Khoa học - Công nghệ

Tin tức công nghệ

Thông tin "độc" mùa mưa lũ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Dù chẳng phải là những cơn gió rít, mưa sa hay lũ dữ, song những thông tin thất thiệt, thậm chí bịa đặt trên mạng xã hội trong lúc mưa lũ lịch sử gây thiệt hại nặng nề cho miền Trung chẳng khác nào thứ "dịch bệnh" nguy hiểm lúc thiên tai.
Người dân cả nước luôn đau đáu hướng về miền Trung với sự cảm thông, sẻ chia sâu sắc trước những mất mát, tổn thất mà đồng bào nơi đây phải gánh chịu trong thiên tai, mưa lũ lịch sử. Mỗi người dân trong hay ngoài nước cùng chung tay với những việc làm, nghĩa cử hiệu quả, thiết thực với mong mỏi đồng bào bị thiên tai sớm khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống và sản xuất.
Cùng với cả hệ thống chính trị, chính quyền, mỗi người dân tùy theo hoàn cảnh và điều kiện của mình có những sự ủng hộ, cứu trợ quý báu theo truyền thống đã thành đạo lý của dân tộc "thương người như thể thương thân", "lá lành đùm lá rách", "một miếng khi đói bằng một gói khi no"… Trên dải đất hình chữ S lúc này, đâu đâu cũng thấy lan tỏa những việc làm, câu chuyện xúc động hướng về đồng bào chịu thiên tai ở "khúc ruột miền Trung" yêu thương.
Thế nhưng, đã có những trường hợp, câu chuyện khiến chúng ta phải phiền lòng trong lúc rất cần sự đồng lòng, chung sức để sẻ chia, hỗ trợ đồng bào miền Trung. Trên mạng xã hội lan truyền những thông tin thất thiệt, thậm chí là bịa đặt của không ít kẻ muốn lợi dụng tình hình thiên tai để nhắm tới mục đích xấu xa.
Có những thông tin, hình ảnh do người dùng mạng xã hội thiếu kiểm chứng mà vô tình bấm like (thích), share (chia sẻ) hay bình luận. Song có những thông tin cố tình bịa đặt, bóp méo, xuyên tạc để bôi xấu các cá nhân cũng như tổ chức, nguy hiểm hơn có cả mục đích đả phá, chống chế độ.
Những thông tin giả, xấu độc trong mưa lũ có thể đưa lại những hậu quả khôn lường. Nhẹ nhất cũng gây xôn xao, hoang mang, bán tín bán nghi trong người dân về tình hình thiên tai, công tác cứu trợ đang rất khẩn trương, cấp bách. Cũng có thể những tin giả, xấu chỉ khiến cá nhân nào đó phiền lòng, ảnh hưởng tới suy nghĩ và việc làm thiện nguyện vốn rất cần nhân lên thành sức mạnh cộng hưởng trong xã hội, cộng đồng. Nguy hại nhất là những thông tin nhằm mục đích chống phá, chúng có thể khiến lòng người phân tâm, ly tán, thiếu lòng tin vào công tác cứu trợ cũng như các tổ chức thực hiện công tác này.
Lúc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trước đây cũng từng xuất hiện thứ tin giả gây hại cho công tác phòng chống dịch bệnh và cơ quan chức năng đã vào cuộc xử lý hàng trăm đối tượng. Thế nhưng, việc phần lớn các đối tượng này chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 15/2020/NĐ-CP với mức cao nhất là 20 triệu đồng xem ra chưa đủ sức răn đe.
Thời điểm này, hơn lúc nào hết cần sự chung sức đồng lòng của toàn xã hội trong công tác ủng hộ, cứu trợ đồng bào miền Trung bị thiên tai, nên phải mạnh tay nghiêm trị những kẻ làm ảnh hưởng tới việc huy động sức mạnh toàn dân. Trường hợp nghiêm trọng cần phải xử lý hình sự mới đủ sức cảnh tỉnh, răn đe thứ "dịch bệnh" thông tin giả, xấu độc trong mưa lũ.
PHẠM DƯƠNG (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm