Kinh tế

Doanh nghiệp

Theo bầu Đức đi thu hoạch sầu riêng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sở hữu vườn sầu riêng lớn nhất thế giới với hơn 1.200 hecta nhưng bầu Đức thừa nhận "chưa cầm tiền thì anh cũng không tin đâu", rồi cười sảng khoái thúc giục "lên ăn thử đi".

Bầu Đức (ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai) gọi điện cho tôi hối "thứ sáu lên, sáng thứ bảy họ đến thu hoạch sầu riêng rồi. Em không tưởng tượng nổi đâu, phải đến tận nơi gặp cả người mua để chứng kiến tận mắt". Bầu Đức vẫn thế, có cảm giác sự phấn khích của ông "chuyền" qua không trung nên ở đầu dây bên này, tôi cảm nhận rất rõ. Sở hữu vườn sầu riêng lớn nhất thế giới với hơn 1.200 hecta nhưng bầu Đức thừa nhận "chưa cầm tiền thì anh cũng không tin đâu", rồi cười sảng khoái thúc giục "lên ăn thử đi".

Không lên tận nơi, câu chuyện thành chém gió ngay

Vườn sầu riêng của bầu Đức cách trung tâm thành phố Pleiku (Gia Lai) khoảng 50 km. Theo lịch, 10 giờ sáng bên mua sẽ tới thu hoạch, chúng tôi xuất phát hơi muộn nên bầu Đức liên tục hối lái xe chạy nhanh. Ông đã nói từ lúc gọi điện, ông muốn chúng tôi, những người đầu tiên được ông bật mí về vườn sầu riêng cách đây đúng 1 năm, phải thử trước. "Chứ cắt hết rồi thì ý nghĩa gì nữa". Quan trọng hơn, bầu Đức muốn chúng tôi tận mắt chứng kiến giá trị của vườn sầu riêng. Đây là năm đầu tiên nên sản lượng chưa cao nhưng "cây nào cũng đầy trái, thế mới hay"- bầu Đức xăm xăm đi tới từng gốc sầu riêng, tay vén những cành lá xum xuê chỉ cho chúng tôi xem, cười khoái chí.

Tại thời điểm đó, giá sầu riêng loại 1 ở Gia Lai vào khoảng 130.000 đồng/kg. Hoàng Anh Gia Lai bán xô (cân ký tính tiền chứ không phân loại) 77.000 đồng/kg. Với 21 hecta, tổng chi phí "gom hết từ đầu năm tới tháng 8 này" là 3,6 tỉ đồng, bán được 18 tỉ đồng, bầu Đức muốn chứng minh "tỷ suất lợi nhuận không ngành nào địch nổi của nông nghiệp" mà ông vẫn luôn nhấn mạnh mấy năm gần đây.

Vườn sầu riêng của bầu Đức rộn ràng thu hoạch mùa đầu tiên

Cảm thấy như vậy cũng chưa đủ, bầu Đức còn hẹn bạn ông, người vừa bán 40 hecta sầu riêng thu 120 tỉ đồng, cũng là người "làm mai" bầu Đức với sầu riêng và tư vấn kỹ thuật về trồng, chăm sóc cho ông mấy năm qua để chúng tôi thoải mái hỏi người thật việc thật. "Nếu không lên tận nơi, câu chuyện thành chém gió ngay. Nó phải kết nối từ người mua, người bán, người trồng, thậm chí cả người thu hoạch nữa. Nói một mình không ai tin được đâu" - bầu Đức giải thích.

Quen bầu Đức tới nay cũng hơn 15 năm, thay đổi lớn nhất tôi nhận ra ở ông bầu quốc dân những năm sau này là ông đợi những việc mình làm có kết quả rồi mới nói, không nói trước. Ngay cả vườn sầu riêng quy mô hàng ngàn hecta trải dài từ Gia Lai sang Lào ông cũng giấu kín gần 4 năm trời. Mãi tới năm ngoái, khi cây đã ra trái bói ông mới tiết lộ.

Bầu Đức bảo, ông theo nông nghiệp từ năm 2008, trồng cao su khi giá đang hơn 5.000 USD/tấn. Nhưng đến khi thu hoạch, giá chỉ còn 1.400 USD. Lỗ, nợ nần, thậm chí có lúc tưởng chừng không thể vượt qua. "Đến 2016 tôi bỏ cao su và chuyển sang trồng cây ăn trái. 7 năm qua tôi đã trồng chặt - chặt trồng nhiều loại nên đương nhiên xã hội người ta nhìn mình với đôi mắt thất bại. Nhưng tôi vẫn quyết tâm làm và đến năm ngoái thì tôi khẳng định, không thể thất bại được nữa. Năm 2022 cực khó nhưng tôi vẫn kiếm được hơn 1.100 tỉ lời từ heo, chuối. Năm nay cũng không dở đâu, phải tương đương hoặc hơn chút. Từ năm sau chắc chắn lãi sẽ gấp 3 lần như thế. Quan trọng đến được đoạn này là nó (nông nghiệp) bền vững cực luôn, không nghề nào bền vững bằng đâu. Tại sao thế, vì nền tảng có rồi, chỉ thu hoạch thôi" - bầu Đức tự tin.

