Xã hội

Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Ngày 12-10, Tiểu ban Truyền thông-Ban Chỉ đạo quốc gia phòng-chống dịch Covid-19 ban hành Kế hoạch số 23/KH-TBTT về truyền thông chống dịch Covid-19 giai đoạn “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19”.

Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII thống nhất: Từ bài học kinh nghiệm trong nước và quốc tế đúc rút được thời gian qua, cần phải đổi mới tư duy, nhận thức đúng đắn hơn về phòng-chống, kiểm soát dịch bệnh gắn với duy trì, phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh để xây dựng các phương án, kịch bản phù hợp. Để triển khai các chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng-chống dịch Covid-19, trọng tâm là đổi mới tư duy và biện pháp phòng-chống dịch phù hợp với tình hình, Tiểu ban Truyền thông ban hành Kế hoạch truyền thông chống dịch Covid-19 giai đoạn “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19”.

Kế hoạch xác định các nội dung các cơ quan báo chí, truyền thông cần thống nhất nhận thức và tập trung tuyên truyền để làm sâu sắc hơn trong tình hình mới. Theo đó, một số kết quả đạt được qua đợt dịch lần thứ 4: Các tâm dịch đã dần được kiểm soát, nhất là TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Số ca bệnh nặng, ca tử vong đều giảm sâu. Năng lực y tế tăng, tỷ lệ trang-thiết bị phòng-chống dịch Covid-19 đang trong sử dụng giảm; các tỉnh kiểm soát được dịch thì vẫn có tăng trưởng tốt, các dự án lớn vẫn được khởi công. Từ nay đến cuối năm 2021, Việt Nam sẽ có 110 triệu liều vắc xin. Việc tiêm chủng đạt tỷ lệ cao trong tháng 10, 11 sẽ thay đổi cục diện phòng-chống dịch, thực sự chuyển từ thế phòng ngự sang tấn công, sang thích ứng an toàn. Từ nay đến cuối năm 2021, các tỉnh có dịch chuyển sang thích ứng an toàn. Từ năm 2022, chuyển trạng thái bình thường mới, chung sống an toàn, vừa phòng-chống dịch vừa phát triển kinh tế-xã hội. Có kế hoạch khôi phục an toàn các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề như dịch vụ, du lịch, hàng không.

Lực lượng chức năng phường Hoa Lư (TP. Pleiku) tổ chức tuyên truyền lưu động cho người dân nắm và chấp hành nghiêm một số nội dung theo Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: Quang Tấn
Lực lượng chức năng phường Hoa Lư (TP. Pleiku) tổ chức tuyên truyền lưu động cho người dân thực hiện các biện pháp phòng-chống dịch. Ảnh: Quang Tấn



Mục đích cuối cùng của công tác phòng-chống dịch là đưa cuộc sống trở lại bình thường, trong đó giải pháp y tế là quan trọng, giải pháp hành chính phải đảm bảo đúng luật và gây ảnh hưởng nhỏ nhất có thể đến đời sống, quyền và quyền lợi của các đối tượng chịu tác động.

Thống nhất diễn đạt và ban hành các Bộ tiêu chí, quy trình an toàn khác nhau cho cá nhân, cơ sở sản xuất, trường học, cơ sở sản xuất kinh doanh, phương tiện giao thông công cộng... đảm bảo nguyên tắc “Cứ an toàn thì được sinh hoạt bình thường, thì được mở cửa trở lại”. Cần nghiêm túc đánh giá và xác định lại vai trò và vị trí của cơ quan “đầu tàu” trong giai đoạn tới, khi phòng-chống dịch phải đảm bảo không ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và an sinh xã hội. Giờ đây khi vắc xin đã chuẩn bị có đầy đủ để tiêm cho dân, thì kinh tế cần lấy lại vai trò đầu tàu dẫn dắt các quyết định để mở cửa lại xã hội, y tế lúc này cần làm đúng chức năng phòng-chống dịch trong bối cảnh xã hội phải trở lại hoạt động bình thường.

Cần có thông điệp cảm ơn và tôn vinh đóng góp, hy sinh của các doanh nghiệp, doanh nhân, đồng thời có chủ trương, chính sách để giúp đỡ, bảo vệ doanh nghiệp, những “pháo đài” trong công cuộc khôi phục, mở cửa nền kinh tế trong thời gian sắp tới.

