Điểm đến Gia Lai

Thông tin quý về trận đánh đồn An Thạch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cách đây vài năm, tại thị xã An Khê, một số di vật và hài cốt của gần 100 cảm tử quân thuộc Trung đoàn Vi Dân hy sinh khi đánh đồn Tú Thủy (ngày 14-3-1947) được tìm thấy. Liền đó, một ngôi mộ tập thể được xây dựng tại khu vực tưởng niệm các liệt sĩ chống Pháp, trên địa bàn xã Tú An. Tại đây còn có nơi an nghỉ của 12 liệt sĩ hy sinh tại đồn An Thạch vào ngày 10-2-1948.
Mới đây, chúng tôi cất công đi tìm và may mắn có được những thông tin hiếm hoi, góp phần gợi mở về trận đánh đồn An Thạch. Những người giúp chúng tôi bước đầu giải mã trận chiến này chủ yếu là 2 công dân cao tuổi được sinh ra và lớn lên từ thôn An Thạch xưa: ông Nguyễn Văn Trực (SN 1932, thôn Tú Thủy 2, xã Tú An) và ông Phạm Văn Cường (SN 1951, thôn An Thạch, xã Xuân An).
Theo các nhân chứng, An Thạch không phải là đồn lũy được Pháp xây dựng theo nghĩa thông thường mà vốn là nhà của một địa chủ họ Trần. Dân làng thường gọi ông là hương kiểm Điển (Điển là tên người con trai lớn của ông, còn hương kiểm là một chức nhỏ, chỉ người trông coi việc tuần phòng ở làng thời Pháp thuộc).
 Ông Nguyễn Văn Trực, 89 tuổi,hiện ở thôn Tú Thủy 2, xã Tú An. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ
Ông Nguyễn Văn Trực hiện ở thôn Tú Thủy 2 (xã Tú An, thị xã An Khê). Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ
Ngôi nhà rộng rãi này được xây dựng kiên cố, tường gạch dày khoảng 40 cm, đạn thường bắn không xuyên. Mái lợp ngói, gỗ trong nhà nhiều chỗ được tốp thợ Huế chạm trổ công phu, tinh xảo. Khuôn viên nhà ông hương kiểm rất rộng, tứ bề có các lũy tre bao bọc kín đáo, trừ một con đường ra vào có cổng ngõ chắc chắn.
Đi cùng chúng tôi, anh Trần Đình Luân-cán bộ Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao thị xã An Khê-vô cùng mừng rỡ khi được con cháu của vị hương kiểm xưa chỉ và cho phép nhặt lấy những viên gạch vốn từng xây nên ngôi nhà của ông cố mình. Theo anh Luân, đây là những hiện vật rất quý, sẽ sớm được trưng bày tại khu tưởng niệm các liệt sĩ chống Pháp mà địa phương đang xây dựng tại xã Tú An.
Theo lời dân làng xưa kể lại, khoảng năm 1946 hoặc 1947, lẽ ra tên chỉ huy người Pháp tổ chức đóng quân tại một vị trí cao hơn (nay là khu vực Nhà văn hóa thôn An Thạch) nhưng vì vợ y (cũng là một người Pháp) thích ngôi nhà của ông hương kiểm hơn nên hắn đã cho quân lính cướp lấy nơi này làm chỗ đồn trú. Đây là lý do khiến người An Thạch xưa thường hay nói vui: Đầm to hơn Tây. Nghĩa là binh sĩ Pháp dù có hung hăng, dữ tợn đến mấy thì vẫn sợ vợ một phép.
Quân số của đồn An Thạch vào thời điểm đó có khoảng 30-35 tên, gồm 1 quan một, vài hạ sĩ quan Pháp, còn lại là lính dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Jrai. Quân lính tại đây rất ngông nghênh, thường không mua mà cướp gia súc của dân để giết thịt. Chúng cũng dùng nhiều thủ đoạn ức hiếp dân lành, nhất là đối với đàn bà con gái.
