Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Quốc phòng

Thông tin nhóm tàu khảo sát Trung Quốc đi vào vùng biển Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngày 14.4, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trả lời câu hỏi của Thanh Niên về thông tin một nhóm tàu Trung Quốc đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

 

 Tàu Hải Dương địa chất 8, được tàu dân binh hộ tống, khảo sát trái phép ở bãi Tư Chính - Phúc Tần của Việt Nam, tháng 10.2019 - Ngư dân cung cấp
Tàu Hải Dương địa chất 8, được tàu dân binh hộ tống, khảo sát trái phép ở bãi Tư Chính - Phúc Tần của Việt Nam, tháng 10.2019 - Ngư dân cung cấp



Ngày 14.4, trả lời câu hỏi của Thanh Niên về thông tin một nhóm tàu Trung Quốc đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết:

Các cơ quan chức năng của Việt Nam theo dõi sát các diễn biến ở Biển Đông. Việt Nam đề nghị các nước tuân thủ các quy định liên quan của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982, luật pháp quốc tế trong các hoạt động của mình và đóng góp vào hoà bình, ổn định, hợp tác ở Biển Đông.

Trước đó, Thanh Niên đã gửi câu hỏi đến Bộ Ngoại giao về thông tin tàu khảo sát Hải Dương địa chất 08 cùng một số tàu hải cảnh của Trung Quốc đi vào vùng biển Việt Nam. Năm 2019, Hải Dương địa chất 08 dưới sự hộ tống của nhiều tàu hải cảnh Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và thềm lục địa Việt Nam.

Trước đó, chiều 14.4, Reuters đưa tin tàu khảo sát Hải Dương địa chất 08 của Trung Quốc và nhóm tàu hộ tống đã trở lại Biển Đông giữa đại dịch Covid-19. Đây cũng là tàu khảo sát đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trong suốt gần 4 tháng (từ đầu tháng 7 tới 25.10.2019).

Nhóm tàu này trở lại sau khi phía Mỹ cáo buộc Trung Quốc lợi dụng thế giới bận rộn đối phó với đại dịch Covid-19 để có các hoạt động gây bất ổn trên Biển Đông, khi 3 tàu hải cảnh nước này đâm chìm 1 tàu cá Việt Nam ở gần đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa vào ngày 2.4.

Theo Reuters, hôm thứ ba (14.4), tàu khảo sát địa chấn Hải Dương địa chất 08 đã xuất hiện trở lại trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cách bờ biển Việt Nam 158 km, được hộ tống bởi ít nhất một tàu hải cảnh, theo dữ liệu từ Marine Traffic, một trang web theo dõi dữ liệu hàng hải.

Ít nhất ba tàu Việt Nam được ghi nhận di chuyển gần khu vực tàu Trung Quốc, cũng theo Marine Traffic.

Tuy nhiên, hiện chưa rõ mục đích của nhóm tàu này. Giới quan sát quốc tế cho biết đến thời điểm này, nhóm tàu của Trung Quốc vẫn “qua lại vô hại” trên Biển Đông.

Reuters dẫn lời một nhà nghiên cứu của ISEAS-Yusof Ishak, có trụ sở tại Singapore, cho rằng việc triển khai tàu khảo sát là một hành động của Trung Quốc để một lần nữa khẳng định chủ quyền vô căn cứ của mình trên Biển Đông. Trung Quốc đang tận dụng việc đại dịch Covid-19 làm phân tán sự chú ý của quốc tế để tăng sự hiện diện ở Biển Đông, trong khi Mỹ và châu Âu đang gặp khó khăn trong đối phó với đại dịch.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra tuyên bố “kêu gọi Trung Quốc tập trung vào việc hỗ trợ các nỗ lực quốc tế để chống lại đại dịch toàn cầu và ngừng lợi dụng thời điểm các quốc gia khác gặp khó khăn để mở rộng các yêu sách bất hợp pháp của mình ở Biển Đông”.

Theo VŨ HÂN (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm