Kinh tế

Doanh nghiệp

Thu hút đầu tư: Cơ hội để Gia Lai bứt phá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tiềm năng, lợi thế sẵn có cộng với môi trường đầu tư thông thoáng đã giúp Gia Lai trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều doanh nghiệp lớn trên cả nước. Minh chứng cho điều này là trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã thu hút 515 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 832,9 ngàn tỷ đồng. Phát huy kết quả đạt được, tỉnh đề ra những giải pháp mang tính chiến lược và xem đây là tiền đề, cơ hội bứt phá trong thời gian tới.

Kết quả ấn tượng

Những năm gần đây, Gia Lai liên tục tổ chức các hội nghị, hội thảo xúc tiến đầu tư, tuyên truyền, quảng bá, kêu gọi đầu tư bằng nhiều hình thức khác nhau ở cả trong và ngoài nước. Bên cạnh 3 hội nghị xúc tiến đầu tư, tỉnh còn phối hợp tổ chức thành công các hội thảo, tọa đàm kết nối đầu tư.

Tỉnh cũng tổ chức 6 đoàn công tác đi quảng bá, xúc tiến đầu tư tại các nước: Ấn Độ, Cộng hòa Séc, Nam Phi, Hàn Quốc, New Zealand và Nhật Bản nhằm tăng cường thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào địa phương; hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn nâng cao năng lực cạnh tranh, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, số lượng đối tác, doanh nghiệp nước ngoài đến Gia Lai tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư ngày càng tăng.

Nhiều dự án điện gió được khởi công xây dựng trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã mở ra triển vọng về phát triển năng lượng tái tạo. Ảnh: Đức Thụy
Nhiều dự án điện gió được khởi công xây dựng trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã mở ra triển vọng về phát triển năng lượng tái tạo. Ảnh: Đức Thụy


Đặc biệt, những khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư luôn được chính quyền địa phương và các sở, ngành quan tâm tháo gỡ kịp thời; môi trường đầu tư kinh doanh cũng được cải thiện; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) ngày càng được nâng cao. Nếu năm 2015, tỉnh chỉ đạt 56,83 điểm, xếp thứ 47/63 tỉnh, thành thì đến năm 2019 đã đạt 65,34 điểm, xếp thứ 30/63 tỉnh, thành. Ngoài ra, tỉnh còn ban hành nhiều cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư, hỗ trợ cắt giảm chi phí; sửa đổi các điều kiện kinh doanh; cải cách thủ tục hành chính thông thoáng, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn nhằm thu hút các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư lớn đến với địa phương.

Ông Hồ Phước Thành-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) cho biết: Những nỗ lực không ngừng đã giúp tỉnh có cơ hội đón nhiều nhà đầu tư chiến lược về phát triển, có năng lực về tài chính đến nghiên cứu, tìm hiểu và xúc tiến đầu tư, hợp tác như các tập đoàn: FLC, Golf Long Thành, Thành Thành Công, Trung Na, Công ty TNHH Meiwa Việt Nam (thuộc Tập đoàn Meiwa Nhật Bản), Công ty KEPCO KDN (thuộc Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc), Hiệp hội Kinh tế-Văn hóa Hàn-Việt (KOVECA), Trung tâm Hợp tác Phát triển Quốc tế Daegu Gyeongbuk (Đại học Quốc gia Kyungpook, Hàn Quốc)...

Cũng theo Giám đốc Sở KH-ĐT, riêng năm 2020, toàn tỉnh có 56 dự án được phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký 43.700 tỷ đồng; 22 dự án được UBND tỉnh đồng ý chủ trương nghiên cứu, lập đề xuất với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 4.127 tỷ đồng. Ngoài ra, UBND tỉnh đã trình Chính phủ, Bộ Công thương phê duyệt bổ sung quy hoạch 14 dự án điện mặt trời với tổng công suất 1.354 MWp và 74 dự án điện gió với công suất 9.699,2 MW; tạo điều kiện cho các nhà đầu tư khảo sát, nghiên cứu 25 dự án điện mặt trời, 24 dự án điện gió.

Đến nay, một số dự án lớn đã hoàn thành như: Nhà máy Điện mặt trời Krông Pa, Nhà máy Điện năng lượng mặt trời Chư Ngọc-LICOGI 16, Nhà máy Chế biến rau quả (giai đoạn 2) của Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao; nhiều dự án điện gió khác đang triển khai thực hiện.

Đầu tháng 9-2020, Công ty cổ phần Điện gió Ia Bang (TP. Pleiku) được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy Điện gió Ia Bang 1 tại xã Ia Bang (huyện Chư Prông) với công suất thiết kế 50 MW và sản lượng điện dự kiến khoảng 146.190 MWh/năm; tổng mức đầu tư khoảng 2.200 tỷ đồng.

Ông Hồ Quí Tri Thức-Phó Giám đốc Công ty-cho hay: “Chúng tôi đang lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế cơ sở dự án; tổ chức đấu thầu và lựa chọn nhà thầu tư vấn, thi công xây dựng, cung cấp lắp đặt thiết bị. Dự kiến, dự án sẽ khởi công xây dựng trong tháng 1-2021 và hoàn thành vào đầu tháng 11 cùng năm. Trong quá trình triển khai thực hiện, chúng tôi đã nhận được sự giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi từ các ngành của tỉnh; được đảm bảo các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư theo quy định”.

