Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Thống nhất nghiên cứu làm đường sắt cao tốc Bắc-Nam tốc độ 250km/giờ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa thống nhất với Bộ Giao thông vận tải (GTVT) có văn bản thống nhất nghiên cứu làm đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với tốc độ 250km/giờ.
Đường sắt cao tốc 250km/giờ là tối ưu
Với việc thống nhất phương án nghiên cứu làm đường sắt tốc độ cao với tốc độ thiết kế 250km/giờ, quan điểm này được cho là phù hợp với điều kiện Việt Nam khi vận tải đường sắt tốc độ cao có thể phù hợp với chở người và chở hàng hoá Bắc Nam.

Việt Nam sau nhiều năm nghiên cứu vẫn băn khoăn giữ thiết kế tốc độ đường sắt cao tốc, trong khi đó mục tiêu muốn xây dựng đường sắt vận chuyển kết hợp hành khách và hàng hoá. Ảnh tàu Shinkansen của Nhật Bản
Theo phương án nghiên cứu được thống nhất, tốc độ thiết kế là 250km vừa chở người, vừa chở hàng, tốc độ khai thác tối ưu là 180-225km/giờ.
Đề xuất của hai Bộ sẽ xây đường sắt đôi khổ 1.435mm để vận tải hành khách và hàng hóa, tốc độ khai thác 180-225km/giờ. Đây là đề xuất phù hợp với dải tốc độ được đơn vị tư vấn thẩm tra báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam kiến nghị và chỉ đạo của Ban cán sự Đảng Chính phủ.
Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT đề nghị Bộ GTVT tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu các kết quả đánh giá của tư vấn thẩm tra để hoàn thiện.
Bộ KH&ĐT cho biết, với thực trạng vận tải trục Bắc Nam đang bị mất cân đối, thị phần đường sắt chiếm 6% khách, 1,4% hàng hóa, việc đầu tư tuyến đường sắt mới tốc độ cao, vận tải khách và hàng là cần thiết. 
"Đây là một trong những nền tảng để hình thành trục vận tải khối lượng lớn trên đất liền, dễ dàng kết nối với các trung tâm kinh tế, tạo thành trục động lực phát triển cho kinh tế - xã hội của đất nước và các địa phương trên hành lang kinh tế Bắc Nam", Bộ KH&ĐT nêu.

Hệ thống đường sắt tốc độ cao của Nhật Bản Shinkansen cũng có tốc độ thiết kế giai đoạn đầu những năm 1960 với tốc độ trên 200km/giờ, các giai đoạn sau tốc độ thiết kế được nâng dần cùng với trình độ kỹ thuật và chuyên môn ngày càng gia tăng của người Nhật. Ảnh: An Linh
Tuyến đường sắt dự kiến bố trí 50 ga hành khách (6 ga của tàu cao tốc, 44 ga cho tàu liên vùng) và 20 ga hàng hóa. Công nghệ cho đoàn tàu là động lực phân tán (EMU), hệ thống thông tin, tín hiệu là ETCS cấp 2 hoặc tương đương với hệ thống.
Về vốn đầu tư, Bộ KH&ĐT đề nghị Bộ GTVT làm rõ cơ sở xác định về vốn đầu tư và tính chính xác. Các nguồn vốn cho dự án sẽ được huy động từ đấu giá đất tại các khu đô thị xung quanh nhà ga, vốn đầu tư công và đầu tư tư nhân.
Bộ KH&ĐT đề nghị thực hiện dự án theo mô hình hợp tác công tư (PPP). trong đó Công ty Đầu tư và Quản lý hạ tầng đường sắt tốc độ cao là đối tác công. Đơn vị này sẽ huy động vốn đầu tư công và quản lý xây dựng hạ tầng; bảo trì và bảo dưỡng kết cấu hạ tầng; điều hành vận tải trên toàn hệ thống. 
Công ty Đầu tư và Quản lý khai thác đường sắt tốc độ cao là đối tác tư, đơn vị này sẽ có trách nhiệm huy động vốn đầu tư phương tiện vận tải và các nhà ga cao tầng.

GS-TSKH Lã Ngọc Khuê, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT đề nghị các cơ quan chức năng cần nghiên cứu làm đường sắt cao tốc với tốc độ trên 200km/giờ là tối ưu. Ảnh: An Linh
Trước đó, tháng 10/2022, Bộ GTVT đã đề xuất hai phương án đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam. 
Trong phương án 01, cơ quan này đề xuất nâng cấp tuyến đường sắt hiện tại khổ 1.000mm thành khổ 1.435mm theo chuẩn liên vận quốc tế. Khổ đường sắt tiêu chuẩn này phù hợp vận tải hành khách và hàng hóa, tốc độ khai thác tàu khách tối đa 180km/giờ, tàu hàng tối đa 120km/giờ. 
Vốn cho kịch bản 01 là 42 tỷ USD, tận dụng một phần hạ tầng hiện hữu như quỹ đất, kho bãi, mặt bằng, các doanh nghiệp trong nước có khả năng tiếp cận công nghệ, tỷ lệ nội địa hóa cao.
Phương án 01, xây dựng mới hoàn toàn đường sắt đôi khổ 1.435mm để vận tải hành khách và hàng hóa, tốc độ khai thác tối đa 180-225km/giờ, chi phí đầu tư khoảng 64,8 tỷ USD. 
Tuyến đường sắt mới được cho sẽ vận tải hành khách và hàng hóa có năng lực lớn; không làm gián đoạn vận tải đường sắt hiện tại khi đầu tư xây dựng tuyến mới; vận tải hàng hóa trên cả khổ đường 1.000mm và khổ 1.435mm.
Trước đó, năm 2019, Bộ GTVT đã đề xuất lên Chính phủ việc xây dựng đường sắt tốc độ cao, điện khí hoá toàn bộ tốc độ 350k/giờ, tốc độ khai thác 320km/giờ, kết nối Hà Nội và TP.HCM. Các đoàn tàu sẽ được sử dụng công nghệ động lực phân tán, tương đương với công nghệ hiện tại của Nhật Bản và một số nước châu Âu đang sử dụng.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia, học giả đã phản đối đề xuất này bởi với tốc độ thiết kế trên 300km/giờ, trình độ và năng lực của Việt Nam khó vận hành. Về hiệu quả kinh tế và vận chuyển hàng hoá, đường sắt tốc độ cao trên 300km/giờ khó tối ưu vận chuyển hàng hoá suốt chiều dài đất nước, chỉ có khả năng vận chuyển hành khách, trong khi khả năng cạnh tranh vận tải hành khách so với hàng không, đường sắt tỏ ra yếu thế. Nhiều chuyên gia, học giả đề nghị cần nghiên cứu phương án xây dựng đường sắt tốc độ từ 180km/giờ đến 250km/giờ để phù hợp vận tải kết hợp cả hành khách, hàng hoá.
Theo An Linh (Dân Việt)
https://danviet.vn/thong-nhat-nghien-cuu-lam-duong-sat-cao-toc-bac-nam-toc-do-250km-gio-2022110621585388.htm

Có thể bạn quan tâm