Sống trẻ - Sống đẹp

Thủ khoa xuất sắc ĐH RMIT từng bị chê không có khả năng học tiếng Anh

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Liên tục bị nhận xét không có khả năng học tiếng Anh, Vinh bảo mình từng thiếu tự tin, e dè, sợ sệt, cảm giác gần như đông cứng và bất lực để diễn đạt một câu tiếng Anh hoàn chỉnh.
Phạm Quang Vinh phát biểu nhận giải thưởng Sinh viên xuất sắc RMIT năm 2023. (Ảnh: PV)

Phạm Quang Vinh phát biểu nhận giải thưởng Sinh viên xuất sắc RMIT năm 2023. (Ảnh: PV)

Là một trong hai sinh viên vinh dự nhận giải thưởng Sinh viên xuất sắc của Đại học RMIT năm 2023 và từng giành hàng loạt giải thưởng trong các kỳ thi quốc tế, Phạm Quang Vinh khiến nhiều người bất ngờ khi chia sẻ về những ngày tháng từng thiếu tự tin, e dè, sợ sệt vì bị chê không có khả năng học tiếng Anh.

Vượt lên chính mình

Vinh cho hay những năm đầu bậc phổ thông, tiếng Anh không phải là thế mạnh của bản thân và cậu liên tục phải nghe những lời nhận xét tiêu cực. “Mười lăm năm trước, em từng bị bảo rằng không có khả năng học hay nói tiếng Anh. Chín năm trước, một lần nữa, em bị nhận xét rằng khả năng nói tiếng Anh của em khá tệ, nói theo kiểu học vẹt. Suốt những năm tháng đó, em vẫn thường nghĩ rằng mình là một người thất bại, luôn cảm thấy e dè, sợ sệt”, Vinh nhớ lại.

Vinh bảo, vì rất sợ tiếng Anh nên em gần như đông cứng và bất lực để diễn đạt một câu tiếng Anh hoàn chỉnh. Cậu cũng không giỏi trong việc ghi nhớ từ vựng mới dù chép đi chép lại rất nhiều lần.

Sau những năm tháng bất lực với học tiếng Anh, Vinh nhận ra rằng điều này đến từ việc em học tiếng Anh còn khá máy móc, không thực sự biết cách sử dụng từ và chưa đưa tiếng Anh trở nên gần gũi với mình hơn.

“Vì thế, em đã quyết tâm để tiếng Anh dần dần có thể là một phần thân thuộc trong cuộc sống hàng ngày của mình. Một trong những cách đơn giản mà hiệu quả em từng áp dụng để cải thiện khả năng tiếng Anh của bản thân đó là đặt câu và kể chuyện về chính mình bằng tiếng Anh,” Vinh chia sẻ.

Với mỗi từ vựng hay ngữ pháp mới, Vinh tập đặt câu theo những chủ đề mình yêu thích. Bắt đầu từ câu ngắn, đến câu dài, đến một đoạn văn ngắn rồi viết nhật ký về một ngày của mình bằng tiếng Anh và tập nói những gì mình đã viết.

Mới đầu chưa biết nhiều từ và cấu trúc, Vinh viết tiếng Anh xen lẫn tiếng Việt rồi nhờ các thầy cô góp ý để xem cách ứng dụng của mình đã đúng và hợp lý chưa. Lâu dần, Vinh có thể viết những câu dài hoàn toàn bằng tiếng Anh.

Quá trình này vừa giúp Vinh nhớ lâu và sâu cách sử dụng từ vựng và ngữ pháp, vừa đưa tiếng Anh trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày. Vinh dần bớt sợ nói tiếng Anh hơn vì luôn sẵn sàng để kể thật nhiều câu chuyện. Được kể câu chuyện của mình cho các bạn nước ngoài cũng tạo thêm động lực để Vinh học và yêu tiếng Anh hơn.

Khi vốn từ dày hơn và thực sự hiểu sâu những từ vựng, Vinh hiểu các bài đọc tốt hơn và rõ ràng hơn. Cậu chuyển từ sử dụng từ điển Anh-Việt sang sử dụng từ điển Anh-Anh để đọc và xem các ví dụ về cách mỗi từ vựng hay cấu trúc được viết trong một câu văn.

Nhờ những nỗ lực và sự kiên trì, từ một cậu bé bị chê không có khả năng học tiếng Anh, Vinh đã đỗ vào lớp chuyên Anh của Trường Trung học phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh) và đạt được điểm số IELTS 8.0 từ năm lớp 11.

Theo Vinh, sự thân thuộc và gần gũi là bí kíp chinh phục tiếng Anh và thực sự xây dựng tình yêu với ngôn ngữ.

