Có 170 cây cầu gỗ nối các ngôi nhà với đường làng. (Ảnh: Nguyễn Thu Hà/TTXVN) |
Theo lịch sử ghi chép của làng, Giethoorn được hình thành vào năm 1230 dưới sự lãnh đạo của giáo phái Flagellants, một nhánh của đạo Công giáo thời Trung cổ. Muốn thoát khỏi sự đàn áp, họ đã tìm một nơi biệt lập trong vùng đầm lầy để ẩn náu.
Đó là lý do tại sao họ xây dựng một lãnh địa không có đường vào. Tại đây, những người lánh nạn đã tìm thấy một số lượng lớn sừng dê đã chết vì lũ lụt. Tên Giethoorn, nghĩa đen là "sừng dê," ra đời từ đó.
Với việc khai thác than bùn, ao hồ kênh rạch được hình thành và người dân xây dựng nhà ở trên các ốc đảo. Do đó, nơi ở của họ chỉ có thể đến được bằng những cây cầu hoặc bằng một chiếc thuyền nhỏ.
Trải qua bao thăng trầm của thời gian, bất chấp sự phát triển của công nghiệp và hệ thống giao thông hiện đại, Giethoorn vẫn giữ được nhiều nét cổ kính của những ngôi nhà trang trại nhỏ nhắn, xinh đẹp hình thành từ thế kỷ 18-19, được kết nối với đường làng bằng những cây cầu gỗ thanh mảnh.
Phương tiện đi lại trong làng là xe đạp, thuyền, hoặc đi bộ. (Ảnh: Nguyễn Thu Hà/TTXVN) |
Còn với anh Zoha Mazor, du khách người Israel thì Giethoorn giống như trong chuyện cổ tích với những ngôi nhà rất độc đáo, đa dạng và rực rỡ.
Không giấu nổi sự phấn khích được đi chơi cùng gia đình trong không gian tuyệt vời này, anh ôm chặt mẹ trong tay và nói: "Chúng tôi đến đây cùng mẹ và cả gia đình vào sáng nay. Chúng tôi đã thuê một chiếc thuyền gỗ và cùng nhau chèo dọc các con kênh. Chúng tôi đã có khoảng thời gian thật vui vẻ bên nhau. Một sự thư giãn tuyệt vời và tôi vô cùng thích điều đó. Tôi đã phải thốt lên ‘Sao nơi đây lại tuyệt vời đến vậy!’ Thực sự chúng tôi muốn ở lại đây lâu hơn nữa.”
Phát triển du lịch là điều mà địa phương nào cũng làm và làm được. Nhưng phát triển một cách bền vững, thì không phải là một việc dễ dàng, nếu không có trách nhiệm của chính quyền, tâm huyết của người dân và ý thức của khách du lịc
Có thể nói, ở đâu mà con người, thiên nhiên và du lịch cùng chung sống trong hòa hợp và tôn trọng lẫn nhau, thì ở đó có phát triển bền vững. Và Giethoorn chính là thí dụ tiêu biểu của mô hình này.