Cuộc đời 79 mùa xuân của Bác Hồ chỉ có khoảng hơn 1/3 thời gian (tính từ năm 1941 đến 1969) đón xuân cùng đồng bào Tổ quốc, ấy là kể cả mấy lần đi công tác dịp Tết đến xuân về; thực tính chi li thì chỉ vỏn vẹn hơn 20 năm Bác có ở nhà để mừng Tết đón xuân.
Bác Hồ trồng cây đa tại xã Vật Lại, Ba Vì, Hà Tây (nay là Hà Nội) ngày 16-2-1969. Ảnh: Tư liệu |
Có mùa xuân Người về gần biên giới Tổ quốc, mà không thể về nước; phải đi vòng lên nước bạn để tổ chức Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản, thành lập một Đảng cộng sản duy nhất ở Việt Nam.
Có mùa xuân Người đi công tác tìm cách liên minh với các lực lượng trên đất bạn; mà phải chịu cảnh "thân thể ở trong lao, tinh thần ở ngoài lao".
Có những mùa xuân ở thủ đô gió ngàn thời kháng chiến và có những mùa xuân ở thủ đô Hà Nội khi hòa bình lập lại - những mùa xuân cả nước được nghe Bác Hồ chúc Tết, mừng xuân, toàn dân được thấy "không gì vui bằng mắt Bác Hồ cười", ai cũng được "lắng nghe phút giao thừa đang chuyển/ Bác Hồ gọi, ấy là mùa xuân đến".
Cho đến xuân Kỷ Dậu 1969 là mùa xuân thứ 79, Bác Hồ râu tóc bạc phơ, ngày mồng một Tết, Người cùng đồng bào khai xuân trồng cây trên đồi cây của xã Vật Lại, huyện Ba Vì… Hình ảnh ấy còn giữ nguyên trong ký ức dân tộc, in đậm vào các pho quốc sử, hồng tươi trên trang sách học trò...
* * *
Năm ấy ngày đầu năm dương lịch (1-1-1969), Bác Hồ gửi Thư chúc mừng tới đồng bào và chiến sĩ cả nước. Như thông lệ, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư, điện, thiệp Chúc mừng năm mới tới lãnh đạo các nước anh em, bè bạn gần xa.
Cả nước đang kháng chiến, còn nhiều gian khổ và ác liệt; ngày 27-1-1969, Bác gửi Thư khen đội Thanh niên Xung phong số 333 tỉnh Nghệ An, phần lớn là nữ, đã dũng cảm chiến đấu, tích cực lao động, có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, bảo đảm giao thông thông suốt. Bác cũng gửi Thư khen cán bộ và chiến sĩ bộ đội Thông tin liên lạc nhân dịp Đại hội lập công quyết thắng của binh chủng.
Ngày 30-1-1969, Bác làm việc với Ban Khoa giáo Trung ương về bài viết Quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng. Nhân kỷ niệm thành lập Đảng, Người căn dặn đảng viên: "Phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng, bồi dưỡng tư tưởng tập thể, tinh thần đoàn kết, tính tổ chức và tính kỷ luật. Phải đi sâu đi sát thực tế, gần gũi quần chúng, thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân. Phải cố gắng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ hiểu biết để làm tốt mọi nhiệm vụ...".
Ngày 6-2-1969, tại Phủ Chủ tịch, Bác đọc để ghi âm lời chúc mừng năm mới sẽ phát vào đêm giao thừa Tết Nguyên đán.
Giao thừa năm Kỷ Dậu 1969, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Việt Nam dù trong hoàn cảnh đất nước còn bị chia cắt, vẫn đón nghe giọng ấm áp của Bác "Đồng bào và chiến sĩ yêu quý", vẫn đợi Người nói những điều thiêng liêng về năm mới. Người tổng kết "Năm 1968 là một năm quân và dân cả nước ta chiến thắng rất oanh liệt. Đế quốc Mỹ đã buộc phải chấm dứt không điều kiện cuộc chiến tranh phá hoại ở miền Bắc. Từ đầu xuân 1968, đồng bào và chiến sĩ miền Nam anh hùng liên tục tiến công, liên tục nổi dậy, giành được nhiều thắng lợi rất vẻ vang". Người dự báo: "Chắc chắn giặc Mỹ sẽ hoàn toàn thất bại. Quân và dân ta trong cả nước, thừa thắng xông lên, nhất định sẽ thắng lợi hoàn toàn".