Bên cạnh việc thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo, định hướng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng-chống dịch Covid-19 và các Kế hoạch của Tiểu ban Truyền thông cũng yêu cầu các cơ quan báo chí, truyền thông và công nghệ cần thực hiện tốt những nội dung và yêu cầu sau:

Các cơ quan báo chí, truyền thông thông tin có phân tích, lý giải kỹ về các hướng dẫn “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Tăng cường bài, chương trình truyền thông phân tích sâu cái được, cái chưa được, cái còn chưa rõ, có đánh giá, có nhận định... để ủng hộ các chính sách, biện pháp kiểm soát hiệu quả dịch bệnh nhưng cũng chỉ rõ, phê phán những biện pháp, cách làm chưa phù hợp, cứng nhắc, cực đoan ở cục bộ một số nơi.

Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân để thích ứng trong tình hình mới thông qua các biện pháp dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện, nâng cao trách nhiệm, nghĩa vụ của bản thân đối với gia đình, cộng đồng trong phòng-chống dịch bệnh; thực hiện nghiêm 5K, không lơ là, chủ quan, tự giác, tích cực cùng cộng đồng và xã hội kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh tại nơi sinh sống. Kịp thời tuyên truyền các mô hình hay của địa phương, doanh nghiệp trong việc tổ chức hoạt động phục hồi sản xuất kết hợp bảo đảm an toàn phòng-chống dịch nhằm lan tỏa tinh thần lạc quan trong phòng-chống dịch, giúp công nhân, người lao động tin tưởng, yên tâm, quay trở lại gắn bó với sản xuất, với doanh nghiệp. Tăng cường phản ánh các hoạt động đối thoại, tiếp nhận ý kiến, trao đổi với các nhà đầu tư nước ngoài lớn, hiệp hội các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Các cơ quan báo chí cần chuyển trọng tâm thông tin về các vấn đề trong phòng-chống dịch gắn với phục hồi kinh tế-xã hội theo nhiều góc nhìn tích cực, truyền cảm hứng cho xã hội. Nghiêm túc định hướng, tổ chức thông tin phòng-chống dịch theo hướng tăng tin, bài phân tích, bình luận, ý kiến chuyên gia chuyên sâu.

Đối với hệ thống thông tin cơ sở, thực hiện tuyên truyền hướng dẫn tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” sau khi các văn bản hướng dẫn được ban hành; đặc biệt chú trọng các hướng dẫn thực hiện các biện pháp thích ứng an toàn đối với người dân. Tiếp tục thông tin cụ thể về tình hình kiểm soát dịch trên địa bàn xã, phường, thị trấn trong tình hình mới; thông tin về kế hoạch hỗ trợ người dân để bảo đảm nhu cầu khám-chữa bệnh (Covid-19 và các bệnh khác…), nhu cầu an sinh (ăn, uống, sinh hoạt 7 thiết yếu khác như văn hóa, thể thao…), các hoạt động hỗ trợ, thiện nguyện giúp đỡ những người, gia đình có hoàn cảnh khó khăn; các tấm gương tự lực, tự cường chiến thắng hoàn cảnh khó khăn, chiến thắng dịch bệnh.

Theo dõi và chỉ đạo báo chí đối ngoại tập trung tuyên truyền các chủ trương, giải pháp phòng-chống dịch Covid-19 của Chính phủ một cách nhanh nhất, chính xác và kịp thời; cung cấp thông tin đầy đủ để doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam có thể chủ động lên kế hoạch mở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh, yên tâm gắn bó lâu dài với Việt Nam. Tiếp tục tăng cường thông tin về diễn biến tích cực trong công tác phòng-chống dịch của Việt Nam gần đây như: nhiều địa phương mở cửa, phục hồi sản xuất, kinh doanh và kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, tỷ lệ tiêm vắc xin tăng cao… tạo sự yên tâm, tin tưởng của người dân trong và ngoài nước, người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài, bạn bè quốc tế.

Nghiên cứu thay đổi cách thức và thông điệp gửi đến các thuê bao phù hợp với tình hình kiểm soát dịch bệnh và khôi phục các hoạt động kinh tế, dân sinh tại các địa phương. Tổ chức tốt hoạt động các tổng đài hỗ trợ khai báo y tế, tổng đài trả lời phản ánh của người dân, để tiếp nhận thông tin và hỗ trợ kịp thời người dân cần trợ giúp về các vấn đề về y tế, lịch tiêm vắc xin, cập nhật thông tin tiêm chủng và chứng nhận tiêm chủng, cài đặt Sổ sức khỏe điện tử, ứng dụng PC-COVID, VnEID..., hỗ trợ công tác tập hợp, phân tích, đánh giá tình hình công tác phòng-chống dịch…


 

KIỀU PHAN

Có thể bạn quan tâm