Kinh tế

Doanh nghiệp

Thủ đoạn cuối cùng làm thất thoát 2.700 tỷ tài sản Nhà nước trong vụ ông Vũ Huy Hoàng bị truy tố

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và đồng phạm được xác định đã khiến Nhà nước thất thoát hơn 2.700 tỷ (liên quan khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng (TP.HCM)). Nhà chức trách cũng nêu rõ về thủ đoạn cuối cùng để làm mất tài sản Nhà nước trong vụ án nghiêm trọng này.

 

Cố tình làm sai chỉ đạo

Thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước, tháng 3/2006, Bộ Công Thương khi đó ông Vũ Huy Hoàng làm Bộ trưởng có công văn đề nghị Bộ Tài Chính, Ban Chỉ đạo 80 TP.HCM để Sabeco (Tổng Công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn) giữ lại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng (quận 1, TP.HCM).

Mục đích giữ khu đất này để thực hiện dự án xây dựng khách sạn 6 sao, trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị, hội thảo và văn phòng cho thuê.

Để triển khai thực hiện dự án tại khu đất trên, tháng 4/2007, Sabeco liên doanh thành lập Công ty cổ phần Bất động sản Sabeco (Sabeco Land). Các cổ đông sáng lập gồm Sabeco, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Phát triển công nghiệp vận tải Bình Kiên, Công ty cổ phần Đầu tư Rồng Á Châu.

 

Sabeco năm 2006 đã được Bộ Công Thương có công văn đề nghị Bộ Tài Chính, Ban Chỉ đạo 80 TP.HCM cho giữ lại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng để thực hiện xây dựng khách sạn 6 sao, trung tâm thương mại...
Sabeco năm 2006 đã được Bộ Công Thương có công văn đề nghị Bộ Tài Chính, Ban Chỉ đạo 80 TP.HCM cho giữ lại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng để thực hiện xây dựng khách sạn 6 sao, trung tâm thương mại...



Sabeco Land sau đó đã thuê đơn vị tư vấn, lập hồ sơ pháp lý, thuê tư vấn thiết kế kiến trúc công trình Tòa nhà Sabeco Tower để triển khai xây dựng dự án, tổ chức thi tuyển kiến trúc công trình.

Tháng 8/2007, Sabeco xin TP.HCM chuyển mục đích sử dụng đất để xây dựng khách sạn 6 sao, trung tâm thương mại…; tháng 11/2007, Bộ Tài chính đồng ý với đề nghị của Sabeco; tháng 12/2007, TP.HCM đồng ý với đề nghị này.

3 năm sau, tức tháng 12/2010, TP.HCM chấp thuận chỉ tiêu quy hoạch, kiến trúc của dự án 2-4-6 Hai Bà Trưng là khu phức hợp, có chức năng khách sạn 6 sao, văn phòng, thương mại dịch vụ.

Đáng chú ý, lúc này dự án không có chức năng căn hộ ở và cho thuê.

Tháng 7/2011, UBND TP.HCM duyệt giá trị quyền sử dụng đất tại khu đất trên theo giá thị trường để Sabeco thực hiện nghĩa vụ tài chính khi được chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án là hơn 1,2 nghìn tỷ, thời hiệu giá có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Do tiền phải nộp quá lớn nên Sabeco chưa bố trí được, không thể nộp đúng hạn, Sabeco có văn bản báo cáo Bộ Công Thương.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Nam Hải sau đó đã có công văn ngày 24/10/2012 gửi TP.HCM, đề nghị gia hạn thời hạn nộp tiền sử dụng đất cho Sabeco.


 

 Mặc dù Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết, yêu cầu không được đầu tư ngoài ngành, tuy nhiên cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cùng các bị can khác đã không thực hiện theo chỉ đạo.
Mặc dù Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết, yêu cầu không được đầu tư ngoài ngành, tuy nhiên cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cùng các bị can khác đã không thực hiện theo chỉ đạo.



Trong thời gian này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 94/NQ-CP ngày 27/9/2011, trong đó Chính phủ yêu cầu các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước tập trung vốn đầu tư vào các ngành kinh doanh chính, không đầu tư ngoài ngành, nhất là các lĩnh vực tài chính, bảo hiểm, bất động sản, chứng khoán.

Đối với các tập đoàn, tổng công ty trước đây đã đầu tư vào các lĩnh vực này thì phải sớm có kế hoạch thoái vốn, tiến tới chấm dứt kinh doanh.