Vào đến vườn là bầu Đức nhảy lên cầm lái. Ông xuyên qua các vườn sầu riêng xanh mướt, nhảy xuống vạch từng tán lá, chỉ cho chúng tôi xem quả lúp xúp bên trong rồi tự đoán quả này 5 kg, quả kia 3 kg. "Chưa nói đến tiền, nhìn trái thôi đã sướng rồi đúng không? Đó là lý do suốt ngày anh xách xe chạy trong vườn cây" - bầu Đức nói liên tục, hào hứng, phấn khích còn hơn cả khách. Thỉnh thoảng, ông lại phá lên cười sảng khoái khi có ai nói trúng ý rồi lại tự kết luận "có những câu chuyện khó tin nhưng có thật, đó là câu chuyện sầu riêng".

Nhưng sự phấn khích của bầu Đức là có thể hiểu được. Ngay sau khi Trung Quốc chính thức cấp phép cho sầu riêng Việt Nam nhập khẩu vào nước này cuối năm 2022, giá đã tăng phi mã. Thời điểm tháng 2, giá thậm chí lên tới 200.000 đồng/kg. Năm 2023, VN đặt mục tiêu xuất khẩu sầu riêng đạt 1 tỉ USD nhưng mới 7 tháng, sầu riêng đã mang lại 1,1 tỉ USD, vươn lên dẫn đầu trong bản đồ xuất khẩu rau quả mà thanh long nắm giữ 10 năm nay.

Cơn sốt giá sầu riêng khiến loại trái cây này trở thành chủ đề ở khắp các diễn đàn, từ trên mạng xuống tới vườn. Ở nhiều nơi người dân đổ xô trồng, cò sầu riêng còn nhiều hơn cò đất. Chị Đào, kỹ sư nông nghiệp của Hoàng Anh Gia Lai kể, mấy cò sầu riêng còn gạ chị giới thiệu mua sầu riêng "sẽ gởi tiền cà phê"... Và ngay chính bầu Đức, người tự nhận sở hữu vườn sầu riêng lớn nhất thế giới cũng không thể tin nổi "một vốn 5 lời" của vườn sầu riêng cho đến khi cầm trong tay số tiền người mua trả và lập tức gọi chúng tôi lên trải nghiệm những câu chuyện khó tin nhưng có thật về sầu riêng.

Còn cả tỉ người Trung Quốc chưa ăn sầu riêng, lo gì ế

Năm nay, bầu Đức thu hoạch khoảng 40 hecta, sản lượng đạt 500 tấn. "Vụ đầu tiên nên chỉ hơn 10 tấn/ha, chưa ăn thua. Từ vụ thứ 3 phải 40 tấn/ha, bạn anh trồng hiện nay đã 30 tấn/hecta rồi. Cây này rất khó chịu, nếu trồng không đúng kỹ thuật, không có chuyên môn là không ra trái đâu. Nhưng Hoàng Anh Gia Lai sở hữu cái này. Đó là lý do anh muốn em đến tận nơi. Chứ người không biết, thậm chí ngay cả những người trồng không ra trái, nói họ cũng không tin" - giọng bầu Đức không giấu niềm tự hào.

Ở độ cao hơn 700m, khí hậu mát mẻ, giống sầu riêng Muangthong được thị trường ưa chuộng vì cơm vàng, dày thịt, vị ngọt đậm đà, có mùi thơm vừa phải

Hoàng Anh Gia Lai đang có 1.200 hecta sầu riêng ở Gia Lai và Lào. Bầu Đức dự tính trong 5 năm tới, mỗi năm sẽ trồng thêm 200 hecta để đưa diện tích lên khoảng 2.000 hecta. Nhưng chỉ tính 1.000 hecta sẽ cho thu hoạch trong vòng 2 năm tới, doanh thu từ sầu riêng cũng mang lại cho tập đoàn này hàng ngàn tỉ đồng.

"Mọi người đang ồ ạt trồng sầu riêng, anh có sợ đến lúc lại dư cung, rớt giá không?" - tôi chưa kịp nói hết thì bầu Đức đã gạt phắt đi: Việt Nam chưa có gì là ồ ạt hết, đừng có sợ. Thái Lan trồng sớm hơn mình 30 năm, họ đang chiếm 90% thị trường, mình mới 10% thôi có gì đâu mà phải lo. Anh cũng nói cho em biết luôn, hiện mới chỉ có khoảng 10% người Trung Quốc ăn sầu riêng thôi nhưng tốc độ ăn sầu riêng ở nước này tăng rất nhanh. Giờ tới châu Âu, Mỹ và Ấn Độ cũng bắt đầu ăn nữa thì sầu riêng đâu cung cấp mà lo ế, không cho dân trồng" - bầu Đức nói một hơi.

