Đô thị

Không gian sống

Thu gom rác thải ở Đức Cơ hiệu quả nhưng... còn vướng mắc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ ngày các hợp tác xã (HTX) triển khai thu gom rác, ý thức của người dân tại các xã Ia Dom, Ia Krêl, Ia Din (huyện Đức Cơ, Gia Lai) trong việc xử lý rác thải đã được nâng lên, đem lại hiệu quả thiết thực trong việc gìn giữ cảnh quan nông thôn và vệ sinh môi trường.
Hiệu quả cao
Từ năm 2017, HTX Nông-Lâm-Công nghiệp, Thương mại và Dịch vụ Ia Dom tiến hành thu gom rác thải tại các thôn, làng nằm trên trục quốc lộ 19B. Đến nay, HTX đã mở rộng địa bàn thu gom rác đến 8 thôn, làng với hơn 1.500 hộ dân. Ông Trang Quốc Hùng-Giám đốc HTX-cho biết: “Lượng rác thải sinh hoạt ngày càng tăng cao. Trung bình mỗi ngày, chúng tôi thu gom 1,2-1,5 tấn rác. Rác thu gom về sẽ đem đến tập kết tại bãi rác của huyện. Nhìn chung, sau 2 năm triển khai việc thu gom rác, ý thức của bà con về việc đổ rác đúng nơi quy định đã tăng lên rất nhiều, giảm thiểu tình trạng vứt rác bừa bãi, đem lại diện mạo sạch đẹp cho các con đường, đặc biệt là dọc tuyến quốc lộ 19B nối Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh”.
 Việc thu gom rác định kỳ đã giúp người dân hình thành nên ý thức bỏ rác đúng nơi quy định. Ảnh: P.V
Việc thu gom rác định kỳ đã giúp người dân hình thành nên ý thức bỏ rác đúng nơi quy định. Ảnh: P.V
Trước đây, người dân trên địa bàn xã Ia Krêl và Ia Din vẫn thường tự đào hố, phơi khô rác rồi đốt. Một số người khác vứt rác bừa bãi dọc những đoạn đường vắng vẻ. Suốt thời gian dài, những bãi rác tự phát cứ thế mọc lên, nhếch nhác, bẩn thỉu, hôi hám. Đầu năm 2018, mỗi ngày đều có một chuyến xe cùng 5 công nhân của HTX Sản xuất-Thương mại và Dịch vụ Môi trường Ia Krêl đến từng nhà để thu gom rác. Chị Nguyễn Thị Liêm (thôn Ia Căm, xã Ia Krêl) chia sẻ: “Trước đây, đoạn đường phía trước nhà tôi lúc nào cũng đầy rác thải, túi ni lông vứt bữa bãi, rất hôi thối. Mùa mưa, nước bẩn chảy khắp nơi, rất ô nhiễm. Kể từ ngày có đội thu gom rác thải, chúng tôi rất phấn khởi vì không phải lo lắng về việc xử lý rác nữa. Tôi luôn cố gắng phân loại rác thải tái chế, rác thải cứng và rác thải tự hoại thành từng bao khác nhau để các công nhân gom rác đỡ vất vả”. Tương tự, ông Lê Ngọc Nhị (thôn Ia Lâm, xã Ia Krêl) rất hài lòng với dịch vụ thu gom rác thải của HTX Sản xuất-Thương mại và Dịch vụ Môi trường Ia Krêl. “Từ ngày có dịch vụ thu gom rác, đường làng, ngõ xóm sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh hơn hẳn”-ông Nhị nhận xét.
Hiện tại, HTX Sản xuất-Thương mại và Dịch vụ Môi trường Ia Krêl đang tiến hành thu gom rác của hơn 1.200 hộ dân tại 10 thôn trên địa bàn xã Ia Krêl và Ia Din. Với mức thu trung bình 20.000 đồng/hộ/tháng (miễn phí cho hộ nghèo và cận nghèo), việc thu gom rác thải trên địa bàn đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo người dân.
Còn nhiều khó khăn
Mặc dù việc thu gom rác thải tập trung đã đem lại môi trường xanh-sạch-đẹp cho các địa phương nhưng để duy trì hoạt động, các HTX đảm nhận công việc này vẫn gặp phải rất nhiều khó khăn.
Không có xe chở rác chuyên dụng là một trong những khó khăn lớn nhất của các HTX. Xe chở rác chuyên dụng sẽ đi kèm với các thùng rác phù hợp, việc thu gom rác cũng trở nên thuận tiện và nhẹ nhàng hơn cho công nhân. Tuy nhiên, do vị trí của các bãi rác tập trung quá xa, đường đi lại khó khăn nên chỉ phù hợp với xe độ chế. “Các xe chở rác độ chế thường không đảm bảo quy cách thiết kế, yếu tố vệ sinh cũng như tính chuyên nghiệp cho đội thu gom rác thải. Tuy nhiên, vì đường vào nơi tập kết rác thường lầy lội vào mùa mưa nên chúng tôi đành phải sử dụng phương tiện này”-ông Hồ Sư Cần-Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Sản xuất-Thương mại và Dịch vụ Môi trường Ia Krêl-cho biết.
Trong khi đó, Giám đốc HTX Nông-Lâm-Công nghiệp, Thương mại và Dịch vụ Ia Dom thì cho biết: “Hiện tại, việc thu phí của các hộ, đặc biệt là hộ đồng bào dân tộc thiểu số, gặp khá nhiều khó khăn. Trừ các hộ sống dọc tuyến quốc lộ 19B đóng phí đầy đủ thì phần lớn các gia đình trong các làng vẫn còn ỷ lại, thường tìm cách đối phó để vẫn được thu gom rác nhưng không phải mất phí hàng tháng, dù mức phí chỉ 10.000-15.000 đồng/hộ/tháng. Tại các làng, số gia đình nộp phí đầy đủ chỉ khoảng 10%. Trong khi đó, chúng tôi phải trả lương cho 4 công nhân và tiền nhiên liệu cho xe chở rác. Điều này khiến hoạt động của HTX gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi hiện phải lấy nguồn thu từ các hoạt động kinh doanh khác để chi trả cho dịch vụ này”. Được biết, để các hộ dân nâng cao hơn nữa ý thức chung tay bảo vệ môi trường, chính quyền xã Ia Dom đã thành lập tổ công tác đến tuyên truyền, vận động tại các gia đình.
Phương Vi

Có thể bạn quan tâm