11 tháng sau, Chính phủ ban hành Nghị quyết 26/NQ-CP, tiếp tục chỉ đạo việc thoái vốn đầu tư ra ngoài lĩnh vực kinh doanh chính của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước là một nội dung quan trọng của quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp… Các đơn vị trên phải hoàn thành việc thoái vốn đầu tư không thuộc ngành nghề kinh doanh chính theo nguyên tắc thị trường, đảm bảo công khai, minh bạch, bảo toàn ở mức cao nhất phần vốn tài sản của Nhà nước.

Tuy nhiên, cáo trạng thể hiện, cựu bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, nguyên Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, Phan Chí Dũng - nguyên Vụ trưởng Vụ công nghiệp nhẹ Bộ Công Thương đã không thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ.

Các bị can trên đã tiếp tục chỉ đạo Sabeco thực hiện đầu tư dự án bất động sản, không phải là ngành nghề kinh doanh chính; tiến hành liên doanh thành lập pháp nhân mới làm chủ đầu tư dự án, chuyển giao quyền sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng cho liên doanh không đúng đối tượng, không thông qua đấu giá, trái pháp luật, gây thiệt hại đặc biệt lớn cho Nhà nước.


Liên doanh rồi xin giải thể

Năm 2013, Bộ phận quản lý vốn Nhà nước (BPQLVNN) tại Sabeco (gồm ông Phan Đăng Tuất – Chủ tịch HĐQT, phụ trách BPQLVNN; bà Phạm Thị Hồng Hạnh – Tổng Giám đốc Sabeco; ông Lê Hồng Xanh – Phó Tổng giám đốc; ông Bùi Ngọc Hạnh – Thành viên HĐQT) đã báo cáo, đề xuất Bộ Công Thương cho giải thể Sabeco Land.

 

Để thực hiện dự án, Sabeco liên doanh để thành lập Sabeco Land, cổ đông sáng lập gồm Sabeco chiếm 45% vốn, tuy nhiên sau đó lại xin giải thể vì các nhà đầu tư không đủ năng lực tài chính. (Ảnh: Soha.vn)
Để thực hiện dự án, Sabeco liên doanh để thành lập Sabeco Land, cổ đông sáng lập gồm Sabeco chiếm 45% vốn, tuy nhiên sau đó lại xin giải thể vì các nhà đầu tư không đủ năng lực tài chính. (Ảnh: Soha.vn)


Lý do được đưa ra vì các nhà đầu tư không đủ năng lực tài chính, đồng thời đề xuất cho liên doanh góp vốn với Công ty cổ phần tập đoàn Đại Dương, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Sông Đà, Công ty cổ phần Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương, Công ty TNHH Thịnh Việt và Công ty cổ phần đầu tư Mê Linh để triển khai thực hiện dự án.

Tháng 6/2013, bị can Hồ Thị Kim Thoa ký công văn yêu cầu Sabeco rút kinh nghiệm, đồng ý cho giải thể Sabeco Land.

Tháng 4/2014, BPQLVNN tại Sabeco báo cáo với Bộ Công Thương nhóm các nhà đầu tư trên xin rút, không thực hiện dự án; đề xuất cho Tổng công ty Sabeco hợp tác với Công ty cổ phần Attland (Công ty Attland), Công ty Hà An, Công ty Mê Linh thành lập công ty cổ phần để triển khai thực hiện dự án.

Phương án được đưa ra là Sabeco và nhóm các nhà đầu tư sẽ thành lập Công ty cổ phần, Sabeco góp 26% vốn điều lệ, 18% bằng tiền mặt, 8% giá trị lợi thế.

Cùng với đó, Sabeco sẽ chuyển giao quyền sử dụng khu đất cho Công ty cổ phần để triển khai dự án tại 2-4-6 Hai Bà Trưng; các cổ đông còn lại sẽ góp vốn bằng tiền mặt, nộp tiền sử dụng đất là hơn 1,2 nghìn tỷ đồng cộng với tiền nộp quá hạn.

Cáo trạng truy tố cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và đồng phạm nêu rõ, tháng 6/2014, Phan Chí Dũng đã tham mưu, dự thảo cho Hồ Thị Kim Thoa ký công văn trả lời Sabeco.

Bà Hồ Thị Kim Thoa đã yêu cầu Dũng gửi dự thảo báo cáo xin ý kiến của ông Hoàng trước khi ký phát hành. Vị cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã trực tiếp ghi thêm vào dự thảo văn bản nội dung "Việc lựa chọn nhà đầu tư cụ thể, Tổng công ty phải báo cáo Bộ để được xem xét, quyết định".
Thủ đoạn cuối cùng

Sau khi được đồng ý về chủ trương lựa chọn nhóm nhà đầu tư mới thay thế, tháng 11/2014, Sabeco và các nhà đầu tư ký hợp đồng nguyên tắc việc hợp tác đầu tư. Đến tháng 2/2015, Sabeco ký hợp đồng hợp tác đầu tư thành lập Công ty cổ phần đầu tư Sabeco Pearl (viết tắt là Sabeco Pearl). Sabeco Pearl sau đó được thành lập theo hợp đồng hợp tác đầu tư nêu trên.