Thủ khoa năng động

Từ những trải nghiệm với môn tiếng Anh, Vinh bảo em nhận ra rằng sự tự tin sẽ lớn dần chỉ cần chúng ta không bao giờ nói không với bản thân mình. Chỉ cần còn chút hy vọng vào bản thân, chúng ta sẽ luôn có cơ hội để tỏa sáng rực rỡ. Và hành trình của Vinh tại Đại học RMIT là hành trình tiếp tục tiến lên, tỏa sáng.

Phạm Quang Vinh chia sẻ niềm vui nhận thành tích xuất sắc cùng bố mẹ. (Ảnh: PV)

Phạm Quang Vinh chia sẻ niềm vui nhận thành tích xuất sắc cùng bố mẹ. (Ảnh: PV)

Không chỉ tốt nghiệp thủ khoa ngành Truyền thông chuyên nghiệp, Vinh còn sở hữu nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế. Tiêu biểu có thể kể đến như giải thưởng thiết kế danh giá D&AD New Blood Award đầu tiên cho Việt Nam, đồng sáng lập dự án giảm thiểu rác thải nhựa Flatten the Plastic Curve và nhận giải ba tại cuộc thi ASEAN Youth Social Journalism năm 2021 với dự án này. Vinh cũng trở thành đại biểu xuất sắc nhất tại phiên họp mô phỏng theo các kỳ họp của Liên Hợp Quốc Global Civilian Model United Nations.

Vinh cho hay điều lớn nhất mà cậu học được trong những năm tháng đại học chính là “biết lắng nghe với sự thấu cảm”. Nhờ biết lắng nghe người dùng mà Vinh đã phát triển được một giải pháp sáng tạo cho rác thải từ điện thoại di động cũ. Nhóm của Vinh đã đề xuất giải pháp IBM Smart Repair, một ứng dụng hỗ trợ sửa chữa giúp kết nối các cửa hàng nhỏ lẻ tại địa phương, và vinh dự thắng giải thưởng D&AD New Blood Quickfire đầu tiên của Việt Nam với ý tưởng này.

Tiến sĩ Farida Kbar, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Truyền thông chuyên nghiệp Đại học RMIT, cho biết: “Trong mỗi cuộc thi, Vinh đều thể hiện trí tưởng tượng tuyệt vời trong cách áp dụng kiến thức đã học vào giải quyết những thách thức thực tế và tạo ra tác động ý nghĩa. Một ví dụ tuyệt vời cho điều này là dự án Flatten the Plastic Curve”.

Flatten the Plastic Curve (tạm dịch: Làm phẳng đường cong rác thải nhựa) đã được triển khai với mục đích chỉ ra cho người tiêu dùng trẻ tuổi thấy tác hại của bao bì nhựa thải ra từ dịch vụ giao hàng trực tuyến và khuyến khích họ dùng các lựa chọn thay thế thân thiện với môi trường hơn.

Mặc dù khởi động trong thời điểm bị phong tỏa do COVID-19, chiến dịch vẫn tiếp cận được hơn 40.000 người trên mạng xã hội. Dự án của Vinh đã thắng giải Ba tại cuộc thi Phóng viên trẻ mảng xã hội khu vực ASEAN và nhận thêm tài trợ từ quỹ ASEAN.

Tháng 12/2022, Phạm Quang Vinh sáng lập Zám, sáng kiến nhằm hỗ trợ các tổ chức văn hóa và phi lợi nhuận phát triển các hoạt động marketing và truyền thông, cụ thể là Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh và PFLAG - Hội Phụ huynh và Người thân của cộng đồng LGBT Việt Nam.

Tiến sĩ Farida Kbar cho hay từ nỗ lực bền bỉ của mình, Vinh cũng trở thành nguồn cảm hứng tích cực cho các bạn trẻ: “Vượt khỏi phạm vi thành tích cá nhân, Vinh tạo ra được một làn sóng trong cộng đồng sinh viên, cho họ niềm tin rằng tất cả đều có tiềm năng giúp thế giới trở nên tốt đẹp hơn bằng sự sáng tạo của mình. Kể từ bước đi tiên phong của Vinh vào năm 2021, ngày càng có nhiều sinh viên RMIT tham gia vào các cuộc thi toàn cầu và tạo ra những dấu mốc thành công mới cho trường chúng tôi".

Nhìn lại chặng đường bốn năm trưởng thành của bản thân, Vinh chia sẻ trong lễ tốt nghiệp: “Hành động dũng cảm nhất trên đời này thực ra là biết thấu cảm với những khuyết điểm và nỗi sợ của bản thân. Không có thiếu sót nào là quá tệ bởi vì chính những điều chưa hoàn hảo ấy mới khiến chúng ta thật sự là con người”.

Theo Vinh, chúng ta nên trở thành bạn thân của chính mình trước khi xây dựng mối quan hệ mới với bất kỳ ai khác.

Có thể bạn quan tâm