Nói về kết quả thu hút đầu tư vào tỉnh, ông Hồ Phước Thành nhấn mạnh: “Công tác thu hút đầu tư của tỉnh trong những năm qua không chỉ tăng mạnh về số lượng dự án mà còn đa dạng các lĩnh vực đầu tư, từ nông nghiệp công nghệ cao, chăn nuôi đại gia súc, công nghiệp chế biến, cảng cạn, chợ đầu mối quốc tế, bất động sản đến phát triển năng lượng tái tạo. Đây là minh chứng rõ nét nhất cho những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh đang từng ngày được các nhà đầu tư đánh thức”.

Tạo cơ hội bứt phá

Mặc dù công tác thu hút đầu tư đã có nhiều khởi sắc, song khó khăn, thách thức vẫn không ít. Hạ tầng kết nối của tỉnh tương đối yếu khi không có đường sắt, đường biển lẫn đường sông. Thực tế đó làm phát sinh nhiều khoản chi phí gián tiếp, kéo theo việc tăng giá thành sản phẩm khiến nhiều nhà đầu tư còn e dè.

Thêm vào đó, tỉnh ta chưa có nhiều khu/cụm công nghiệp nên khi một loạt nhà đầu tư tìm đến thực hiện dự án phải giải phóng mặt bằng lớn, cộng với việc nhiều người dân thiếu hợp tác làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế nên chưa sâu sát, thấu đáo và kịp thời trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp khiến việc tiếp xúc với các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nước ngoài bị hạn chế.

Sơ chế chanh dây tại Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu rau quả DOVECO Gia Lai. Ảnh: Đức Thụy
Sơ chế chanh dây tại Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu rau quả DOVECO Gia Lai. Ảnh: Đức Thụy

Giai đoạn 2016-2020, Gia Lai đã thu hút 515 dự án với tổng vốn đăng ký là 832.925 tỷ đồng (tăng gấp 5 lần số dự án và 36 lần về số vốn so với giai đoạn 2011-2015). Trong đó, 231 dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký 66.500 tỷ đồng; 108 dự án được các doanh nghiệp quan tâm lập thủ tục đầu tư với số vốn khoảng 50.928 tỷ đồng; 176 dự án điện mặt trời, điện gió được các nhà đầu tư quan tâm đăng ký với quy mô 24.300 MWp, dự kiến vốn đầu tư trên 715.497,5 tỷ đồng.

Với huyện Đak Đoa, ông Phạm Minh Trung-Chủ tịch UBND huyện-thông tin: Đak Đoa có nhiều thuận lợi trong công tác thu hút đầu tư như nằm ngay cửa ngõ phía Đông của TP. Pleiku, có tuyến quốc lộ 19 đi qua, quỹ đất vẫn còn nhiều... Trên cơ sở quy định, hướng dẫn của Sở KH-ĐT, huyện đã chủ động lập các danh mục dự án kêu gọi đầu tư trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; sau đó công khai danh mục trên trang thông tin điện tử của huyện và các phương tiện thông tin đại chúng.

“Hiện nay, trong số các dự án huyện và tỉnh kêu gọi đầu tư có nhiều dự án điện gió đã và đang triển khai trên địa bàn; không ít dự án nông nghiệp công nghệ cao được nhà đầu tư quan tâm; nhiều dự án xây dựng và phát triển hạ tầng nhà ở đã hoàn chỉnh hồ sơ, đấu giá, đấu thầu và chuẩn bị khởi công; một số dự án khác đang hoàn chỉnh hồ sơ... Tất cả sẽ tạo nên sự năng động, mới mẻ cho địa phương trong thời gian đến; tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách nhà nước, thu nhập của người dân cũng sẽ tỷ lệ thuận theo”-ông Trung phấn khởi cho hay.

Gia Lai có nhiều tiềm năng, lợi thể để thu hút các dự án đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với chế biến. Ảnh: Đức Thụy
Gia Lai có nhiều tiềm năng, lợi thể để thu hút các dự án đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với chế biến. Ảnh: Đức Thụy


Để tạo cơ hội bứt phá trong phát triển kinh tế-xã hội ở giai đoạn tiếp theo, cùng với việc nỗ lực khắc phục những tồn tại, hạn chế, tỉnh sẽ tiếp tục cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh; rà soát các danh mục kêu gọi đầu tư đang có lợi thế, khả năng để bổ sung. Vừa qua, UBND tỉnh đã quyết định bổ sung 27 dự án vào danh mục kêu gọi đầu tư giai đoạn 2020-2021, nâng tổng số dự án kêu gọi đầu tư trong giai đoạn này lên con số 215.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025) và yêu cầu của UBND tỉnh, Sở KH-ĐT cũng đang chủ trì xây dựng nghị quyết chuyên đề đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo và du lịch. “Ngày 11-12 tới, tỉnh sẽ phối hợp tổ chức Hội thảo xúc tiến đầu tư ở Hà Nội với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn, doanh nhân Sao Đỏ... Tại đây, chúng ta sẽ tiếp tục ký kết hợp tác đầu tư với một số doanh nghiệp lớn như: Tập đoàn Alphanam, Phú Thái, Euro Window... mở ra nhiều cơ hội phát triển mới cho tỉnh trong tương lai”-Giám đốc Sở KH-ĐT thông tin.

HỒNG THI

Có thể bạn quan tâm