"Còn sầu riêng rớt giá hay không, cũng khỏi lo" - không đợi tôi hỏi tiếp, bầu Đức tiếp luôn. Trồng sầu riêng đã 5 năm, ông nghiên cứu thị trường này rất kỹ. "Hai năm covid-19, Việt Nam không xuất khẩu được thì giá sầu riêng vẫn 60.000 đồng/kg. Giờ Trung Quốc chính thức mở cửa, xuất được rồi, giá tăng là đương nhiên. Mà Trung Quốc vẫn còn 1,3 tỉ người chưa ăn sầu riêng vì giá quá đắt. Nếu sầu riêng xuống 50.000 đồng/kg thì số người ăn sẽ tăng nhiều lần. Giá sầu riêng 50.000 đồng/kg vẫn siêu lợi nhuận, thậm chí 20.000 đồng/kg vẫn lãi" - bầu Đức tự tin.

Lăn lộn với thị trường Trung Quốc nhiều năm nay, trở thành nhà buôn chuối có tiếng nói ở thị trường 1,5 tỉ dân, bầu Đức tự tin khẳng định: "Cái gì Trung Quốc đã ăn, chỉ sợ không có bán". Dẫn chứng chuối, sản phẩm xuất khẩu chủ lực của HAGL với 7.000 hecta đang thu hoạch xuất qua 3 thị trường gồm Nhật, Hàn và Trung Quốc "chưa bao giờ có khái niệm tồn kho, có bao nhiêu họ mua bấy nhiêu, trồng không đủ bán". Bầu Đức cho biết, tập đoàn đang chuyển từ bán sỉ cho nhà nhập khẩu sang bán lẻ thẳng vào hệ thống siêu thị của nước này. "Bữa nào em theo anh qua Trung Quốc để thấy, chuối Pleiku của Hoàng Anh Gia Lai ngập tràn trong các siêu thị" - bầu Đức bảo tôi. Ông vẫn thế, cứ phải người thật việc thật.

Bầu Đức chăm chú xem thành quả mùa đầu tiên của vườn sầu riêng khi bên mua chính thức thu hoạch

Khẳng định sức "ăn hàng" của thị trường Trung Quốc là khổng lồ, ở thời điểm hiện tại, nước này đang hạn chế trồng cây ăn trái, tập trung quỹ đất để trồng các loại ngũ cốc nên hầu hết trái cây Việt Nam và các nước trong khu vực xuất khẩu qua đây đều hưởng lợi về giá. Tuy nhiên, theo bầu Đức, nếu không kiểm soát chất lượng, đáp ứng các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, mã vùng trồng thì rủi ro rất lớn. Với sầu riêng, bầu Đức cũng đang hướng theo con đường mà chuối của tập đoàn này đã đi. Chuyển từ bán sỉ sang bán lẻ vào hệ thống siêu thị của Trung Quốc để ổn định giá cả, chất lượng và định danh thương hiệu.

"Trước đây Hoàng Anh Gia Lai bán sỉ theo container qua đối tác nhập khẩu. Cứ thứ ba hằng tuần, các nhà buôn chuối lớn vào Trung Quốc sẽ chào giá. Tuy nhiên, giá nhập khẩu biến động liên tục. Ví dụ, hôm nay 'ông' Philippines chào giá này thì mình cũng phải 'nhìn' họ để phát giá. Đầu năm vừa rồi anh qua Nhật, thấy chuối của Hoàng Anh Gia Lai bán đầy siêu thị. Đóng gói 4 - 5 trái, thậm chí 1 trái. Anh cầm những mẫu đó về yêu cầu làm như vậy với thị trường Trung Quốc nhưng họ nói không làm được vì bán vào siêu thị phải số lượng ổn định. Mà lượng ổn định ở hệ thống siêu thị Trung Quốc là quá lớn, không ai dám ký. Việc đóng gói vài trái thay vì cả nải ở Trung Quốc cũng không ai làm. Anh bảo tôi làm ở Nhật rồi, cứ làm thử, ai ngờ thị trường chấp nhận luôn. Về lâu dài, anh sẽ bán vào siêu thị hết luôn" - bầu Đức kể và lái xe chở chúng tôi sang khu đóng gói chuối xuất qua Trung Quốc theo quy cách mới.

Không chỉ sầu riêng, ông muốn giới thiệu với chúng tôi một mô hình "chỉ có ở Hoàng Anh Gia Lai"... Bầu Đức vẫn thế, luôn khiến người khác bất ngờ với những kế hoạch táo bạo của mình, trong bất cứ hoàn cảnh nào...

(Còn tiếp)

Có thể bạn quan tâm