Thời sự - Sự kiện

Thời sự quốc tế

Thông tin mới về tân Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bà Paetongtarn Shinawatra vẫn chưa tiết lộ định hướng của chính phủ mới sau khi được bầu làm thủ tướng Thái Lan ở tuổi 37

Hạ viện Thái Lan hôm 16-8 đã bỏ phiếu thông qua việc bầu bà Paetongtarn Shinawatra làm thủ tướng, thay thế người tiền nhiệm Srettha Thavisin vừa bị Tòa án Hiến pháp bãi nhiệm trước đó 2 ngày.

Bà Paetongtarn là con gái út của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra. Ở tuổi 37, bà trở thành thủ tướng trẻ nhất lịch sử Thái Lan.

Một trong những thách thức lớn nhất mà bà Paetongtarn phải ứng phó là vực dậy nền kinh tế Thái Lan.

Tân Thủ tướng Thái Lan và là lãnh đạo Đảng Pheu Thai, bà Paetongtarn Shinawatra, phát biểu với báo giới hôm 16-8. Ảnh: Bangkok Post

Tân Thủ tướng Thái Lan và là lãnh đạo Đảng Pheu Thai, bà Paetongtarn Shinawatra, phát biểu với báo giới hôm 16-8. Ảnh: Bangkok Post

Chính sách tập trung

Nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng CIMB Thai Bank Amonthep Chawla nhận định quá trình chuyển đổi chính trị tại Thái Lan đang diễn ra nhanh chóng.

"Từ bây giờ, chúng tôi tập trung vào công việc giám sát các chính sách chính của chính phủ mới" - ông Amonthep cho biết.

Chuyên gia này còn nhấn mạnh: "Tôi dự đoán chính quyền mới có thể bỏ chương trình ví kỹ thuật số và có khả năng đưa ra các biện pháp kích thích mới nhằm hỗ trợ những người có thu nhập thấp, yếu thế, dễ bị tổn thương".

Nhận định trên nhắc đến một trong những chính sách trọng tâm của Đảng Pheu Thai đề ra trước đó là chương trình phát 10.000 baht (276 USD) vào ví điện tử cho mỗi người dân đủ điều kiện để kích thích kinh tế.

Việc thành lập chính phủ mới có thể làm trì hoãn phê duyệt ngân sách tài chính năm 2025 nhưng ông Amonthep cho rằng điều này không tác động đáng kể đến nền kinh tế Thái Lan.

Trong khi đó, các yếu tố bên ngoài, đặc biệt là sự suy thoái ở các nền kinh tế hàng đầu thế giới như Mỹ và Trung Quốc, có thể ảnh hưởng xấu đến kinh tế Thái Lan.

Chuyên gia kinh tế Vorapol Sokatiyanurak, cựu thư ký Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Thái Lan, đánh giá cao tân thủ tướng 37 tuổi.

Tuy nhiên, ông cho rằng bà Paetongtarn sẽ phải đối mặt những thách thức đáng kể, đặc biệt là về các vấn đề kinh tế, tạo việc làm.

"Thủ tướng Paetongtarn sẽ phải giải quyết tình trạng sức cạnh tranh đang suy giảm. Tình trạng thiếu nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, đang cản trở Thái Lan sản xuất những mặt hàng mà thế giới hiện đại đòi hỏi" - ông Vorapol nhận xét.

Mặt khác, theo ông Vorapol, nợ hộ gia đình là một vấn đề cấp bách khác mà tân thủ tướng phải giải quyết. Nợ hộ gia đình ở Thái Lan hiện vượt quá 16,3 tỉ baht.

Lãnh đạo Cơ quan Quản lý các khu công nghiệp Thái Lan (IEAT) Yuthasak Supasorn thì tin rằng chính phủ do bà Paetongtarn lãnh đạo sẽ giữ nguyên các chính sách quan trọng thời người tiền nhiệm. Điều này sẽ giúp cải thiện nền kinh tế Thái Lan.

Trong khi đó, Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan Kriengkrai Thiennukul cho biết ông đang chờ xem liệu chính phủ của bà Paetongtarn có đưa ra các biện pháp kích thích kinh tế mới hay không.

Doanh nghiệp phản ứng tích cực

Bà Paetongtarn xuất thân từ khu vực tư nhân. Công ty của bà hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, khách sạn và du lịch.

Bà mẹ 2 con này đã giúp điều hành mảng khách sạn của đế chế kinh doanh gia đình trước khi tham gia chính trường vào cuối năm 2021.

Do đó, khi hay tin bà Paetongtarn được bầu làm thủ tướng thứ 31 của Thái Lan, lập tức thị trường chứng khoán phản ứng tích cực. Các nhà đầu tư hy vọng nhiều chính sách kinh tế hiện tại sẽ được tiếp tục.

"Có vẻ như việc thành lập nội các mới sẽ diễn ra nhanh chóng và suôn sẻ, nghĩa là những rủi ro tiêu cực đối với tăng trưởng kinh tế là rất hạn chế" – một chuyên gia nhận định.

Theo Hải Hưng (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm