TN - Đất & Người

Thông vẫn "khóc" giữa cao nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những rừng thông hàng chục năm tuổi ở các huyện của tỉnh Lâm Đồng vẫn liên tiếp bị đầu độc, “xẻ thịt”, trước sự bất lực của chính quyền và ngành chức năng. Một số vụ đã xử lý thì cũng chỉ ở phần “ngọn”, những đối tượng cầm đầu vẫn lẩn trốn chưa chịu sự trừng trị của pháp luật.
Thời gian vừa qua, báo chí liên tục đưa tin cũng như phát hiện những cánh rừng thông bị đầu độc tại huyện Lâm Hà, Đức Trọng, Bảo Lâm… (Lâm Đồng). Tuy nhiên, số ít những vụ việc đó được các cơ quan chức năng tìm ra thủ phạm, còn lại là xử lý, lập biên bản nhưng chưa xác định được đối tượng vi phạm.
Chiêu trò ngày càng tinh vi
 
Ba đối tượng Diệm, Lợi và Hồng được đưa đi thực nghiệm hiện trường vụ phá hơn 10ha rừng thông gần 20 năm tuổi. Ảnh: P.V
"Chúng tôi vừa cho triển khai mẫu sổ nhật ký tuần tra trang bị đến tất cả các lực lượng tham gia công tác quản lý, bảo vệ rừng. Đồng thời sẽ tiến hành kiểm tra thường kỳ hoặc đột xuất. Việc này sẽ kiểm soát được công tác của cán bộ, nếu để xảy ra mất rừng sẽ làm rõ trách nhiệm của cán bộ”.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng

Lâm Đồng là tỉnh có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp với các loài cây họ thông. Hiện diện tích rừng thông chiếm tới 200.000ha so với 600.000ha rừng tự nhiên tại địa phương. Trước đây, tình trạng phá rừng chủ yếu là dùng cưa máy cắt hạ, lấn chiếm đất lâm nghiệp bằng phương pháp thủ công. Hiện các đối tượng phá rừng đã dùng những cách tinh vi hơn để qua mắt lực lượng chức năng.
Điển hình là mới đây, Công an tỉnh Lâm Đồng đã lập một ban chuyên án để tìm ra thủ phạm “đầu độc” hơn 10ha rừng thông ba lá gần 20 năm tuổi tại xã Tân Thanh (huyện Lâm Hà) bằng cách khoan lỗ trên thân cây và đổ thuốc diệt cỏ. Đến nay, cơ quan chức năng đã bắt được các đối tượng Ngô Văn Diệm (35 tuổi, tạm trú tại thôn 10, xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà), Nguyễn Văn Lợi (23 tuổi, trú xã Đan Phượng, huyện Lâm Hà) và Dương Văn Hồng (53 tuổi, ngụ tại thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà).
Theo điều tra ban đầu, các đối tượng này khai nhận làm thuê cho Bạch Đình Kế (37 tuổi, ngụ Tân Hà, huyện Lâm Hà) , hiện đã bỏ trốn khỏi địa phương. Công an tỉnh Lâm Đồng đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 4 đối tượng này về tội “Phá hoại tài sản”.
Được biết, các đối tượng này đã huỷ hoại rừng thông tại tiểu khu 292, lâm phần thuộc xã Tân Thanh, gây thiệt hại 10,1ha, khối lượng 239m3 gỗ, ước tính thiệt hại hơn 800 triệu đồng.
Diễn biến phức tạp
Đại diện Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng nhận định việc phá rừng tại các địa phương của tỉnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Đặc biệt các vụ án ken cây, đổ thuốc diệt cỏ diễn ra ngày càng gia tăng.
Theo thống kê, chỉ trong tháng 5/2019, lực lượng Kiểm lâm và các đơn vị chức năng đã phát hiện lập biên bản 59 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Tuy nhiên, mới có 34 vụ đã xác định đối tượng vi phạm, còn lại 25 vụ chưa xác định đối tượng vi phạm (chiếm 42%). Diện tích rừng bị thiệt hại gần 14ha, khối lượng lâm sản thiệt hại trên 793,6m3.
Đặc biệt, trong 5 tháng đầu năm 2019, tổng số vụ vi phạm là 272 vụ, trong đó chỉ có 131 vụ đã xác định đối tượng vi phạm, còn lại đến 141 vụ chưa xác định đối tượng vi phạm (chiếm 52%). Diện tích thiệt hại do phá rừng trên 34,4ha, lâm sản thiệt hại hơn 2.305m3.
Ông Nguyễn Văn Sơn – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Đơn vị đã nỗ lực kết nối các lực lượng như người dân, cộng đồng, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và các đơn vị liên quan để hạn chế vụ vi phạm. So với năm 2018 số vụ vi phạm giảm 23% (63 vụ), dù mức thiệt hại vẫn giảm chưa đáng kể (chiếm tỷ lệ 1%) và hành vi phá rừng ngày càng  tinh vi, phức tạp. Chúng tôi vừa triển khai mẫu sổ nhật ký tuần tra trang bị đến tất cả các lực lượng tham gia công tác quản lý, bảo vệ rừng. Việc này sẽ kiểm soát được công tác của cán bộ, nếu để xảy ra mất rừng sẽ làm rõ trách nhiệm cán bộ”.
Ông Hà Công Tuấn - Thứ trưởng Bộ NNPTNT nhận định: “Tây Nguyên vẫn là trọng điểm phá rừng, điểm nóng nhất trong bảo vệ rừng của cả nước. Chính vì vậy, chính quyền địa phương cần đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án phá rừng trên địa bàn. Ngoài ra, cần rà soát, đánh giá, kiểm soát chặt chẽ các dự án phát triển kinh tế, xã hội có tác động đến diện tích, chất lượng rừng. Để làm được điều này, cần vào cuộc và chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự tham mưu tổ chức thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả các giải pháp của các tỉnh vùng Tây Nguyên sẽ tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác phát triển lâm nghiệp”.
Khuất Nguyên (Dân Việt) 

Có thể bạn quan tâm