiều hạng mục: Bia di tích, hệ thống sân bia, đường nội bộ, hệ thống thoát nước, cây xanh,… với tổng kinh phí đầu tư gần 500 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa. Công trình được thiết kế và xây dựng đảm bảo các yếu tố về thẩm mỹ cũng như tính bền vững, chuyển tải được thông điệp về các giá trị lịch sử.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy trồng cây lưu niệm tại khu vực Bia di tích. Ảnh: Anh Huy
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy trồng cây lưu niệm tại khu vực Bia di tích. Ảnh: Anh Huy


Ông Hồ Văn Điềm-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh-cho biết: Cách đây 60 năm, tại khu vực này, Mặt trận Dân tộc Giải phóng tỉnh được thành lập. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, Mặt trận đã tập hợp khối đại đoàn kết cùng nhân dân các dân tộc trong tỉnh đứng lên giải phóng tỉnh nhà, góp phần thống nhất đất nước. Trong suốt quá trình hoạt động tại khu căn cứ (1961-1975), dù gặp nhiều khó khăn, gian khổ, song Mặt trận đã không ngừng phát triển, các thế hệ cán bộ Mặt trận kiên cường bám trụ, dựa vào dân, gây dựng cơ sở, phát động và tổ chức lãnh đạo nhân dân hưởng ứng tham gia các phong trào đấu tranh cách mạng. Nhiều đồng chí đã anh dũng hy sinh để viết lên bài ca chiến thắng. “Bia di tích có giá trị lịch sử to lớn nhằm tri ân, khắc ghi những công lao của các thế hệ đi trước. Nơi đây luôn là “địa chỉ đỏ”, là niềm tự hào, biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và tinh thần đoàn kết của nhân dân các dân tộc trong tỉnh ; đồng thời là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau học tập, noi theo”-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho hay

Trở lại khu căn cứ cách mạng, bà H’Nghia-nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh-xúc động: “Các thệ hệ cán bộ mặt trận trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước vừa phải tham gia công tác binh vận, sản xuất, tiếp tế, nuôi quân, phục vụ chiến trường và trực tiếp chiến đấu với quân thù. Những cán bộ Mặt trận thời kỳ ấy, nay người còn, người mất. Việc xây dựng Bia di tích này sẽ là địa chỉ để giáo dục truyền thống cho các tầng lớp nhân dân. Tôi tin rằng các thế hệ cán bộ Mặt trận ngày nay sẽ tiếp tục làm tốt hơn nữa để xây dựng tỉnh nhà ngày càng giàu đẹp”.

Dự lễ khánh thành Bia di tích, bà Nguyễn Thị Thu Nhi-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Kbang-bày tỏ: Là cán bộ mặt trận sinh sống và làm việc trên mảnh đất Kbang, tôi cảm thấy rất vinh dự, tự hào. Chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy truyền thống của các thế hệ đi trước, phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trong việc tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân; xây dựng và triển khai có hiệu quả các phong trào, cuộc vận động, trước mắt là tập trung vào công tác tuyên truyền, triển khai các bước của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

 Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn và Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hồ Văn Điềm tặng quà cho các hộ dân. Ảnh: Anh Huy
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn và Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hồ Văn Điềm tặng quà cho các hộ dân. Ảnh: Anh Huy
Dịp này, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tặng bằng khen cho 4 tập thể và 2 cá nhân tiêu biểu trong việc tham gia đóng góp kinh phí để xây dựng công trình. Trao tặng 170 suất quà cho các gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo của làng Tăng Lăng, trao 15 suất học bổng cho các em học sinh nghèo vượt khó tại xã Krong. Ngay sau lễ khánh thành, các đại biểu đã trồng cây lưu niệm ở khu Bia di tích.

Theo ông Hồ Văn Điềm, trong quá trình xây dựng Bia di tích, từ các nguồn vận động khác nhau, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã chia sẻ khó khăn cùng nhân dân làng Tăng Lăng. Cụ thể: trao tặng 1 công trình nước sạch; giúp 3 hộ thoát nghèo bằng việc xây dựng, sửa chữa nhà và hỗ trợ cây giống. Ngoài ra, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cũng vận động doanh nghiệp hỗ trợ làng 1 hệ thống điện chiếu sáng và trao tặng nhiều phần quà thiết thực cho người dân cũng như các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. “Công trình Bia di tích đã hoàn thành, tuy nhiên vẫn còn nhiều hạng mục cần bổ sung, tiếp tục hoàn thiện. Thời gian tới, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh sẽ tiếp tục kêu gọi, vận động và mong muốn nhận được sự hỗ trợ nguồn lực của các cơ quan, tổ chức, cá nhân để tôn tạo, hoàn thiện các hạng mục”-ông Hồ Văn Điềm trao đổi thêm.
 

ANH HUY

Có thể bạn quan tâm