 

Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng tại cơ quan điều tra chỉ thừa nhận trách nhiệm người đứng đầu, theo ông này, trách nhiệm chính thuộc về nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa (ảnh).
Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng tại cơ quan điều tra chỉ thừa nhận trách nhiệm người đứng đầu, theo ông này, trách nhiệm chính thuộc về nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa (ảnh).



Về sau, Sabeco Pearl tăng vốn điều lệ, nhưng tỷ lệ vốn góp của các cổ đông sáng lập vẫn giữa nguyên. Sabeco góp khoảng 92 tỷ, cáo trạng xác định, giá trị quyền sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng được đưa vào liên doanh để đầu tư thực hiện dự án, tuy nhiên không được định giá theo quy định của pháp luật để tính vào phần vốn góp của Sabeco tại Sabeco Pearl, đây là một trong những nguyên nhân trực tiếp gây thiệt hại, thất thoát tài sản Nhà nước.

Về phía TP.HCM, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín sau khi có đề nghị từ Sabeco, ông này đã duyệt giá trị quyền sử dụng khu đất là hơn 997 tỷ đồng; giao các cơ quan liên quan của Thành phố nghiên cứu, đề xuất xem xét với đề nghị của Sabeco.

Mặc dù chưa lấy ý kiến liên ngành theo chỉ đạo, Lê Quang Minh (Trưởng phòng Phát triển hạ tầng, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM) đã tham mưu, đề xuất Lâm Nguyên Khôi – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư ký công văn đề xuất TP.HCM chấp thuận cho Sabeco Pearl làm chủ đầu tư dự án, được thực hiện nghĩa vụ tài chính với khu đất.

Sabeco Pearl sau đó được làm chủ đầu tư dự án 2-4-6 Hai Bà Trưng và nộp tiền sử dụng đất là 999 tỷ đồng.

Ông Tín sau đó đã ký văn bản chấp thuận cho Sabeco Pearl được thuê đất tại 2-4-6 Hai Bà Trưng, theo hình thức thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê, mục đích sử dụng đất là đất thương mại, thời hạn sử dụng 50 năm.

Sabeco Pearl sau đó được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; công ty này đề xuất và được chấp thuận điều chỉnh, bổ sung chức năng căn hộ ở và officetel đối với công trình tại khu đất 2-4-6.

Đáng chú ý, khi cơ quan chức năng chưa tính toán và quyết định nộp tiền bổ sung mục đích, chức năng sử dụng đất, tháng 1/2016, nhóm các nhà đầu tư là Công ty Hà An, Công ty Attland và Công ty Mê Linh cùng ký văn bản, kiến nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo Sabeco thoái toàn bộ vốn tại Sabeco Pearl.

9 ngày sau kiến nghị trên, nhóm các nhà đầu tư này tiếp tục ký công văn gửi ông Vũ Huy Hoàng đề nghị được mua lại toàn bộ 26% phần vốn góp của Sabeco.

Công ty Attland sau đó đã trúng đấu giá, với giá sàn tiến hành đấu giá là 13.247 đồng/cổ phần, thành tiền khoảng hơn 196 tỷ đồng, Sabeco đã nhận số tiền chuyển nhượng cổ phần và rút khỏi liên doanh Sabeco Pearl.

Ngày 19/10/2016, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp công ty cổ phần, thay đổi lần thứ 5, đổi tên Sabeco Pearl thành Công ty cổ phần Đầu tư Quảng trường Mê Linh.

"Như vậy đến thời điểm này, dự án tại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng được chuyển toàn bộ sang các nhà đầu tư là các doanh nghiệp tư nhân tham gia liên doanh Sabeco Pearl, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khu 2-4-6 Hai Bà Trưng hiện thuộc về Công ty cổ phần Đầu tư Quảng trường Mê Linh.

Việc định giá, thoái vốn là thủ đoạn cuối cùng làm mất tài sản Nhà nước và là cơ sở để tư nhân chiếm hữu tài sản Nhà nước" – cáo trạng nêu rõ.

https://danviet.vn/thu-doan-cuoi-cung-lam-that-thoat-2700-ty-tai-san-nha-nuoc-trong-vu-ong-vu-huy-hoang-bi-truy-to-20200918001244843.htm

Theo NGUYỄN HÒA (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm