Sống trẻ - Sống đẹp

Thế giới trẻ

Thiếu niên 16 tuổi bị đạn bắn xuyên não khi đi săn cùng bạn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Trong lúc đi săn đêm với bạn bằng súng tự chế, thiếu niên 16 tuổi bất ngờ bị đạn bắn xuyên qua não.
Ngày 20-4, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) cho biết các bác sĩ vừa phẫu thuật cấp cứu thành công trường hợp nam thiếu niên bị đạn của súng săn tự chế bắn xuyên não. 
Cách đây hơn 1 tuần, bệnh nhân H.T.Đ. (16 tuổi) được chuyển từ tỉnh Tuyên Quang đến Bệnh viện Việt Đức với vết thương viên đạn bắn xuyên dọc theo chiều dài não, từ trán đến đỉnh chẩm bên phải.
Người nhà bệnh nhân cho biết khoảng 21 giờ ngày 11-4, khi em Đ. đi săn bắn chim với bạn bằng súng tự chế đã không may bị trúng đạn. Vết đạn bắn xuyên qua trán ngay phần trên của lông mày mắt trái. Em Đ. được sơ cứu khâu vết thương tại bệnh viện địa phương và chuyển Bệnh viện Việt Đức mổ cấp cứu.
Phim chụp vết thương với viên đạn xuyên qua não bệnh nhân - Ảnh: Bác sĩ cung cấp
Phim chụp vết thương với viên đạn xuyên qua não bệnh nhân - Ảnh: Bác sĩ cung cấp
Kết quả chụp X-quang cho thấy vết thương nhỏ đường kính 0,55 mm xuyên qua não từ trán đến đỉnh chẩm bên phải. Vết thương xuyên dọc theo chiều dài não khiến thiếu niên 16 tuổi này bị liệt nửa người bên trái. Bệnh nhân được phẫu thuật làm sạch vết thương và lấy viên đạn trong não ngay sau đó.
Tiến sĩ-bác sĩ Bùi Huy Mạnh, Khoa Phẫu thuật Thần kinh 1 thuộc Bệnh viện Việt Đức, cho biết sau phẫu thuật lấy viên đạn, bệnh nhân tỉnh táo nhưng vẫn bị liệt nửa người do thương tổn não. 
Hiện, các bác sĩ đang theo dõi các nguy cơ nhưng lo ngại nhất là tình trạng viêm màng não sau mổ do dị vật dễ gây nhiễm trùng hoặc có thể dẫn đến động kinh, áp xe não.
Viên đạn tự chế nằm trong não là một viên bi lấy từ bộ phận của xe đạp
Viên đạn tự chế nằm trong não là một viên bi lấy từ bộ phận của xe đạp
Bác sĩ Mạnh cho biết tổn thương não rất nguy hiểm do não có chức năng điều khiển mọi hoạt động sống của cơ thể. Chính vì vậy, những bệnh lý hay tổn thương ở não bộ có thể gây suy giảm hoặc mất đi chức năng mà vùng não đó đảm nhiệm, trong đó liệt nửa người là di chứng khá phổ biến. Nếu bệnh nhân không thể hồi phục khả năng vận động, trong tương lai thanh niên này sẽ phải dùng các dụng cụ hỗ trợ vận động để sinh hoạt hàng ngày.
Theo D.Thu (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm