Sức mua kém buộc các hãng xe và đại lý phải đưa ra nhiều chương trình ưu đãi để kích cầu.
Báo cáo mới nhất từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cho thấy sức tiêu thụ ôtô trong nước tháng 1-2021 đạt 26.432 chiếc, giảm đến 45% so với tháng 12-2020. Tháng 2-2021 dù chưa có số liệu chính thức nhưng giới kinh doanh xe cho biết tình hình còn ảm đạm hơn do người dân nghỉ Tết và dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.
Không dám nhập xe
Theo ghi nhận tại TP HCM, từ mùng 6 Tết (17-2), hầu hết các showroom, đại lý, salon ôtô đã mở cửa hoạt động nhưng từ đó đến nay gần như không mua bán gì vì vắng khách. Ông Phí Thanh Cường, chủ salon ôtô ở quận 5, cho hay từ khi khai trương sau Tết đến nay, cửa hàng chưa đón khách hàng nào. Song, ông vẫn phải mở cửa để khách hàng, đối tác thấy cửa hàng vẫn hoạt động.
Trước tình trạng ế ẩm như hiện nay, những tháng đầu năm, nhiều đại lý ôtô chính hãng không dám nhập thêm xe về mà chỉ tập trung bán hàng tồn vì lo ngại ôm hàng. Bởi lẽ, muốn nhập xe, đại lý phải vay ngân hàng để thanh toán 100% cho các hãng mới được xuất kho. Nếu bán xe không được hoặc bán chậm, họ phải chịu áp lực trả lãi ngân hàng, chi phí nhân viên, chưa kể còn bị hãng cắt ưu đãi và những hỗ trợ khác. Vì vậy, đại lý chấp nhận không chạy theo doanh số để đạt được các mức thưởng mà hãng quy định.
Nhiều đại lý, showroom ôtô ở TP HCM vắng khách từ sau Tết nguyên đán đến nay |
Theo ông Lâm Thanh Tuấn, phụ trách điều hành đại lý ôtô tại TP Thủ Đức, mức chiết khấu từ hãng áp cho đại lý dao động 3%-7%, tùy mẫu xe. Tuy nhiên, mức chiết khấu này không đủ bù đắp chi phí cho đại lý khi phải chạy chương trình liên tục mới bán được hàng vì tính cạnh tranh trên thị trường ôtô hiện rất cao. Các hãng cũng biết điều này nên đưa ra nhiều chính sách thưởng theo doanh số, thưởng theo bậc thang nhưng hiếm có đại lý nào đạt được. Trong khi đó, nếu bán không đạt chỉ tiêu, đại lý sẽ bị hãng cắt giảm các hỗ trợ, ưu đãi, thậm chí xem xét cho đơn vị khác mở đại lý cùng khu vực.
Ông Phạm Ngọc Thân, Tổng Giám đốc Công ty CP Bến Thành Ôtô, thừa nhận kinh doanh xe hiện nay cạnh tranh rất khốc liệt, không còn lợi nhuận cao như trước. Bán được một chiếc xe lời được 5-7 triệu đồng là mừng, hầu hết phải chấp nhận bán lỗ để được thưởng doanh số từ hãng, khoảng 4-7 triệu đồng/chiếc. "Lợi nhuận được hãng xe đưa ra khoảng 5% trên giá bán, trong khi nhiều chi phí khác như lương nhân viên chiếm 1%, lãi vay ngân hàng 0,5%-1%, chưa kể chi phí marketing, tặng quà... Sở dĩ các đại lý vẫn tồn tại là nhờ vào dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa" - ông Thân tiết lộ.
Tiếp tục ưu đãi, giảm giá
Ông Đặng Tiền Phương, Giám đốc Điều hành và Marketing hãng xe MG, cho biết từ nay đến giữa năm là những tháng thấp điểm, sức mua xuống thấp. Muốn bán được xe, các hãng và đại lý không còn cách nào khác là phải tung ra nhiều chính sách ưu đãi, giảm giá, tặng quà... mới mong kích thích được nhu cầu của người tiêu dùng. Theo đó, một số hãng chủ động khôi phục chính sách giảm 50% phí trước bạ hoặc tặng luôn 100% phí cho khách mua xe, chứ không trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước như năm ngoái.
Nhiều hãng, đại lý ôtô khác đang có chính sách bán hàng giảm giá, tặng gói phụ kiện lên đến hàng chục triệu đồng. Điển hình như Toyota hay Ford, hồi trước Tết cắt gần hết các chính sách ưu đãi, thậm chí còn yêu cầu khách phải mua thêm gói phụ kiện đối với một số mẫu xe "hot" nhưng nay, khách mua xe vừa được tặng kèm phụ kiện vừa được giảm giá từ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng. Ford còn giảm tới 400 triệu đồng mẫu Explorer nhập khẩu. Các hãng Hyundai, Mitsubishi, Mazda cũng đang giảm giá bằng tiền mặt 20-70 triệu đồng cho khách mua xe.
Các hãng xe sang cũng tung chương trình ưu đãi để kích thích khách nhà giàu. Chẳng hạn, Mercedes tặng 50% phí trước bạ, tặng gói phụ kiện, tiền mặt cho khách mua các dòng xe C-class, E-class, S-class. Land Rover giảm giá 10% cho tất cả mẫu xe của hãng, Volkswagen giảm hơn 100 triệu đồng, BMW tặng bảo hiểm vật chất...
Trong khi đó, hãng xe nội VinFast giảm giá 200 triệu đồng cho khách mua Lux SA 2.0 và Lux A2.0, đồng thời tặng 100% phí trước bạ khi làm thủ tục.
Theo ông Phạm Văn Dũng, Tổng Giám đốc Ford Việt Nam, dịch Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng đến các nhà cung cấp linh kiện trên thế giới nên một số dòng xe có phần thiếu hụt. Tuy nhiên, sức mua sau Tết giảm sâu nên không ảnh hưởng nhiều đến thị trường. Ông Đỗ Nguyễn Vương, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ôtô Volkswagen Việt Nam, cho rằng tháng 2 là tháng thấp điểm nhất trong năm vì nhiều lý do: Trước Tết nhiều người đã mua sắm ôtô, dịch bệnh cũng khiến người dân thắt chặt chi tiêu. Ngoài ra, vào tháng giêng, nhiều người kiêng kỵ mua sắm, nhất là những món hàng đắt tiền. |
Bài và ảnh: Nguyễn Hải
(Dẫn nguồn NLĐO)