Kinh tế

Điều chỉnh tỷ giá tác động tới thị trường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Việc điều chỉnh tăng tỷ giá đã làm cho giá USD trên thị trường đang có biến động. Giới kinh doanh ngoại tệ cho biết hiện chưa thấy hiện tượng thu gom ngoại tệ, mặc dù giá đã tăng mạnh trong mấy ngày qua…

.

Hiện tại, giá USD được niêm yết ở các ngân hàng dao động trong khoảng 22.035 đồng-22.105 đồng/USD (mua vào-bán ra), còn tại chợ đen giá cao hơn khoảng vài trăm đồng mỗi USD. Mức giá này thiết lập sau quyết định nới biên độ tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trước đó đối phó với sự phá giá của đồng nhân dân tệ Trung Quốc.
 

Ảnh: Quang Minh
Ảnh: Quang Minh

Tỷ giá biến động chiều hướng tăng, đồng tiền nội tệ bị mất giá, song lựa chọn mua USD cất trữ rất ít diễn ra. Theo các điểm làm đại lý thu đổi ngoại tệ, số lượng người mua USD có tăng so với trước khi điều chỉnh tỷ giá, nhưng vẫn còn kiểm soát được, chưa xảy ra căng thẳng trên thị trường này. Điều này cũng dễ hiểu vì tâm lý người dân lâu nay vẫn yên tâm với việc cất trữ vàng, gửi tiết kiệm tiền đồng hơn là nắm giữ USD. Diễn biến này càng rõ nét khi cùng lúc vàng có mức tăng giá mạnh. Tuy nhiên, quy định phải khai báo mục đích sử dụng ngoại tệ, do đó những người có nhu cầu, chủ yếu là nhu cầu tiêu dùng, với một lượng không lớn chừng 1.000 USD trở lại, thường đến các địa chỉ chợ đen mua cho tiện, tránh phiền hà thủ tục. Chính vì vậy, hoạt động lĩnh vực này ngoài thị trường chui khó kiểm soát. Với các doanh nghiệp tham gia vay ngoại tệ phục vụ cho hoạt động của mình là những đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất khi đến thời điểm trả nợ vay. Điều này được dự lường tình trạng găm hàng, gây khan hiếm nguồn cung USD trên thị trường ngoại tệ, nhất là thời điểm cuối năm.
 

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh Gia Lai, hiện tiền gửi bằng ngoại tệ quy đổi ra VND là 501 tỷ đồng (tăng 34% so cùng kỳ năm trước và tăng 17,3% so cuối năm 2014).

Cùng với USD, vàng cũng đã có những đợt điều chỉnh đáng kể theo chiều hướng tăng. Ngày 16-8, vàng SJC được niêm yết mức 34,28 triệu đồng/lượng. Với vàng, lượng giao dịch ở các điểm kinh doanh tăng lên khá nhiều, cả mua vào và bán ra với mức tăng ước chừng khoảng 20%. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm mua bán vàng, nhiều cửa hàng cho biết ở thời điểm vàng tăng gần chạm mốc 35 triệu đồng, số lượng người đến giao dịch cũng không tăng đột biến như thời gian trước đây. Một mặt, những người có nhu cầu thực sự mua để cất trữ, sử dụng lại chỉ mua số lượng nhỏ, số còn lại cũng khá bình tĩnh trước cơn biến động, không còn tâm lý đám đông.

Việc tăng tỷ giá đã tác động đến các doanh nghiệp có tham gia hoạt động xuất nhập khẩu. Doanh nghiệp xuất khẩu sẽ được lợi, tuy nhiên, doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc sẽ gặp khó khăn hơn, nhất là mặt hàng cao su vốn phụ thuộc vào nước này nhiều. Điều này sẽ ảnh hưởng mạnh đến sản xuất, kinh doanh mặt hàng cao su trên địa bàn. Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu sản xuất, máy móc, thiết bị sẽ gặp khó khăn, bởi khi tỷ giá tăng, giá hàng nhập khẩu sẽ tăng, kéo theo hàng hóa trong nước tăng, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng.

Đến cuối tháng 7-2015, giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh là 210 triệu USD (đạt 47,7% kế hoạch, giảm gần 51% so cùng kỳ năm 2014). Tuy nhiên, nguyên nhân chính khiến tình hình xuất khẩu sụt giảm là do giá cả nhiều mặt hàng nông sản giảm, nguồn hàng khan hiếm.

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh Gia Lai, hiện tiền gửi bằng ngoại tệ quy đổi ra VND là 501 tỷ đồng (tăng 34% so cùng kỳ năm trước và tăng 17,3% so cuối năm 2014). Số này chỉ chiếm 2%/tổng nguồn vốn huy động. Trong khi đó, dư nợ cho vay bằng ngoại tệ quy đổi ra VND là 3.289 tỷ đồng (tăng hơn 29% so cùng kỳ năm trước và tăng 19% so cuối năm 2014), chiếm 6,8% tổng dư nợ.

Thảo Nguyên

Có thể bạn quan tâm