Do thời gian thức dậy buổi sáng của mỗi người khác nhau, nên mỗi người đều có sự linh hoạt trong khung giờ ăn sáng của mình. Vậy thời gian ăn sáng tốt cho sức khỏe, được các chuyên gia dinh dưỡng khuyên là mấy giờ?
Nên ăn sáng lúc mấy giờ?
Chuyên gia dinh dưỡng người Đài Loan (Trung Quốc) Chen ManLing chia sẻ kết quả nghiên cứu được công bố trên “Tạp chí Dịch tễ học quốc tế” vào tháng 6/2023, phát hiện ra rằng, so với những người ăn sáng trước 8h, những người ăn sáng sau 9h có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 cao hơn 59%.
Không ăn sáng hoặc ăn sáng quá muộn sẽ ảnh hưởng đến việc kiểm soát lượng đường và lipid trong máu, nồng độ insulin. Lý do, nếu bạn bỏ bữa sáng, nhịn ăn quá lâu, cơ thể sẽ tự động hấp thụ lượng lớn chất dinh dưỡng, tinh bột trong bữa trưa, khiến lượng đường trong máu sau ăn tăng mạnh vào thời điểm này, làm khó kiểm soát đường huyết ổn định.
Ăn sáng sai cách có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể của bạn. Theo các chuyên gia, thời gian phù hợp để ăn sáng là 7h-8h. Đây là khoảng thời gian thích hợp để cơ thể nạp năng lượng sau một đêm nghỉ ngơi.
Làm sao để có bữa sáng lành mạnh
Theo chuyên gia dinh dưỡng, để có bữa sáng tốt cho sức khỏe bạn nên tạo ra một chế độ ăn uống cân bằng. Do không có đủ thời gian cho bữa sáng nên mọi người thường chọn những thực phẩm chứa nhiều đường như bánh mì để ăn. Tuy nhiên, chuyên gia khuyên bạn nên bổ sung thêm cả rau củ để hấp thụ chất xơ, thịt và trứng để tăng lượng protein.
Bữa ăn sáng nên cân bằng với 4 loại thực phẩm gồm ngũ cốc, chế phẩm từ sữa, rau xanh hoặc hoa quả, thịt. Bạn cũng không ăn quá nhanh. Nhai kỹ có thể làm chậm quá trình hấp thu đường và ngăn chặn lượng đường trong máu tăng đột ngột.
Theo Thu Hiền (VTC News/Nguồn: EDH)