Trên nền đồn An Thạch xưa, con cháu ông hương kiểm Điển tiếp tục dựng nhà, sinh sống. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ
Trên nền đồn An Thạch xưa, con cháu ông hương kiểm Điển tiếp tục dựng nhà, sinh sống. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ
Một buổi sáng, chúng giết thịt 1 con bò mới cướp của bà con An Thạch. Được dân làng báo tin từ chiều hôm trước, một nhóm bộ đội Việt Minh vào làng mật phục. Khoảng 8 giờ sáng, nhân lúc đa số lính đang tập trung làm thịt bò tại khu vực giếng nước cạnh một bụi tre, cách nhà ông hương kiểm Điển khoảng 250 m, cửa ngõ bỏ trống, các cảm tử quân đã nhất loạt xông vào “đồn” An Thạch với dao nhọn trên tay. Rất có thể, những chiến sĩ gan góc này dự định giết hết bọn Pháp trong nhà, sau đó sẽ gọi hàng những kẻ tay sai. Nhưng không may, đám lính Pháp trong đồn đã có sự cảnh giác. Các chiến sĩ anh dũng lần lượt ngã xuống dưới hỏa lực mạnh của địch. Một điều đáng tiếc khác, trong trận này, khẩu trung liên của lực lượng ta đặt tại một điểm cao để bắn yểm trợ các cảm tử quân cũng bị kẹt đạn, sau những phát súng đầu tiên; 1 trong 2 người sử dụng vũ khí này hy sinh khi quân Pháp phát hiện và bắn từ trong nhà ra.
Thi thể của các chiến sĩ quả cảm được chôn ở một vị trí cách nhà ông hương kiểm không xa. Tại đây, dân làng đào 1 hố rộng, sâu lút đầu người làm nơi an nghỉ cuối cùng cho những người đã khuất. Dân làng không rõ hàng chục con người can trường ấy thuộc đơn vị nào, quê hương ở đâu, chỉ biết, đó là những bộ đội Việt Minh.
Theo những người cung cấp thông tin, sau đó không lâu, bộ đội Việt Minh còn tấn công đồn An Thạch thêm một lần nữa. Trận này, lực lượng ta sử dụng bộc phá đánh sập hoàn toàn nhà ông hương kiểm Điển. Sau đó, binh sĩ Pháp không còn nơi đồn trú.
Một số viên gạch từng xây nhà ông hương kiểm Điển còn sót lại. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ
Một số viên gạch từng xây nhà ông hương kiểm Điển còn sót lại. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ
Rất có thể, đây là trận chiến đã được sách Lịch sử Đảng bộ tỉnh Gia Lai (1945-2005), tại trang 179 và Lịch sử Đảng bộ thị xã An Khê (1945-2005), ở trang 141 ghi nhận. Theo đó, trận đánh diễn ra vào tháng 4-1948, có sự phối hợp giữa bộ đội và dân quân địa phương. Đơn vị công đồn An Thạch chính là Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 97. Chiến sĩ ôm bom ba càng đánh vào cửa đồn địch bị thương nặng trong trận này có tên là “Nguyễn Tường quê ở cực Nam Trung Bộ, chiến sĩ đại đội do đồng chí Hào chỉ huy”. Các tài liệu lịch sử đã nêu cũng thống nhất nhận định: Trận thắng này đã tạo khí thế cho phong trào kháng chiến địa phương, hành lang lên xuống Bình Định được thuận lợi hơn.
Bất chấp thời gian phôi pha và những biến động xã hội, người dân An Thạch sau nhiều chục năm vẫn còn nhớ rõ nơi đã chôn cất các liệt sĩ xưa. Nhờ đó, công việc quy tập trang trọng đã được tiến hành bài bản. Theo ông Trần Thanh Cảnh-Chủ tịch UBND xã Tú An, ngày 20-8-1988, hài cốt của các chiến sĩ hy sinh trong trận công đồn An Thạch ngày 10-2-1948 đã được chuyển về khu vực tưởng niệm liệt sĩ Tú Thủy (xã Tú An). Tại đây, từ nhiều chục năm nay, những bộ đội Việt Minh ấy thanh thản nằm cạnh tập thể các cảm tử quân của Trung đoàn 95-Trung đoàn Vi Dân.
NGUYỄN QUANG TUỆ

Có thể bạn quan tâm