Kinh tế

Tài chính

Thị trường cuối năm: Chưa có biến động mạnh về giá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- So với nhiều năm trước đây, giá cả cuối năm nay tương đối bình ổn, chỉ một số ít mặt hàng có dao động nhỏ. Đây được xem là tín hiệu tốt cho người tiêu dùng, tuy nhiên với thị trường thì chưa hẳn tín hiệu vui, bởi sự ổn định giá thể hiện sức mua yếu, thị trường kém sôi động.

 Nguyên liệu đầu vào sản xuất bánh, mứt Tết hiện vẫn giữ giá ổn định. Ảnh: Lê Lan
Nguyên liệu đầu vào sản xuất bánh, mứt Tết hiện vẫn giữ giá ổn định. Ảnh: Lê Lan

Theo khảo sát của Sở Công thương tỉnh ta về giá cả thị trường trên địa bàn ngày 11-11-2015 đối với 6 nhóm hàng là: vàng, ngoại tệ; nhiên liệu; phân bón; nông sản; thực phẩm công nghệ; thực phẩm tươi sống thì chỉ có 5/38 mặt hàng được khảo sát có sự biến động tăng, giảm so với ngày 4-11-2015 gồm: vàng, đô la mỹ, gas, tiêu hạt, cà phê. Đô la Mỹ tăng với tỷ lệ 0,27% (từ 22.380 đồng/USD lên 22.440 đồng/USD); tiêu hạt tăng từ 183.000 đồng/kg lên 185.000 đồng/kg (tăng 1,09%). Còn những mặt hàng giảm là vàng (giảm 1,58%) gas Petrolnal (giảm 1,82%) và cà phê nhân (giảm 1,12%) từ 35.800 đồng/kg còn 35.400 đồng/kg.

Đáng nói là phần lớn những mặt hàng được khảo sát gần như không có sự biến động về giá, nhất là nhóm hàng tiêu dùng tương đối ổn định. Đây là tín hiệu vui cho người tiêu dùng. Bởi hầu như các mặt hàng thuộc nhóm hàng thực phẩm công nghệ, thực phẩm tươi sống chỉ số biến động tăng, giảm về giá gần như không có. Chẳng hạn, giá gạo tẻ bình thường hiện ở mức 11.000 đồng/kg; gạo nếp loại 1: 26.000 đồng/kg; dầu ăn: 42.000 đồng/lít. Các loại thịt như: heo, bò, gà cũng không có sự biến động như: thịt heo đùi: 100.000 đồng/kg; thịt bò loại 1: 270.000 đồng/kg… Tương tự, các loại rau, củ, trái cây cũng giữ giá bán khá ổn định, một vài loại trái cây dao động theo mùa như cam đang vào mùa nên có giá khá mềm từ 20.000 đồng đến 30.000 đồng/kg tùy loại; xoài cát: 35.000 đồng/kg…

Có thể nói việc thực hiện các chính sách nhằm kiềm chế lạm phát trong thời gian qua đã đạt được hiệu quả nhất định, giá cả đối với một số mặt hàng và dịch vụ quan trọng, thiết yếu được kiểm soát mang lại niềm vui cho người tiêu dùng, tạo sự an tâm của các nhà đầu tư trong sản xuất, kinh doanh... Thế nhưng, sự bình ổn về giá cả và sự ổn định của chỉ số tiêu dùng chưa hẳn là tốt vì dễ dẫn đến sự mất cân đối cung cầu và thiên về khả năng thiếu cung. “Vào thời điểm này các năm trước, giá cả một số mặt hàng nguyên liệu đầu vào làm bánh, mứt như: đường, trứng, hạt dưa… đã nhích dần lên. Tuy nhiên, qua tham khảo thị trường hiện nay, giá cả các mặt hàng này vẫn chưa thấy động tĩnh gì chứng tỏ thị trường đang kém sôi động, sức mua yếu, các doanh nghiệp, nhà sản xuất chưa mạnh dạn sản xuất các mặt hàng cung ứng dịp Tết. Trong khi theo phong tục tập quán thì người Việt thường mua sắm mạnh vào dịp cuối năm và Tết. Vì vậy, khả năng thiếu cung ở một số mặt hàng có thể xảy ra và nguy cơ một số mặt hàng cũng sẽ bị đẩy giá tăng đột biến vào những thời điểm giáp Tết”-một chuyên gia nghiên cứu thị trường cho hay.

Co.op mart Pleiku là một trong những siêu thị lớn, có nguồn cung dồi dào trên địa bàn, ông Bùi Quốc Bình-Phó Giám đốc Siêu thị cho biết: Đến thời điểm này, giá cả các mặt hàng tại siêu thị vẫn bình ổn. Hiện đơn vị đã có kế hoạch nhập hàng Tết như bánh mứt, rượu, bia, quần áo… nhằm đảm bảo nguồn cung cũng như giữ mức giá ổn định phục vụ khách hàng. Riêng một số mặt hàng có khả năng gây “sốt” như bia, đơn vị đang đàm phán với nhà cung cấp đảm bảo kế hoạch dự trữ, đồng thời đưa ra chính sách bán hàng phù hợp tránh trường hợp khách hàng mua hàng về đầu cơ…”.

Còn theo ông Nguyễn Viết Hùng-Giám đốc Chi nhánh Bia Sài Gòn tại Gia Lai thì thời điểm này cách đây vài năm thị trường đã “hút hàng” mạnh. Tuy nhiên, năm nay thị trường vẫn khá ổn định do nguồn cung từ Công ty đáp ứng đầy đủ, chưa có nhà phân phối tăng số lượng đơn đặt hàng.

Lê Lan

Có thể bạn quan tâm