Người "thay mặt nhân dân cả nước" để "nhiệt liệt chúc mừng và cảm ơn các nước xã hội chủ nghĩa anh em, các nước bầu bạn và nhân dân yêu chuộng hòa bình, công lý trên thế giới, kể cả nhân dân tiến bộ Mỹ, đã hết lòng ủng hộ và giúp đỡ sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam... thân ái chúc đồng bào, chiến sĩ, cán bộ và bà con Hoa kiều cả hai miền Nam - Bắc và kiều bào ta ở nước ngoài, năm mới đoàn kết, chiến đấu, thắng lợi".
Cuối Thư chúc Tết, Người vẫn quen gửi đồng bào đồng chí "Mấy lời thân ái nôm na; Vừa là chúc Tết, vừa là mừng xuân"; nhưng 6 câu lục bát năm ấy hàm chứa cả một phương hướng chiến lược của đất nước thời chiến:
"Năm qua thắng lợi vẻ vang,
Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to.
Vì độc lập, vì tự do,
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào.
Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào,
Bắc - Nam sum họp, xuân nào vui hơn!"
Bác Hồ nhiều lần chúc kháng chiến giành nhiều thắng lợi để đi đến thắng lợi hoàn toàn, nhưng lần này như lần cuối - Người chốt lại chân lý và mục tiêu "Vì độc lập, vì tự do" và thống nhất Tổ quốc; Người chốt cả đường hướng chiến lược kết thúc thắng lợi hoàn toàn cuộc kháng chiến lâu dài gian khổ phải "Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào". Trong giờ phút thiêng liêng của đất trời giao hòa, Người hạ lệnh "Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào" và mở ra mùa xuân toàn thắng "Bắc - Nam sum họp, xuân nào vui hơn!".
Mùa xuân Kỷ Dậu năm ấy với biết bao hoạt động của Bác Hồ dành cho đồng bào, đồng chí, dành cho công việc của cách mạng và kháng chiến - một mùa xuân đất nước tiếp tục giành nhiều thắng lợi to lớn để đi đến thắng lợi hoàn toàn. Nhưng có ai ngờ đó lại là mùa xuân cuối cùng của Người.
* * *
Còn nhớ xuân Bính Tuất 1946, mùa xuân độc lập đầu tiên của dân tộc khi đất nước có tên trên bản đồ thế giới, lần đầu tiên cả nước nghe Thơ chúc Tết của Bác Hồ lúc giao thừa với lời nhắn gửi:
"Bao giờ kháng chiến thành công
Chúng ta cùng uống một chung rượu đào"
Vậy mà 30 năm sau, xuân Bính Thìn 1976, mùa xuân "Bắc - Nam sum họp xuân nào vui hơn" trở về sau Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Bác đã đi xa, chỉ có bài hát vang lên "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng".
Đã hơn một thế kỷ từ mùa xuân Tân Hợi 1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành bắt đầu hành trình cứu nước, cho lớp lớp thế hệ người Việt Nam trên đất nước của các Vua Hùng trăm năm đồng hành trong sự nghiệp giải phóng, đi tới độc lập, tự do. Đã hơn 90 mùa xuân từ mùa xuân Canh Ngọ 1930, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, cách mạng Việt Nam đi theo con đường Bác Hồ tìm chọn.
Xuân này, đọc lại Thư chúc tết Kỷ Dậu hơn nửa thế kỷ trước, đất nước gần 100 triệu dân vẫn vững bước trên hành trình những mùa xuân Bác đã tạo dựng, dẫn dắt; càng thêm vững tin vào cơ đồ và khát vọng trăm năm thịnh vượng của dân tộc hùng cường.