Tình trạng các cá nhân, nhà đầu tư đón đầu quy hoạch, dự án rồi thu gom mua đất lúa không chỉ gây xáo trộn làng quê tại nhiều tỉnh miền Trung mà còn khiến người dân vì cái lợi trước mắt đã “bứng” luôn cả mảnh đất sinh kế lâu nay của mình. Tại huyện Phú Hòa (Phú Yên), cơ quan chức năng phải giao công an vào cuộc, kiểm tra.
Đất lúa ở thôn Phước Khánh, xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa (Phú Yên) đang được bán với giá từ 100 - 150 triệu đồng/sào. Ảnh: D.THANH |
Giao công an kiểm tra
Tại thôn Phước Khánh, xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa (Phú Yên) đang diễn ra tình trạng người dân đổ xô bán đất lúa với giá từ 100 - 150 triệu đồng (tùy theo diện tích). Bà H.T.L (thôn Phước Khánh) cho biết, bà đã bán 1 sào ruộng lúa với giá hơn 100 triệu đồng. “Tôi chỉ có một sào nhưng thấy được tiền hơn làm lúa nên bán luôn” - bà H.T.L cho hay.
Ông Trần Quốc Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Trị cho biết, từ khi có các dự án của tỉnh mở rộng đường Trần Phú nối dài cũng như mở rộng về phía Bắc Quốc lộ 25 thì rộ lên vấn đề người dân bán đất lúa.
Trả lời PV Lao Động vào chiều 22.3, ông Lê Ngọc Tính - Bí thư Huyện ủy Phú Hòa cũng xác nhận có tình trạng người dân trên địa bàn xã Hòa Trị bán đất lúa cho các đối tượng thu gom.
"Cái này xuất phát từ khi UBND tỉnh Phú Yên điều chỉnh các dự án dọc Quốc lộ 25, trong đó có một số khu vực quy hoạch xây dựng khu dân cư, khu đô thị. Từ đó, một số nhà đầu tư họ muốn đầu tư ở đây xuất hiện. Tôi đang giao lực lượng công an kiểm tra, để có hướng xử lý các đối tượng thu gom đất lúa, bán qua bán lại để kiếm lời, vì hiện tại chưa rõ đối tượng nào. Việc mua bán này dễ xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự và tạo "bong bóng" bất động sản".
Theo ông Tính, Luật Đất đai năm 2013 quy định rất rõ, người sử dụng đất có quyền buôn bán, tặng cho, chuyển nhượng theo đúng quy định của pháp luật, nên chính quyền cũng khó can thiệp được.
"Trước mắt, Huyện ủy Phú Hòa chỉ đạo UBND xã Hòa Trị định hướng, tuyên truyền cho người dân biết cái nào lợi, cái nào không lợi khi mua bán đất lúa. Chúng tôi chỉ sợ người dân không hưởng được quyền lợi của họ sau này thôi. Hiện nay, huyện Phú Hòa cũng chưa nhận bất kỳ hồ sơ chuyển nhượng đất lúa nào ở xã Hòa Trị" - ông Tính cho hay.
Chuyển đổi lên thổ cư... rồi bỏ đó!
Không chỉ rộ lên ở Phú Yên mà tại huyện Diên Khánh (Khánh Hòa), nạn bán đất lúa cho các đối tượng thu gom, chuyển sang thổ cư rồi phân lô bán nền cũng diễn ra phổ biến. Tình trạng này bắt đầu nóng lên khi tuyến đường 2 chiều Võ Nguyên Giáp nối Quốc lộ 1A và đường lên Đà Lạt mở ra, nhất là trước thông tin huyện này lên thị xã.
Tại các xã như Diên An, Diên Toàn, Diên Thạnh, Diên Phú... hằng ngày có rất nhiều nhân viên bất động sản đi “săn lùng” hỏi mua đất. Đáng nói là nhiều người dân thấy lợi trước mắt đã bán tháo rất nhiều ruộng lúa hoặc mảnh vườn (đất trồng cây lâu năm) đã nuôi sống gia đình mình bao đời. Ông N.T (xã Diên An, huyện Diên Khánh) cho biết, từ khi đường Võ Nguyên Giáp, nối Nha Trang với Quốc lộ 1 và đường đi Đà Lạt (Lâm Đồng) được mở ra, giá đất ở xung quanh con đường trên, chạy qua các xã Diên An, Diên Toàn... “đội” lên chóng mặt. Nhiều công ty kinh doanh bất động sản kéo về đây mua đất lúa, đất trồng cây lâu năm với giá thấp rồi chuyển sang đất thổ cư, phân lô để rao bán giá cao. Giá đất tùy loại tăng từ 3,5 đồng đến 4 triệu đồng/m2 lên 12 - 15 triệu đồng/m2.
Điều này đặt ra câu hỏi, đất ruộng ngày càng thu hẹp, người dân sau này sinh kế ra sao? Khi chúng tôi hỏi mua đất, một người dân xã Diên An thở ra: “Ở đây làm gì còn đất đâu mà mua. Dân họ ồ ạt bán hết rồi. Làm nông mãi họ cũng không giàu lên nên bán lấy tiền là nhanh nhất. Nghĩ thế là họ bán thôi chứ đâu nghĩ sau này ra sao”. Còn ông T dẫn chúng tôi đến một cái ao rồi bảo: “Còn cái ao này cậu có mua không tôi hỏi chủ giúp cho. Sau này có làm gì thì lấp thôi”.
Báo cáo giám sát của HĐND huyện Diên Khánh vào năm 2019 cho thấy, diện tích đất chuyển mục đích từ đất lúa sang đất ở trên địa bàn huyện này là rất lớn. Cụ thể, tại các xã Diên An, Diên Toàn, Diên Thạnh, Diên Phú trong các năm 2017, 2018 hơn là 133.000m2. Tuy nhiên, diện tích xây dựng lại chiếm tỉ lệ thấp so với diện tích đã được chuyển mục đích (12,5%), tức là chỉ xây dựng khoảng 17.000m2.
Ngoài ra, việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong một số vùng dự kiến phân lô, tách thửa chưa được nhà đầu tư thực hiện đúng theo quy định của chính quyền huyện.
Điều đáng nói là dù ồ ạt chuyển đổi mục đích sử dụng đất (nhất là đất lúa, đất trồng cây lâu năm...) sang đất ở, các quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và quy hoạch ngành lại không đồng bộ thống nhất, dẫn đến sự chồng chéo, khó khăn trong quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng.
“Cơ sở hạ tầng kỹ thuật trong các dự án khu đô thị, khu tái định cư và khu dân cư mới hình thành chưa được đầu tư đồng bộ, cấp nước, thoát nước, điện, cây xanh, giao thông nội bộ chật hẹp, có nơi hệ thống hạ tầng kỹ thuật đã xuống cấp, không đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân” - HĐND huyện Diên Khánh cho hay.
HĐND huyện Diên Khánh đề nghị chính quyền huyện này chỉ đạo các cơ quan, phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh tăng cường công tác kiểm tra về kiến trúc, xây dựng, tiến độ triển khai dự án và xử lý các vi phạm về trật tự xây dựng, trong đó có các dự án đã và đang được cấp phép xây dựng trên diện tích đất lúa.
NHIỆT BĂNG (LĐO)