Xã hội

Thiêng liêng kỷ vật của đồng đội

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Qua sự giới thiệu của Hội Cựu chiến binh TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai), chúng tôi tìm gặp ông Mạc Duy Súy (tổ 10, phường Yên Thế). Sau câu chuyện về những trận đánh mà mình đã tham gia, ông kể cho chúng tôi nghe chuyện về chiếc mũ cối của đồng đội cùng chiến đấu tại chiến trường miền Đông Nam Bộ.
Ông Mạc Duy Súy (SN 1955, quê ở xã An Phụ, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương). Tháng 8-1972, ông lên đường nhập ngũ, sau khi huấn luyện tân binh, ông được biên chế về Tiểu đoàn 10, Đoàn M26 thiết giáp, chiến đấu tại chiến trường miền Đông Nam Bộ. Ở Tiểu đoàn 10, ông được ông Trịnh Trọng Nam (quê Thanh Hóa, Chính trị viên phó Tiểu đoàn) vừa là người anh, vừa là cấp trên dìu dắt. Từ đó, hai người trở nên thân thiết.
Năm 1973, ông Nam vừa bị thương vừa bị sốt rét rừng phải nằm điều trị tại bệnh viện dã chiến miền Đông. Nghe tin ông Nam nằm viện, ông Súy vội vã đến thăm. “Nắm chặt tay tôi, anh Nam nói: Mình không biết có sống được không, mình tặng cậu chiếc mũ và khẩu súng ngắn, nếu mình không qua khỏi thì cậu ở lại tiếp tục chiến đấu nhé”. Không ngờ, đây là lời dặn dò của người đồng đội và cũng là cuộc gặp gỡ cuối cùng của chúng tôi”-ông Súy xúc động kể. 
Chiếc mũ cối và khẩu súng ngắn của ông Trịnh Trọng Nam luôn được ông Súy mang theo bên mình. Sau chiến thắng Phước Long, đơn vị ông được lệnh rút sang ém quân ở Trà Cao, Tây Ninh (giáp biên giới Campuchia) trước khi tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh từ hướng Tây Nam. Khi diễn ra Chiến dịch Hồ Chí Minh, quân ta tổng tiến công đánh vào dinh lũy cuối cùng của chế độ Việt Nam Cộng hòa, cánh quân của ông đã tiến đánh Đức Hòa, Đức Huệ, giải phóng Củ Chi và tiến về Dinh Độc Lập. Trải qua mưa bom bão đạn, những kỷ vật của người đồng đội như là chiếc bùa hộ mệnh về tinh thần giúp ông vượt qua làn ranh sinh tử.

Ông Mạc Duy Súy bên những kỷ vật chiến tranh. Ảnh: Nguyễn Anh Minh
Ông Mạc Duy Súy bên những kỷ vật chiến tranh. Ảnh: Nguyễn Anh Minh
Nói về những kỷ vật thời chiến, ông Súy còn cho chúng tôi xem cuốn nhật ký của mình và cuốn “Kỷ niệm Chiến dịch Hồ Chí Minh-Tặng phẩm thi đua của Quân đoàn 4” mà ông được tặng khi tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Kết thúc chiến tranh, khẩu súng ngắn ông Nam tặng, ông Súy đã nộp lại cho đơn vị khi xuất ngũ, dù trong lòng luôn mong muốn được giữ lại kỷ vật này.
Sau khi xuất ngũ, ông Súy đã chọn mảnh đất Gia Lai đầy nắng gió để lập nghiệp. Hành trang mang theo lên Tây Nguyên là chiếc ba lô bộ đội cũ và những kỷ vật chiến tranh; trong đó có chiếc mũ cối của người đồng đội. 
Với ý chí của một người lính Cụ Hồ đã từng vào sinh ra tử, ông Súy cần cù lao động, quyết tâm gầy dựng cuộc sống. Hiện nay, ông có trong tay 5 ha cà phê, hàng năm thu hoạch khoảng 100 tấn cà tươi, sau khi trừ chi phí, ông thu về khoảng 400 triệu đồng. Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông còn vận động một số anh em, đồng chí đồng đội có rẫy cà phê ở gần nhau thành lập hợp tác xã nông nghiệp sản xuất cà phê theo hướng VietGAP, hồ sơ hiện đã trình lên cơ quan chức năng xem xét phê duyệt. Bên cạnh việc phát triển kinh tế gia đình, ông Súy còn tích cực tham gia công tác của Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân phường Yên Thế và các hoạt động từ thiện, nhân đạo.
Chia tay ông Súy, tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh về tấm gương người cựu chiến binh bị nhiễm chất độc da cam làm kinh tế giỏi và một câu chuyện ý nghĩa về chiếc mũ cối thấm tình đồng đội. Và, tôi lại như đang nghe lời bộc bạch chân thành của ông: “Tôi với anh Nam không cùng quê nhưng cùng vào sinh ra tử. Trải qua chiến tranh gian khổ, ác liệt, qua bao thăng trầm của cuộc sống, tôi vẫn luôn nâng niu, gìn giữ kỷ vật anh ấy trao tặng. Cả sau này cũng thế, bởi vì đó là niềm tự hào và thiêng liêng của người lính”.
NGUYỄN ANH MINH
 

Có thể bạn quan tâm