Kinh tế

Thí điểm giao khoán bảo vệ rừng: Bất cập và lúng túng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Quyết định 304/2005/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm giao rừng, khoán bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Gia Lai được triển khai từ năm 2007. Tuy nhiên, đến nay việc triển khai quyết định trên vẫn không đạt kế hoạch đề ra.
Theo Quyết định 304, diện tích giao khoán bảo vệ rừng ở Gia Lai là 101.896 ha, trong đó diện tích giao rừng 56.377 ha, khoán bảo vệ 45.519 ha; 4.113 hộ nhận khoán. Tổng kinh phí được duyệt hơn 57,339 tỷ đồng.
Rừng được giao khoán cho dân bảo vệ. Ảnh: Đức Thanh
Đến nay, 3 huyện Chư Sê, Chư Prông, Phú Thiện thực hiện giao cho 194 hộ, 999 khẩu với tổng diện tích là 5.484 ha, tổng kinh phí hơn 1,423 tỷ đồng; 2 huyện Đak Đoa và Chư Pưh thực hiện giao cho 58 hộ, 282 khẩu với diện tích 1.632,5 ha, tổng kinh phí 554,1 triệu đồng. Riêng huyện Chư Pưh năm 2009 chỉ thực hiện hỗ trợ gạo 6 tháng từ nguồn phân bổ năm 2008 là 9.300 kg.
Tổng kết trên toàn tỉnh giao được 44.915,4 ha, chỉ đạt 44,08% kế hoạch; trong đó diện tích giao 4.392,5ha, đạt 7,97%, diện tích khoán đạt 40.522,9 ha, đạt 89,02%. Tổng số hộ nhận rừng trên toàn tỉnh 1.746 hộ, trong đó số hộ nhận giao là 185 hộ, số hộ nhận khoán 1.561 hộ, đạt 42,45% kế hoạch. Về kinh phí, tổng vốn đã bố trí 10,725 tỷ đồng, chỉ đạt 18,7% kế hoạch. Cụ thể kinh phí sử dụng qua các năm: 2007 là 1,615 tỷ đồng; 2008 là 4,439 tỷ đồng; 2009 là 3,608 tỷ đồng.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết có nhiều nguyên nhân khiến việc triển khai Quyết định 304 không đạt kế hoạch. Trước tiên, kinh phí tổ chức thực hiện Quyết định 304 xác định là ngân sách Trung ương cấp, nhưng khi triển khai thực hiện lại yêu cầu tỉnh xuất từ ngân sách địa phương. Trong khi đó, nguồn vốn của địa phương hạn chế, không thể chủ động triển khai mà phải chờ nguồn hỗ trợ từ Trung ương dẫn đến chậm trễ. Bên cạnh đó, nhận thức của các cấp, các ngành về giao rừng, khoán bảo vệ rừng có nhiều điểm chưa thống nhất, nên khi triển khai còn nhiều lúng túng. Mặt khác, về cơ chế chính sách còn một số vướng mắc, các cơ quan tham mưu ban hành chính sách chưa lường hết khó khăn, chưa khảo sát kỹ thực tiễn, khi đưa ra phương án, mục tiêu khó thực hiện được, trong khi đó Quyết định của Chính phủ chỉ quy định triển khai thí điểm trong thời gian ngắn. Rừng khoán cho dân chủ yếu là rừng nghèo, đồi đá, nên hiện tại và tương lai sẽ không có thu nhập gì từ rừng, rừng giao khoán lại xa khu dân cư cho nên chưa kích thích được người dân tích cực tham gia vào công tác nhận rừng.
Theo quy định các chủ rừng phối hợp với UBND cấp xã xây dựng phương án phân chia hưởng lợi sản phẩm từ rừng cụ thể cho hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng trình UBND cấp huyện phê duyệt. Qua giám sát của Hội đồng Nhân dân tỉnh, chưa có địa phương nào thực hiện quy định này. Đối với các hộ nhận khoán bảo vệ, nguồn thu của họ chỉ 50.000 đồng (nay là 100.000 đồng) và hỗ trợ gạo nếu là hộ đói, trong khi đó vẫn còn tình trạng chia đều gạo cho các hộ nhận khoán; việc lồng ghép với các chương trình chưa có hiệu quả, nhất là lồng ghép với Chương trình 134, 135 giai đoạn II; hệ thống cán bộ kiểm lâm cấp huyện còn mỏng, các hộ nhận khoán chưa được tập huấn; công tác phê duyệt kinh phí thanh-quyết toán các năm còn chậm, tiền công nhận khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ gạo không kịp thời...
Để Quyết định 304 của Chính phủ đi vào cuộc sống, rất mong các ngành liên quan và chính quyền các địa phương giải quyết dứt điểm những bất cập nêu trên.
Hương Trà

Có thể bạn quan tâm